Tìm nguồn vốn cho thị trường bất động sản

(PLO)- Dư nợ tín dụng bất động sản đầu tư vào những lĩnh vực đang kiểm soát chặt khoảng 785.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến cuối tháng 4-2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021. Hiện tổng dư nợ tín dụng BĐS chiếm 19,16% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.

Trong đó, dư nợ tín dụng BĐS đầu tư vào những lĩnh vực đang kiểm soát chặt là khoảng 785.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS. Còn lại, phần tín dụng BĐS vẫn tạo điều kiện và khuyến khích, các ngân hàng thương mại cho vay bình thường hiện có mức dư nợ khoảng 1,5 triệu tỉ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 2/3 tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.

Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt, mặc dù mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành kinh tế hiện đã tăng cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái nhưng các ngân hàng thương mại đều đã hết room tín dụng. Trong khi đó, NHNN vẫn chưa thực hiện nới room đã khiến cho tín dụng không đẩy thêm được ra ngoài trong những ngày cuối tháng 5.

Điều này khiến cho nhiều khách hàng có nhu cầu vay để đầu tư BĐS rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty Fiin Group, cho rằng NHNN kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, đặc biệt là kinh doanh BĐS, khuyến khích tập trung nguồn vốn vào phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Do tín dụng ngân hàng tập trung tới 65% cho người mua nhà nên yếu tố rủi ro chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập, tiết kiệm của người mua nhà và môi trường lãi suất vay mua nhà do ngân hàng áp dụng.

Theo ông Thuân, việc NHNN đang kiểm soát chặt chẽ hơn rủi ro tín dụng một số phân khúc BĐS mang tính đầu cơ khiến kênh vốn trái phiếu doanh nghiệp trở nên quan trọng hơn.

"Tính đến cuối tháng 4 vừa qua, quy mô trái phiếu doanh nghiệp BĐS khoảng 487.000 tỉ đồng và có tới 63% giá trị này, tương đương với khoảng 305.000 tỉ đồng sẽ có điểm rơi đáo hạn vào 3 năm tới đây (2022 - 2024). Trong khi đó, giá trị dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS niêm yết suy giảm do dịch bệnh, cho thấy sức khỏe tín dụng đang suy giảm”- ông Thuân nói.

Để tiếp tục duy trì sự phát triển của ngành BĐS dân cư tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay trên cơ sở vẫn đảm bảo mục tiêu tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng, ông Thuân đề xuất 3 nhóm giải pháp.

Thứ nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia mở về pháp lý dự án BĐS dân cư. Bởi các tổ chức tín dụng, người mua trái phiếu “ngại rủi ro” vì thiếu thông tin về sở hữu đất đai, pháp lý dự án…

Thứ hai, tăng cường minh bạch thông tin nhà phát hành và sản phẩm trái phiếu. Thứ ba là cân nhắc sửa đổi quy định pháp lý theo hướng linh hoạt, vì sự vận hành đúng chức năng của kênh vốn trái phiếu doanh nghiệp và nhu cầu đầu tư của người dân là lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm