Sáng 12-7, thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm và giải pháp những tháng cuối năm, các đại biểu HĐND TP.HCM đề cập nạn tín dụng đen, trẻ em bị xâm hại…
Đề cập vấn đề tín dụng đen, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng hiện nay các thành phần xã hội đen núp bóng doanh nghiệp để đòi nợ thuê đang diễn biến phức tạp, tờ quảng cáo cho vay nơi công cộng cũng đang rộ lên nhưng hiện nay vẫn chưa có hướng xử lý cụ thể.
Đại biểu Tăng Hữu Phong cũng cho rằng đây là một vấn đề rất đáng quan tâm. Ông cho là thời điểm này tín dụng đen bớt gay gắt nhưng giờ vẫn còn tình trạng đòi nợ theo kiểu xã hội đen như tạt chất bẩn, đe dọa… tạo ra bức xúc lớn trong dân, đồng thời có nguy cơ gây ra các điểm nóng về an ninh trật tự.
Từ đó ông đề nghị Công an TP.HCM thông tin đầy đủ hơn về những kết quả đã làm trong sáu tháng đầu năm, những giải pháp để kiểm soát và kéo giảm tình trạng này.
Giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: HOÀNG GIANG
Trả lời các đại biểu, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, cho hay công an đã có kế hoạch chuyên đề về triệt phá hoạt động tín dụng đen, phân công trách nhiệm cho các bộ phận chức năng và có hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý hình sự, các yếu tố định tội, định khung và cả xử lý hành chính nếu không xử lý hình sự được.
“Bất cứ dấu hiệu nào có liên quan cũng tập trung nắm tình hình và có giải pháp ngăn chặn. Ví dụ, quảng cáo cho vay thì tìm hiểu mối liên hệ giữa các tổ chức cho vay và các đối tượng đòi nợ thuê để ngăn chặn chứ không chờ các đối tượng hành động mới ngăn chặn” - ông Phong nói.
Trung tướng Lê Đông Phong cho biết sáu tháng đầu năm các vụ liên quan đến tín dụng đen giảm 20%. Đối với các hành vi vi phạm như tạt chất bẩn, la ó cũng giảm hơn 22%. Đã xử lý được một số vụ hình sự và tình hình đã đỡ phức tạp hơn so với năm 2018.
Ông kiến nghị Bộ Công an kiến nghị Chính phủ và cơ quan chức năng quản lý các công ty đòi nợ thuê; TP.HCM có kiến nghị chính thức với dịch vụ đòi nợ thuê và thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
Về tình trạng trẻ em bị xâm hại, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cho hay TP.HCM có khoảng 2,1 triệu trẻ em dưới 16 tuổi. Trong đó có tới 400.000 em theo người thân, gia đình công nhân lao động đến TP sinh sống và làm việc. “Trẻ em là tương lai của gia đình, xã hội và đất nước. Chính quyền địa phương các cấp phải thực sự quan tâm vấn đề này. Phải vào cuộc một cách đồng bộ, xây dựng quy trình xử lý và có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng đến từng người để nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em” - bà Nhung nói và đề nghị các cơ quan chức năng thông tin về các giải pháp bảo vệ việc trẻ em bị xâm hại.
Về vấn đề trên, Trung tướng Lê Đông Phong nhìn nhận tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục thời gian qua đã gây bức xúc cho xã hội. “Trong sáu tháng đầu năm, TP.HCM ghi nhận 87 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có hơn 86% là xâm hại tình dục” - ông nói.
Từ đó Trung tướng Lê Đông Phong cho biết Công an TP.HCM đã chỉ đạo các lực lượng, đặc biệt là ở cơ sở tăng cường quản lý tại chỗ và tuyên truyền trong cộng đồng để người dân nhận thức và có cách phòng ngừa tốt hơn đối với tội phạm xâm hại trẻ em.
“Công an các quận, huyện cũng phải nắm danh sách các đối tượng có nguy cơ thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em để có biện pháp răn đe, ngăn chặn” - ông Phong nói.
Để ngăn ngừa tội phạm này hiệu quả hơn, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết bên cạnh biện pháp của ngành công an, các cơ quan liên quan cũng phải tăng cường các biện pháp giáo dục, quản lý từ trong cộng đồng. Khi xảy ra các vụ xâm hại trẻ em thì gia đình nên sớm báo cho lực lượng chức năng vào cuộc ngay từ đầu thì hiệu quả công tác điều tra, xử lý tốt hơn.