Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết: TP đang rất quan tâm triển khai các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía nam để kéo giảm tình trạng ùn tắc như hiện nay.
Đây cũng là kế hoạch phát triển giao thông kết nối vào trung tâm TP và các vùng lân cận. Trong đó, phương án phát triển giao thông thủy để “chia lửa” cho đường bộ cũng được sở chú trọng nghiên cứu, triển khai.
Ngán ngại với những con đường kẹt xe
Theo ghi nhận, đường Phạm Hùng là một trong những tuyến chính kết nối khu nam với trung tâm TP. Con đường này thường xuyên ùn ứ do lượng xe lưu thông tăng cao và vướng nút thắt cổ chai ngay ngã tư Hưng Phú, trong khi cầu Chánh Hưng chưa được mở rộng.
Một trong những điểm nóng kẹt xe khu vực này là nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7). Nguyên nhân, đường Nguyễn Hữu Thọ là tuyến kết nối giữa quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ vào trung tâm TP. Tại đây, dòng phương tiện từ bốn hướng thường xuyên xung đột với nhau khiến giao thông ùn ứ, nhất là vào giờ cao điểm.
Ngoài ra, cầu Kênh Tẻ, đường Nguyễn Tất Thành, đường Huỳnh Tấn Phát cũng là những tuyến thường xuyên kẹt xe khiến người đi đường ngán ngại.
Khu vực nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Đang triển khai các dự án giao thông trọng điểm
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết TP đang rất quan tâm triển khai đến nhiều dự án trọng điểm để kết nối giao thông cũng như kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực phía nam TP.
Ngoài ra, TP đã giao Sở GTVT xây dựng “Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP”. Trong đó, sở tập trung nghiên cứu, triển khai các dự án lớn như cầu Cần Giờ, mở rộng đường Nguyễn Khoái… cho phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển vùng của TP.
Theo ông Bằng, tuy phía nam TP có nhiều dự án, song việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn như phải điều chỉnh một số dự án cho phù hợp với đặc thù khu vực.
“Hy vọng thời gian tới cầu Thủ Thiêm 4 được đầu tư sẽ phần nào giải tỏa áp lực giao thông với đường Nguyễn Tất Thành” - ông Bằng nói.
Nói về phương án phát triển giao thông phía nam TP, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban QLDA), cho biết đơn vị đang thực hiện hai dự án lớn là xây dựng nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và lập nghiên cứu xây dựng cầu Nguyễn Khoái.
Trong đó, dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày một gia tăng; góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực; thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía nam nói riêng, TP.HCM nói chung. “Mặt khác, dự án này sẽ tách dòng xe container, xe có tải trọng lớn ra khỏi dòng xe hỗn hợp và xe máy, đảm bảo các xe lưu thông thuận lợi và an toàn” - ông Phúc nhận định.
Tương tự, dự án xây dựng cầu Nguyễn Khoái đã được Ban QLDA điều chỉnh thiết kế để khi hoàn thành có thể kết nối quận 1, quận 4 và quận 7.
Ngoài ra, Ban QLDA cũng đã nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư công đối với dự án này. Đề xuất đã được Sở GTVT trình Sở KH&ĐT. Sở KH&ĐT đang xem xét trình HĐND TP. Sau khi chủ trương đầu tư được các cấp thẩm quyền thông qua, đơn vị sẽ triển khai các bước tiếp theo.
Xây thêm các cây cầu nhỏ Khu nam TP đang thực sự thiếu đường lớn, hạ tầng giao thông không bắt kịp quá trình đô thị hóa. Chung cư cao tầng, cao ốc mọc lên nhanh chóng, song hạ tầng giao thông gần như đứng im. Đơn cử, cầu Tân Thuận có lịch sử gần 100 năm, song vì quá tải, TP đã xây dựng cầu Tân Thuận 2 nhưng cũng không thể giải quyết tình trạng ùn tắc trên đường Nguyễn Tất Thành. Do đó, TP nên tính toán để xây dựng những cây cầu nhỏ nhằm chia lửa với những tuyến đường kẹt xe hiện nay trong khi chờ những dự án lớn triển khai và hoàn thành. Đặc biệt, TP cần bắt tay vào xây dựng ngay cầu Thủ Thiêm 4 bởi mỗi ngày sẽ có một lượng lớn nguồn lao động từ khu đông TP sang Khu chế xuất Tân Thuận làm việc. TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM Chung cư tràn lan giao thông quá tải Tình trạng xây dựng chung cư tràn lan ở khu vực này đã gây quá tải cho giao thông. Bên cạnh đó, khu đô thị phía nam TP hiện nay chưa được lấp đầy, khu đô thị ở Nhà Bè chưa được xây dựng. Nếu các dự án trên được xây dựng thì giao thông sẽ càng ách tắc nghiêm trọng. Có thể nguyên nhân chậm triển khai hạ tầng giao thông là do thiếu vốn, chưa thực hiện hiệu quả cơ chế xã hội hóa về đầu tư giao thông. Song song với việc xây dựng những tuyến đường mới, cầu mới để giảm tải thì việc đẩy nhanh tuyến metro trên cao đi Khu công nghiệp Hiệp Phước; phát triển trục đường Nguyễn Lương Bằng - Hoàng Quốc Việt nối đến cầu Phú Xuân 2 để chia lửa với đường Huỳnh Tấn Phát là rất cần thiết. Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM |
Tiềm năng phát triển giao thông thủy
Sở GTVT thông tin TP đã giao sở nghiên cứu và xây dựng “Đề án phát triển giao thông thủy trên địa bàn TP”. Trong đó, tiêu chí phát triển giao thông thủy nhằm chia sẻ áp lực với giao thông đường bộ là một nội dung quan trọng của đề án.
Sở GTVT cho hay đã đề xuất ưu tiên thực hiện các dự án nạo vét một số kênh rạch; nâng cấp các cầu trên tuyến nối tắt và liên kết nội thành với khu vực cảng biển mới, đảm bảo theo quy hoạch được duyệt.
Theo ông Lương Minh Phúc, Ban QLDA đang phối hợp với Sở GTVT khảo sát và đề xuất đầu tư tuyến kết nối trung tâm TP đến khu cảng biển Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).
Cạnh đó, hai đơn vị cũng tiến hành đầu tư xây dựng bờ kè kết hợp bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách kết hợp du lịch trên sông Sài Gòn. Trong đó, Ban QLDA cũng nghiên cứu công tác chỉnh trang đô thị dọc sông trong thời gian tới.
“Sau khi các tuyến này được đưa vào khai thác sẽ từng bước hình thành mạng lưới giao thông đường thủy cho TP và góp phần giảm áp lực lên các tuyến giao thông đường bộ” - ông Phúc kỳ vọng.
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đánh giá tiềm năng giao thông thủy của TP nói chung và phía nam TP nói riêng là rất lớn. Bởi TP sở hữu hơn 1.000 km đường sông, đây là thế mạnh mà các đơn vị chức năng đang khai thác, phát triển.
Hiện nay chỉ riêng về mặt vận chuyển hàng hóa, giao thông thủy đã chiếm 45%. Do đó giao thông thủy được coi là một nguồn lực mạnh, giảm tải cực kỳ lớn cho giao thông đường bộ.
Theo ông An, khu vực phía nam TP đang được đầu tư, phát triển giao thông thủy mạnh nhất. Cụ thể, khu vực này đã được triển khai dự án tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu, tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu. Thời gian tới TP sẽ khai thác tuyến buýt đường sông số 2.
“Ngoài ra, sau khi hoàn thành các điểm kết nối giữa giao thông thủy và bộ thì các tuyến giao thông thủy sẽ thu hút hành khách hơn hiện nay. Từ đó, giao thông thủy sẽ chia sẻ áp lực giao thông đường bộ, bao gồm vận tải hành khách, hàng hóa và du lịch” - ông An nhấn mạnh.
Năm 2022, triển khai dự án cầu Cần Giờ Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết dự án xây dựng cầu Cần Giờ sẽ khởi công vào năm 2022, kinh phí xây dựng hơn 5.300 tỉ đồng và sẽ hoàn thành sau ba năm.
Song để đưa dự án đạt đúng kế hoạch, ông An mong nhận được sự đồng thuận của người dân, chính quyền trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo ông An, cầu Cần Giờ sẽ là chiến lược của TP.HCM, của quốc gia về các mặt như phát triển kinh tế - xã hội, du lịch… Do đó, dự án rất mong nhận được sự ủng hộ của người dân vì sự phát triển chung của TP cũng như của huyện Cần Giờ. Ông An cho biết sắp tới cơ quan chức năng sẽ làm việc lại với chủ đầu tư đề xuất làm dự án về các hình thức đầu tư. Dự kiến sẽ đấu thầu công khai trong nước và quốc tế để chọn nhà đầu tư cho dự án này. |