Một mẩu xương chân hóa thạch vừa được phát hiện bởi một nhà nghiên cứu sinh vật học nghiệp dư trên đảo Nam của New Zealand. Mẩu xương này được xác định là của một con chim cánh cụt khổng lồ cao bằng một người lớn, theo tờ The Guardian.
Với chiều cao 1,6 m và 80 kg, loài chim cánh cụt mới được đặt tên khoa học là Crossvallia waiparensis nặng gấp bốn lần và cao hơn 40 cm so với chim cánh cụt hoàng đế, loài chim cánh cụt còn sống lớn nhất trên trái đất.
Minh họa cho thấy chiều cao gần đúng của chim cánh cụt khổng lồ bên cạnh một người phụ nữ. Ảnh: AP
Loài chim cánh cụt này là một trong số các loài chim khổng lồ tuyệt chủng đã được tìm thấy ở New Zealand. Những loài chim khác bao gồm loài vẹt lớn nhất thế giới, một con đại bàng với sải cánh dài 3 m, chim moa cao 3,6 m và những con chim cánh cụt khổng lồ khác.
Loài chim cánh cụt khổng lồ được cho là đã phát triển nhanh chóng trong khoảng 66 đến 56 triệu năm trước trong thế Paleocen, thế đầu tiên trong kỷ Paleogen của đại Tân Sinh. Đây là thời kỳ sau khi khủng long và các loài bò sát biển lớn biến mất khỏi vùng nước biển ấm ở bán cầu Nam.
Mẩu hóa thạch này được xác định là của một loài chim cánh cụt khổng lồ mới bởi một nhóm nhà khoa học từ Bảo tàng Canterbury ở TP Christchurch (New Zealand) và Bảo tàng lịch sử tự nhiên Senckenberg ở Frankfurt (Đức). Mẩu xương này được tìm thấy bởi Leigh Love, một nhà nghiên cứu về chim cánh cụt nghiệp dư tại Waipara, New Zealand.
Đây là loài chim cánh cụt cổ đại thứ năm được xác định từ các hóa thạch được phát hiện tại Waipara, nơi một vách đá cắt ngang một dòng sông.
Theo các nhà nghiên cứu, chiếc xương chân chim cánh cụt này cho thấy bàn chân của nó đóng vai trò lớn hơn trong việc bơi lội so với những con chim cánh cụt hiện đại.
Không rõ tại sao loài chim cánh cụt khổng lồ biến mất khỏi đại dương hàng triệu năm trước. Theo The Guardian, sự tuyệt chủng này có thể liên quan đến sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh lớn khác trên biển như hải cẩu và cá voi có răng.
Loài mới được tìm thấy này tương tự như một loài chim cánh cụt khổng lồ thời tiền sử khác có tên khoa học Crossvallia unienwillia được xác định từ một bộ xương hóa thạch được tìm thấy ở Thung lũng Cross ở Nam Cực năm 2000.
TS Vanesa De Pietri, người phụ trách lịch sử tự nhiên tại Bảo tàng Canterbury, cho biết việc phát hiện ra một chú chim cánh cụt khổng lồ thứ hai từ thế Paleocen là bằng chứng về kích thước lớn của chim cánh cụt cổ đại. Bà nói thêm: “Nó củng cố lý thuyết của chúng tôi rằng chim cánh cụt đã đạt được kích thước khổng lồ từ rất sớm trong quá trình tiến hóa của chúng”.
TS Paul Scofield, người phụ trách lịch sử tự nhiên cấp cao tại Bảo tàng Canterbury, cho biết việc tìm thấy các loài có liên quan chặt chẽ ở New Zealand và Nam Cực cho thấy mối liên hệ giữa hai lục địa hiện đã bị tách ra.
TS Paul Scofield của Bảo tàng Canterbury, cầm mẩu hóa thạch bên cạnh mẩu xương của một con chim cánh cụt hoàng đế ở TP Christchurch, New Zealand. Ảnh: AP
Ông Scofield cũng nói thêm: “Khi các loài cánh cụt khổng lồ còn sống, New Zealand và Nam Cực rất khác so với ngày nay - Nam Cực dày đặc rừng cây và cả hai đều có khí hậu ấm áp hơn nhiều”.