Tổ chức bộ máy: Không được trùng lặp

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu không tổ chức các vụ, cục phía Nam, sáp nhập Vụ Thi đua - Khen thưởng vào Vụ Tổ chức cán bộ...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan (viết tắt là Ban chỉ đạo) thuộc Chính phủ. Kết luận phiên họp, Thủ tướng đánh giá công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành đã được Ban chỉ đạo, Thủ tướng tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, khoa học, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Không tổ chức các vụ, cục phía Nam

Để tiếp tục hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn gắn với sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức, Ban chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành thực hiện một số nội dung quan trọng.

Cụ thể, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Ban chỉ đạo yêu cầu rà soát, hoàn thiện bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và phân công của Chính phủ. “Phải bảo đảm không được chồng chéo, trùng lặp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính” - thông báo kết luận của Ban chỉ đạo nêu rõ.

Ban chỉ đạo yêu cầu việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức các đơn vị phải bám sát tiêu chí do Chính phủ quy định. Cụ thể, việc thành lập tổng cục phải bảo đảm các tiêu chí: Có đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội; chuyên ngành, lĩnh vực cần quản lý tập trung, thống nhất ở trung ương, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quyết định; được phân cấp, ủy quyền của bộ trưởng để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực.

Các cục phải đáp ứng tiêu chí có đối tượng quản lý về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước; được phân cấp, ủy quyền của bộ trưởng để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý; khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 30 biên chế công chức trở lên.

Các vụ phải có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của bộ; có phạm vi, đối tượng quản lý theo ngành, lĩnh vực; khối lượng công việc yêu cầu bố trí từ 15 biên chế công chức trở lên.

Đáng chú ý, Ban chỉ đạo yêu cầu không tổ chức các vụ, cục phía Nam; sáp nhập Vụ Thi đua - Khen thưởng vào Vụ Tổ chức cán bộ. Cơ bản không tổ chức phòng trong vụ, trường hợp cần thành lập phải đáp ứng đủ tiêu chí theo quy định của Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu rà soát, báo cáo rõ về các tổ chức được quy định trong luật chuyên ngành để có phương án sắp xếp, tổ chức lại cho phù hợp. Ngoài ra, tại thông báo kết luận của Ban chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý việc triển khai xây dựng dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong thời gian qua còn chậm so với kế hoạch đặt ra.

Khi xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại, một số đơn vị còn chưa đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc, tiêu chí, cần tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp hoặc thực hiện đồng bộ với các quy định, theo yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương.

Trước đó, đầu tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện gửi các bộ, ngành, địa phương về việc sắp xếp tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Công điện yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương rà soát và đẩy mạnh việc sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, ngành theo thông báo của Ban chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Trên cơ sở kết quả rà soát, các bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mình (có đề án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong kèm theo) gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp thẩm định, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo nghị định.

Trường hợp các nội dung còn có ý kiến khác nhau (chưa thống nhất với ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp) thì bộ, ngành có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến Ban chỉ đạo trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định. Thời gian gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo nghị định, trình Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 3-2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm