Tính phương án bán điện mặt trời tự sản, tự tiêu dư thừa

(PLO)- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu phương án điện mặt trời tự sản, tự tiêu khi dư thừa được bán lên lưới quốc gia.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, 19-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về các dự thảo chính sách lớn liên quan đến điện, trong đó có nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Đây là vấn đề được người dân, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Bởi nếu có cơ chế khuyến khích phù hợp thì có thể huy động được nguồn năng lượng mặt trời trên từng mái nhà ở, khu công xưởng, nhà máy, xí nghiệp. Chưa kể, năng lượng sạch là giải pháp để doanh nghiệp ngày càng tiệm cận tốt hơn các tiêu chuẩn xanh, nhất là khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, tinh thần dự thảo vẫn là điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được sản xuất và tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán lên lưới điện quốc gia.

Dù vậy, nhiều ý kiến đã mở rộng khái niệm "tự sản, tự tiêu" theo hướng cho phép người dân lắp điện mặt trời mái nhà được bán điện dư thừa lên lưới. Kèm theo là các cơ chế tài chính để có thể lưu trữ điện mặt trời mái nhà, cũng như các giải pháp kỹ thuật như giới hạn tỉ lệ dư thừa điện đối với hình thức điện "tự sản, tự tiêu" để chống trục lợi chính sách, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp…

điện mặt trời mái nhà.jpg
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu phương án để điện mặt trời tự sản, tự tiêu dư thừa được bán lên lưới. Ảnh minh hoạ: TN

Kết luận về nội dung này, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu phương án khuyến khích, hỗ trợ tài chính, có thể là thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt… để khuyến khích người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà kết hợp đầu tư thiết bị lưu trữ điện. Qua đó có thể cải thiện chất lượng nguồn điện, đủ tiêu chuẩn để bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với giá điện nền huy động vào giờ cao điểm.

"Lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải có hiệu quả kinh tế thì người dân mới làm. Được vậy thì có khi huy động được thêm nguồn điện giúp giải quyết tốt hơn vấn đề an ninh năng lượng" - Phó Thủ tướng nói.

Thiếu hụt nguồn điện đang là vấn đề nhức nhối của hệ thống năng lượng quốc gia. Giải pháp truyền thống là phải đầu tư các nhà máy điện tập trung mới với chi phí rất lớn và cũng cần nhiều thời gian nghiên cứu, thẩm định, chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án...

Trong khi đó, với sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, cũng như công nghệ lưu trữ thì chi phí dù chưa phải là rẻ, nhưng đang tiếp tục giảm. Vậy nên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, tính toán bài toàn kinh tế của đầu tư nhà máy điện mới, với các giải pháp khuyến khích người dân phát triển điện mái nhà, cùng thiết bị lưu trữ để có thể hòa lưới quốc gia.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Xây dựng để xây dựng trình tự, thủ tục lắp đặt điện mặt trời mái nhà theo tinh thần đơn giản hoá tối đa; quản lý chặt chẽ các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Các yêu cầu, gợi ý mà Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu ra là vấn đề phải được nghiên cứu, giải quyết ở tầm liên ngành. Còn trước mắt, dự thảo nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu mà Bộ Công Thương gửi Bộ Tư Pháp để thẩm định theo quy trình trước khi trình Chính phủ xem xét, thông qua vẫn theo quan điểm phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để tự sử dụng và không mua bán dưới mọi hình thức.

Vì tự sản, tự tiêu, không mua bán, không hòa lưới nên điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung về mục đích sử dụng đất; được giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông.

Dự thảo cũng mở ra cơ chế cấp chứng nhận về sử dụng năng lượng tái tạo để doanh nghiệp có thể đưa vào hồ sơ chứng minh tiêu chuẩn xanh nếu có nhu cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm