Sài Gòn những ngày giữa tháng 2, tiết trời nắng nóng ngột ngạt. Cái nắng càng thêm oi bức trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành phức tạp. Bệnh viện dã chiến đã được thành lập. Người người ra đường với khẩu trang kín mít.
Nhưng hãy thử chạy xe một vòng quanh thành phố, bạn sẽ thấy những câu chuyện bé nhỏ mà đầy tình nghĩa: Những điểm giải cứu dưa hấu giúp bà con Gia Lai; những bạn trẻ đêm đêm tới ngã tư đường, bệnh viện, nơi đông người để phát tặng khẩu trang miễn phí; những người lặn lội quãng đường xa xôi tới Trung tâm Hiến máu nhân đạo, Nhà văn hóa Thanh niên để hiến máu…
Hàng trăm câu chuyện được chúng tôi ghi lại trong suốt nửa tháng trời thời dịch COVID-19 và ở đó tình người vẫn luôn hiện hữu.
Những ngày này, người ta thường nói đùa rằng: “Khẩu trang quý như vàng”. Đùa nhưng là thiệt, mà có khi khẩu trang còn quý hơn vàng bởi mua vàng chỉ cần ra tiệm, có tiền là có, còn khẩu trang có tiền chưa chắc đã mua được. Nhiều hiệu thuốc khan hàng, hàng ngàn người dân xếp hàng dài cả tiếng đồng hồ cũng không mua được.
Ấy vậy mà có nhiều nhóm bạn trẻ lại quyết định mua “vàng” để phát tặng những người dưng. Những bạn trẻ của nhóm thiện nguyện đêm Sài Gòn chính là một ví dụ.
Nguyễn Vương Trường Thành (đội trưởng, 24 tuổi, làm nghề gia sư) kể chuyện tính tới thời điểm hiện tại nhóm đã gom được hơn 15.000 khẩu trang gửi tới các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; riêng ở TP.HCM, số lượng khẩu trang được phát ra khoảng 3.000-4.000 cái.
Đêm 13-2, theo chân Thành và các bạn, mới thấm thía hơn công việc này. Từ 18 giờ, các thành viên đội bắt đầu tập trung về một góc nhỏ trong khuôn viên chung cư trên đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh. Những thùng hàng được chuyển tới. Các thành viên thoăn thoắt mang bao tay y tế để đảm bảo an toàn rồi chia khẩu trang trong hộp và dung dịch rửa tay thành những phần quà nhỏ.
Tìm hiểu và hỏi chuyện mới biết, trước đó nhóm thiện nguyện đêm Sài Gòn từng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa: phát cơm từ thiện, tặng quà cho những người vô gia cư. Mỗi tháng các bạn lại tổ chức 2-3 chương trình. Nhóm có khoảng 20 thành viên chính thức và hơn 50 tình nguyện viên tham gia. Đa số nhóm bạn trẻ này là sinh viên, mới ra trường vài năm, người lớn tuổi nhất đã lập gia đình, 40 tuổi.
Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, khẩu trang trở thành mặt hàng khan hiếm, thậm chí bị hét giá, nhóm đã quyết định trích quỹ mua khẩu trang phát tặng người dân. Nhiều thành viên trong nhóm vốn đang làm việc tại tiệm thuốc Tây nên đã ngỏ ý và được chủ nhà thuốc để lại.
Nhưng sau này số khẩu trang dần hết, các thành viên trong nhóm quyết định chạy xe máy về các tỉnh như Long An, Tiền Giang… gõ cửa từng tiệm thuốc mua hàng. Nhiều mạnh thường quân ở thành phố, thậm chí từ các tỉnh xa xôi như Kon Tum, Gia Lai… khi biết hoạt động ý nghĩa của nhóm đã cùng chung tay quyên góp hỗ trợ.
“Tìm nguồn khẩu trang là khó nhất. Hồi đầu, mình liên hệ công ty, nhà máy sản xuất nhưng tới ngày hẹn lại hủy. Tụi mình có tìm kiếm nguồn hàng trên mạng nhưng một số người đòi cọc trước 50%, mình đâu biết họ là ai, mình yêu cầu cho địa chỉ, tụi mình sẽ qua thanh toán trực tiếp và nhận khẩu trang nhưng họ im lặng. Sau này, thấy nhiều bạn cảnh báo đó là trường hợp lừa đảo.
