Ngày 29-7, tại hội nghị tổng kết năm học 2013-2014, triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thay kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, kỳ thi nhằm xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời làm căn cứ để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh. Báo Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một số ý kiến đóng góp cho các phương án thi này.
TS NGUYỄN KIM QUANG, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM):
Nếu quyết liệt, có thể áp dụng trong năm 2015
Ba phương án tổ chức kỳ thi quốc gia Bộ GD&ĐT vừa công bố nhằm mục đích nâng cao chất lượng, độ tin cậy của một kỳ thi quốc gia. Tôi thiên về phương án 1 bởi phương án này khả thi hơn so với phương án 2 và 3. Phương án 1 có ưu điểm thi theo môn, không có sự thay đổi đột ngột đối với thí sinh. Thứ hai là số môn thi không nhiều và có sự tùy chọn dành cho thí sinh để dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, phương án này cũng có nhược điểm, do số môn thi ít, thí sinh dễ bị học lệch hoặc căn cứ để đánh giá kết quả tốt nghiệp sẽ không thể hiện toàn diện kiến thức của học sinh phổ thông.
Vấn đề tôi quan tâm nhất là đề thi bởi đề thi không chỉ dành đánh giá tốt nghiệp phổ thông mà còn dùng để xét tuyển ĐH, CĐ. Do đó đề thi phải có phổ kiến thức, kỹ năng để dành cho xét tốt nghiệp THPT và các trường ĐH làm căn cứ để xét tuyển. Vấn đề quan trọng khác là tổ chức thi như thế nào? Theo tôi, nên phân theo nhóm trường và không để thí sinh đi quá xa. Đặc biệt, hội đồng chấm do Bộ GD&ĐT chỉ định, hội đồng này có thể từ các địa phương hoặc các trường khác đến. Hội đồng này đảm bảo không chịu chi phối của địa phương đó. Nhất thiết hội đồng thi phải độc lập với thí sinh của địa phương đó để đảm bảo sự khách quan, xã hội tin cậy hơn.
Thí sinh chuẩn bị làm bài thi trong kỳ thi ĐH-CĐ năm 2014 tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Nếu có sự quyết tâm cao của xã hội, đặc biệt là sự quyết liệt từ Bộ GD&ĐT thì nên áp dụng luôn trong năm 2015. Bởi trong giáo dục, có cái vội vã không nên nhưng có cái từ từ thì lại chậm trễ.
PGS-TS NGUYỄN VĂN MINH, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội:
Nên có lộ trình để tránh sốc
Việc chuyển từ nặng truyền thụ kiến thức sang hình thành năng lực và phẩm chất cho học sinh đòi hỏi phải thay đổi cách dạy, học và kiểm tra đánh giá; trong đó thi là một khâu quan trọng. Nên cá nhân tôi ủng hộ phương án 2 vì sẽ làm tăng khả năng tư duy tích hợp của thí sinh. Tuy nhiên, Bộ nên yêu cầu thi tất cả năm bài thi chứ không để học sinh lựa chọn giữa môn khoa học tự nhiên và môn khoa học xã hội vì đây là kiến thức nền phổ thông, học sinh cần phải biết.
Tôi cũng đồng ý đề xuất để các trường ĐH tham gia tổ chức kỳ thi để thể hiện tính nghiêm túc, để kỳ thi đạt chất lượng và hiệu quả như mong muốn. Còn tham gia đến đâu, theo tôi nên có sự phối hợp, bàn kỹ với các sở GD&ĐT địa phương, với các trường phổ thông. Và cuối cùng, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT cần có một lộ trình thích hợp để học sinh và giáo viên không bị sốc và thích ứng dần với phương pháp học, phương pháp thi mới.
Đổi mới mà có lợi cho xã hội thì nên làm Tiến tới một kỳ thi không phải là nghĩ tới thi môn nào, bỏ môn nào, mà điều quan trọng là phải có quyết tâm đổi mới, làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và trung thực. Tổ chức thi, coi thi, chấm thi nghiêm túc, kết quả trung thực thì các trường ĐH mới tin tưởng để sử dụng kết quả thi đó. Tất cả đổi mới nếu khó khăn cho ngành giáo dục nhưng có lợi cho xã hội thì vẫn nên làm. Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT cần thận trọng, lắng nghe ý kiến rộng rãi. Có thể sẽ không chỉ có ba phương án đã đề xuất mà còn có những phương án khác, hợp lý hơn, khả thi hơn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam Ba phương án của Bộ GD&ĐT Phương án 1, thi tám môn: Toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý và ngoại ngữ. Có tám buổi thi trong bốn ngày, mỗi buổi thi một môn. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi bốn môn, gồm ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong năm môn còn lại. Ngoài bốn môn thi, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Phương án 2, tám môn thi trên sẽ được tổng hợp thành năm bài thi gồm: Bài thi toán, bài thi ngữ văn, bài thi ngoại ngữ, bài thi khoa học tự nhiên (gồm vật lý, hóa học và sinh học), bài thi khoa học xã hội (gồm lịch sử và địa lý). Mỗi thí sinh phải thi bốn bài thi gồm ba bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ; một bài thi do học sinh tự chọn từ khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Phương án 3, tổng hợp 11 môn học ở lớp 12 THPT thành bốn bài thi gồm: Bài thi toán-tin (gồm toán và tin học), bài thi khoa học tự nhiên (gồm vật lý, hóa học, sinh học và công nghệ), bài thi khoa học xã hội (gồm ngữ văn, lịch sử, địa lý và giáo dục công dân) và bài thi ngoại ngữ. Nếu không được học hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng thì học sinh không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ, chỉ phải thi các môn thi/bài thi ứng với mỗi phương án. Theo Bộ GD&ĐT, học sinh sẽ dự kỳ thi quốc gia trước, sau khi đã có kết quả thi quốc gia sẽ đăng ký vào trường ĐH, CĐ. Các trường ĐH, CĐ phải công bố thông tin về tuyển sinh trước kỳ thi quốc gia sáu tháng trên website của trường và cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT. Các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh phải xây dựng đề án tuyển sinh riêng, trình Bộ GD&ĐT. Đề án tuyển sinh riêng cần chỉ rõ phương thức tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh phải công bố phương thức tuyển sinh của trường. Trên cơ sở kết quả kỳ thi THPT quốc gia, tùy thuộc tính đặc thù của nhà trường, có thể bổ sung các hình thức kiểm tra năng lực khác như: sơ tuyển, phỏng vấn, viết bài luận, kiểm tra IQ, thi bổ sung... |
P.ĐIỀN - HUY HÀ ghi
Mọi ý kiến của bạn đọc góp ý cho phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, xin gửi về địa chỉ email: baophapluat@phapluattp.vn