Chung tay bảo vệ nhân loại
Phát biểu tại Paris sau cuộc hội đàm với người đồng cấp từ Moscow, ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng mặc dù mối quan hệ giữa 2 cường quốc đang trong giai đoạn xấu nhất kể từ sau chiến tranh lạnh thì họ vẫn phải có trách nhiệm với các vấn đề chung của thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov tại Paris (Ảnh: NB News)
Dù vẫn còn đôi chút nghi kị lẫn nhau nhưng ông Kerry nhấn mạnh rằng cả hai nước đã tìm thấy những mối quan tâm chung chống lại sự tàn bạo và đà phát triển của lực lượng IS tại Iraq và Syria.
Ông Kerry phát biểu trong cuộc họp báo: "Cả hai chúng tôi nhận ra sự cần thiết phải tiêu diệt và đánh bại IS, làm suy giảm thực thực của chúng và cuối cùng là tiêu diệt chúng đến tận gốc rễ. Các quốc gia không nên trốn tránh trách nhiệm đứng lên và cùng nhau dập tắt dịch bệnh này (IS)”.
Trong nội dung cuộc họp, cả hai ngoại trưởng đã thống nhất tăng cường hợp hợp tác và chia sẻ thông tin tình báo về IS, cũng như các mối đe dọa khủng bố khác. Đồng thời phía Moscow cũng xem xét khả năng cung cấp các chuyên gia quân sự để huấn luyện cho quân đội Iraq.
Tuy nhiên, ông Kerry từ chối đưa ra lời bình luận liệu Nga có tham gia vào liên minh chống Nhà Nước Hồi Giáo do Mỹ dẫn đầu hay không. Trong những năm gần đây, khi quan hệ Mỹ-Nga đã xuống thấp, hợp tác tình báo hai nước cũng rơi vào tình trạng đóng băng.
Moscow vẫn còn nghi ngờ Mỹ sử dụng cuộc chiến chống IS để loại bỏ đồng minh của mình, cụ thể là chính quyền Syria của tổng thống Bashar-Al Assad. Moscow luôn nhấn mạnh các cuộc không kích cần được sự cho phép của Syria cũng như HĐBA Liên Hiệp Quốc.
Vấn đề Ukraine
Ngoại trưởng Nga ,Ông Lavrov mới đây cũng đã kêu gọi “thiết lập lại” mối quan hệ Nga-Mỹ vốn đóng băng sau cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng dường như những cố gắng vẫn chưa tạo được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Trong khi đó, ông Kerry kêu gọi phía Moscow tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn được thực hiện đầy đủ bởi chính phủ Kiev và các lực lượng đòi ly khai ở miền Đông Ukraine.
Thỏa thuận này đang có nguy cơ bị phá vỡ khi các cuộc đụng độ vẫn diễn ra và tình hình nóng lên từng ngày ở khu vực chiến sự.
Tarkhan Batirashvili, người Gruzia, hay còn được biết đến với tên Omar al Shishani, một trong những nhân vật quan trọng của IS kịch liệt chống Nga (Ảnh: BBC)
Ông Kerry cũng yêu cầu các “lực lượng vũ trang và vũ khí nước ngoài” phải rời khỏi miền Đông Ukraine, đồng thời Mosow cũng rút các đơn vị quân đội bao gồm cả vũ khí hạng nặng khỏi biên giới với Ukraine. Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn chưa đưa ra các bằng chứng thuyết phục cho cáo buộc của mình.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo rằng Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận bất kỳ cuộ trưng cầu dân ý được tổ chức tại khu vực ly khai. Ông thừa nhận đây là "điểm bất đồng" lớn nhất trong hơn ba tiếng đồng hồ của cuộc hội đàm với ông Lavrov.
Kiev và những người ủng hộ phương Tây cáo buộc Moscow ủng hộ cuộc nổi dậy của lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine bằng cách cung cấp binh lính và vũ khí. Tuy nhiên, Nga thẳng thắn phủ nhận các cáo buộc, nhưng cũng khẳng định quyền bảo vệ lợi ích của người nói tiếng Nga trong khu vực.
Trong cuộc chiến chống IS, Moscow và Washington có mối quan ngại chung về các phần tử Hồi Giáo Cực Đoan đang chiến đấu cho IS có thể quay về quê nhà để tấn công khủng bố. Tình báo Hoa Kỳ ước tính có khoảng 500 người Nga đang chiến đấu cho IS, chủ yếu là người Hồi giáo ở khu vực Bắc Caucasus của Nga, nơi mà các chiến binh tiến hành khủng bố thường xuyên để đòi thành lập một nhà nước Hồi giáo tự trị.