Cách đây ba ngày, nhóm mình mua một thùng khẩu trang (một thùng 50 hộp) 12-13 triệu đồng, nhưng nay đã lên tới 17-18 triệu đồng/thùng. Như khẩu trang y tế bốn lớp thì 18 triệu đồng/thùng, ba lớp thì 15-16 triệu đồng/thùng.
Để số khẩu trang này tới tay người dân thành phố và các tỉnh, nhóm thiện nguyện đêm Sài Gòn có sự giúp đỡ rất nhiều của các mạnh thường quân, các tổ chức thiện nguyện như CLB công tác xã hội WE+ của ĐH Sư phạm…” - Thành chia sẻ.
Khi nhóm đang chia quà vào hộp, bất chợt có bà lão tóc đã bạc trắng chạy qua, bà bảo bán cho bà mấy cái khẩu trang với nước rửa tay. Một thành viên nhanh nhẹn mang một phần quà tới tặng, từ chối nhận tiền, bà lão ngạc nhiên lắm. “Bà 70 tuổi rồi, bà đi bán vé số, mấy bữa nay bà toàn mang khẩu trang vải, đi làm về lại giặt, khẩu trang y tế đâu có đâu con. Ngoài hiệu thuốc, người ta bảo hết rồi, nước rửa tay cũng vậy” - bà kể ngắn gọn rồi tất tả rảo bước đi khi màn đêm dần buông xuống.
Hơn 19 giờ, sau khi phân thành những túi quà nhỏ, nhóm bạn trẻ lên đường. Số khẩu trang và dung dịch rửa tay được mang tới trước cổng BV Nguyễn Tri Phương để phát tặng người dân, người bệnh và thân nhân của họ tại bệnh viện.
Nằm trên ghế bố cạnh giường bệnh của chồng, nhận khẩu trang từ nhóm bạn trẻ, cô Liên (70 tuổi) bất ngờ lắm. “Ở đâu tụi con có hay vậy? Nay cô ra ngoài mua khẩu trang mà đâu có. Cô đến nhà thuốc, thấy ai cũng hỏi khẩu trang nhưng có đâu mà bán. À có nơi họ bảo 500.000 đồng mua được có 10 cái thôi, tiền đâu mà mua.
Cô đang xài khẩu trang vải nè, trước nguyên hộp 25.000 đồng, giờ 110.000 đồng/hộp mà không có để mua. Chú vào viện hôm nay là ngày thứ tư rồi. Chú 83 tuổi, cô 70. Cô mang khẩu trang vải vầy rồi mai về giặt sạch, phơi khô lại mang tiếp. Mà khô rồi, cô dùng bàn ủi cô ủi nữa. Nay mấy đứa nhỏ tặng khẩu trang cô mừng quá, khẩu trang giờ quý lắm con ơi” - cô Liên xúc động chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thoảng là người Bắc, vào Gia Lai theo chồng làm đủ nghề mưu sinh. Gắn bó với nghề trồng dưa đã hơn chục năm, bà bảo chỉ mấy năm trước dưa xuất khẩu được, cứ nghĩ cuộc sống sẽ khấm khá nên bao nhiêu vốn liếng gia đình bà đổ hết vào vụ dưa năm rồi. Nhìn từng quả dưa tròn quay phưỡn trên đất, gia đình mừng lắm, ai dè… dịch tới.
“Hồi đầu dịch COVID-19 mới rộ, dưa không xuất khẩu được, chỉ bán đổ bán tháo 1.500 đồng/kg, chứ không bán thì để làm gì. Sau này dân Sài Gòn mua nhiều, giá dưa mới tăng lên được 3.000 đồng. Dưa trồng cũng như củ hành, củ tỏi, ba tháng mới được ăn.
Trồng dưa cực hơn trồng lúa nhiều. Ba tháng đó, gia đình bà phải căng lều bạt ngủ canh ngoài ruộng dưa ngày đêm. Trồng dưa phải tưới nước tối ngày; trồng lúa thì cứ bơm nước cho tràn khắp cánh đồng nhưng trồng dưa phải tưới từng gốc một, bơm vào nhiều nó úng, nó thối…” - bàn tay chai sần của người đàn bà lam lũ gạt vội giọt nước mắt.
Chỉ vào số dưa đã vơi đi trông thấy, bà Thoảng kể chuyện, người dân mà không ăn dùm thì bà chết đói. Dưa bán được, gia đình bà mạnh dạn thuê cả xe tải lớn chở lên Sài Gòn bán, tính công hết thảy, bà bán 5.000 đồng/kg.
Rảo quanh những cung đường (Đỗ Xuân Hợp, Phạm Văn Đồng,…) khắp TP.HCM không khó bắt gặp những điểm giải cứu dưa giúp bà con Gia Lai. Nơi bán dưa với giá 5.000, nơi bán 6.000, thậm chí có những người tự bỏ tiền mua dưa giúp bà con rồi vận chuyển về lại Sài Gòn phát tặng miễn phí.
Nhưng dù là dưa hấu giải cứu, được phát miễn phí thì nhiều người nhận dưa vẫn sẵn sàng tự bỏ số tiền lớn hơn nhiều lần, chấp nhận xếp hàng chờ đợi giữa trời nắng nóng để “cùng chung tay giúp đỡ nông dân Gia Lai”.
Từ sáng sớm, hàng trăm người đã tới điểm phát tặng dưa tại số 418 Trần Phú (phường 7, quận 5) để xếp hàng chờ đợi. Thông báo ghi rõ mỗi người được nhận hai quả. Cứ nghĩ nhận xong rồi về. Nhưng điều bất ngờ là chẳng ai bảo ai, nhiều người tự nguyện cầm thêm tiền gửi nhóm phát dưa để họ có vốn quay vòng trở lại mua dưa giúp bà con. Người góp 10.000, người góp 50.000, người bỏ cả năm trăm ngàn.
Loay hoay mang hai quả dưa hấu ra chỗ bóng cây nghỉ tạm rồi chuẩn bị về, áo ướt đẫm mồ hôi vì phải chờ đợi giữa trời nắng nóng, khói bụi nhưng khi được hỏi, chị Lê Thị Ngọc Trang bảo việc xếp hàng này hoàn toàn xứng đáng. Hỏi chuyện mới biết nhà chị tận bên quận 6. Sáng nay chị chạy xe máy qua điểm nhận dưa rồi xếp hàng từ 7 giờ, tính đến thời điểm nhận hai quả dưa phải mất gần tiếng đồng hồ nhưng chị vẫn rất vui.
“Mình thấy bạn Phong Bụi đăng lên, cái này không có tốn tiền, họ phát miễn phí đó, lần thứ hai rồi. Nhận xong, mình gửi lại 100.000 đồng hỗ trợ, mong các bạn có thêm chút kinh phí để quay lại giúp bà con” - chị Trang cười.
Ừ dưa hấu giữa cái thành phố này thì ở đâu chẳng có. Vào siêu thị có điều hòa mát mẻ, mái che cũng chỉ tầm 10.000 đồng/kg thôi, mua nhanh bán lẹ, 100.000 đồng đó chị mua được hẳn mấy quả dưa lận. Nhưng chị và hàng trăm người khác vẫn chấp nhận xếp hàng chờ đợi giữa trời nắng nóng bởi cái tình cái nghĩa Sài Gòn với bà con Gia Lai.
Dúi vội vào tay người phát dưa 100.000 đồng, ông Ba khệ nệ xách hai quả dưa ra xe. Ông Ba bảo có việc chạy qua đây, thấy chương trình ý nghĩa quá nên dừng. “Nhà có hai ông bà già, ăn chẳng bao nhiêu đâu, cắt người một khoanh rồi còn lại thì mang cho hàng xóm. Ông gửi 100.000 đồng lại để ủng hộ bà con chớ có gì đâu” - ông Ba cười xòa.
Chị Đỗ Thị Tưởng và nhóm bạn trẻ chính là người mở cửa phát miễn phí 17 tấn dưa hấu cho người dân tại quận 5 hôm nay. Đây là số dưa chị và nhóm bạn “giải cứu” giúp nông dân Gia Lai. Đây là lần thứ hai trong chiến dịch giải cứu. Trước đó, ngày 11-2, chị và nhóm bạn đã giải cứu được 10 tấn dưa chỉ trong một buổi sáng. Nay có thêm tiền ủng hộ từ người dân và các mạnh thường quân, lần này chị mua hẳn hơn 16 tấn.
“Lên trực tiếp Gia Lai mới thấy họ cực quá trời. Chị vẫn nhớ lần vào mua dưa của đôi vợ chồng, nói chuyện mấy câu mà họ khóc quá, dưa bán không được, nợ thì chất chồng, còn con nhỏ, nói vậy rồi khóc òa luôn. Chương trình này thực hiện được là nhờ các mạnh thường quân và người dân chung tay giúp đỡ. Chị nhận tiền mà chị rớt nước mắt” - chị Tưởng xúc động chia sẻ.
Từ sáng sớm Chủ nhật (16-2), nhiều bạn trẻ đã có mặt tại Nhà văn hóa Thanh niên (quận 1) để tham dự chương trình “Ngày Chủ nhật xanh với chủ đề: Phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus COVID-19 và hoạt động hiến máu tình nguyện”.
Khác với mọi lần, trong một góc sảnh không ca nhạc ầm ĩ, không cờ hoa, băng rôn rực rỡ, hôm nay mỗi người tới tham dự được phát tặng một chiếc khẩu trang ngay từ cổng vào. Từng tốp nhỏ đi tới, lặng lẽ đến bàn nhận giấy tờ điền thông tin, xét nghiệm máu. Ai đủ tiêu chuẩn thì hiến máu, rồi nghỉ ngơi, nhận phần quà nhỏ và ra về.
Tay đè chặt miếng bông che lại vết kim tiêm, Lưu Cẩm Tú (18 tuổi, nữ sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu) kể chuyện đây là lần đầu tiên em đi hiến máu nhân đạo. Và để tới được đây hiến máu cũng là cả một câu chuyện dài.
Hỏi chuyện mới biết nhà Tú tít trên Hóc Môn, tới đây chừng 20 cây số. Chủ nhật, Tú dậy chuẩn bị từ sáng sớm, ra khỏi nhà chừng 5 km mới nhớ mình quên đồ nên phải vòng lại. Lên tới nơi mới phát hiện Tú bị mất CMND nhưng may mắn trước đó cô nữ sinh từng điền thông tin tại App hiến máu, chụp lại ảnh CMND còn lưu thông tin.
“Bạn chở em đi, bạn em vừa hiến tháng trước nên chưa đủ thời gian để hiến tiếp. Bữa, em có thấy bạn bè chia sẻ thông tin vì dịch COVID-19 nên nhiều hoạt động hiến máu bị hoãn, lượng máu thiếu nghiêm trọng nên em quyết định đi hiến.
Ban đầu em tính đi thẳng lên BV Truyền máu Huyết học nhưng hôm rồi thấy bạn bè chia sẻ thông tin nên Chủ nhật, em qua đây. Em không sợ kim tiêm, mà đường tới đây cực quá trời, em đi từ 7 giờ mà gần 9 giờ mới tới đây được” - Tú cười.
Không chỉ Tú, ông Dụng và đồng nghiệp… mà còn có hàng trăm người khác hôm nay đã tới. Họ còn là những chiến sĩ đang công tác tại Phòng Cảnh sát bảo vệ (Công an TP.HCM) tranh thủ xong ca trực chạy vội qua hiến máu cứu người, là những nhân viên văn phòng tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần mong góp giọt máu hồng mang thêm hy vọng cho những bệnh nhân đang chờ máu…
Tới hôm nay, những bác sĩ, y tá tại các BV Chợ Rẫy, Bệnh nhiệt đới… vẫn đang căng mình ngày đêm điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus, tìm ra vaccine đặc trị COVID-19; ở ngoài này những người trẻ vẫn đang ngày đêm phát tặng khẩu trang miễn phí, giải cứu dưa hấu, thanh long… giúp bà con nông dân.
Rồi virus sẽ bị đẩy lùi, chỉ còn tình người đọng lại!