Sau khi tham khảo 3 phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015 của Bộ giáo dục và Đào tạo (Lấy ý kiến: Gộp thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học làm một), nhiều bạn đọc là học sinh đã gửi ý kiến phản hồi về chủ trương này. Có bạn đọc đã phải thốt lên: “Với phương án này chắc 5 năm nữa Việt Nam sẽ có các nhà khoa học tầm cỡ Einstein, Niutơn và các bác sĩ còn biết chế tạo tàu vũ trụ”.
VN sẽ đào tạo ra toàn siêu nhân?
Bạn đọc Vũ Thị Trà My chia sẻ: “Cháu là học sinh năm sau chuẩn bị thi ĐH và thật sự cháu cảm thấy rất hoang mang trước những thay đổi này. Từ trước đến nay cháu học theo khối thi. Bây giờ chỉ còn một năm nữa thì làm sao chúng cháu có thể lấp được những mảng kiến thức mà trước kia cháu xao nhãng. Ngày xưa học 3 môn để thi ĐH là đã đủ làm bọn cháu phải khổ sở rồi? Bây giờ bảo chúng cháu ôn những từng đấy môn thì tự hỏi phải chăng nền giáo dục VN đang chuẩn bị đào tạo ra toàn các siêu nhân? Bác sĩ không chỉ biết chữa bệnh mà còn biết chế tạo máy bay!?. Cháu thật sự mong Bộ GD trước khi ra quyết định thay đổi gì thì nên tham khảo ý kiến của học sinh và giáo viên trước chứ không phải ngồi trên chỉ đạo mà chẳng biết có phù hợp với hoàn cảnh hiện nay không? Các bác làm như vậy bọn cháu đau tim lắm!”.
Cùng chung quan điểm, bạn đọc Phí Thị Hằng học sinh đang theo học lớp 11 tâm sự: “Ngay từ năm lớp 10 cháu đã xác định thi khối B. Nếu thực sự tổ chức chương trình thi như trên thì không chỉ các anh chị đang học lớp 12 không thể theo kịp chương trình mà có khi lớp 11 và cả lớp 10 cũng chưa chắc theo kịp. Nếu theo phương án của Bộ thì nhà khoa học phải giỏi xã hội, làm y khoa mà phải biết nghiên cứu công nghệ thông tin. Ít nhất cũng phải đổi mới cách học toàn diện từ lớp 1 đến lớp 12 đã chứ? Cách dạy và học ở nước ta còn nhiều bất cập, nếu thi cử liên tục thay đổi trong khi dạy học ở các nhà trường chưa đạt hiệu quả cao thì người chịu áp lực và thiệt thòi lớn nhất chính là thế hệ trẻ chúng cháu”.
Tiểu Ngư Ngư, một học sinh đang theo học lớp 12 lại có một mối lo khác. “Bản thân cháu vô cùng hoang mang và áp lực khi phải đối diện với 2 kì thi quan trọng nhất cuộc đời. Thế nhưng khi nhận được thông tin này thì cháu hoang mang hơn gấp trăm lần và cảm thấy rất bất công! Các bác trên Bộ Giáo dục sao không nghĩ cho chúng cháu??? Thay đổi lớn và chóng mặt như vậy làm sao chúng cháu thích nghi nổi. Đó là còn chưa nói đến các phương án trên đều thiếu thực tiễn. Nếu để thi ĐH mà kiến thức trải dài trên 8-11 môn như vậy quả là quá sức với một đứa trẻ 18 tuổi”.
Bạn đọc Vinh Hiển cũng có cảm nhận riêng về 3 phương án này. “Dường như Bộ đang muốn đánh đố học sinh. Nếu thấy tốn kém thì xét tốt nghiệp, rồi thi đại học. Nếu gộp chung kì thi chỉ làm tăng thêm tiêu cực. Chưa kể đến việc thay đổi thế này có khác gì "chỉ tuyển sinh học sinh giỏi toàn diện". Việc thay đổi còn phải có thời gian. Hiện học sinh THPT học 3 năm, kì thi đại học đâu phải chuyện đùa. Nếu Bộ muốn thay đổi phải báo trước ít nhất 3 năm chứ?”.
Học sinh Châu Thanh Hằng cho rằng Bộ Giáo dục có công bằng không khi đột ngột ra quyết định như vậy? Nếu muốn thay đổi thì phải thông báo từ sớm để người thi có thể chuẩn bị tốt cho kì thi của mình. "Đổi mới là tốt nhưng không phải muốn đổi là làm liền vậy đâu ạ? Cháu rất hoang mang và lo lắng! Mong Bộ GD sẽ lắng nghe ý kiến của học sinh và xem xét lại. Sắp thi cháu đã áp lực nay còn áp lực hơn khi nghe những thông tin này”.
Cần thời gian và hướng đi chu toàn
Đặng Thảo Phương cho rằng Bộ muốn cho học sinh bớt căng thẳng mà bây giờ thế này thì còn căng thẳng hơn nữa. Thiết nghĩ cứ để phương án thi tốt nghiệp như năm ngoái (2014) hoặc là bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Một bạn đọc khác cũng không đồng tình với 3 phương án của Bộ đưa ra và tốt nhất cứ giữ nguyên kiểu thi như năm 2014 là hợp lý.
Bạn đọc Hồng Nhung lại kịch liệt phản đối 3 phương án mà Bộ giáo dục Đào tạo đưa ra. Bởi cô lý giải: “Việc đưa ra 3 phương án để lựa chọn là rất bất hợp lí , vì cả 3 phương án đều không phản ánh đúng thực trạng của việc dạy - học - thi trong thời điểm hện tại. Nếu thực sự muốn cải cách, thay đổi thì cũng không thể thực hiện ngay trong năm 2015 được. Cần có thời gian cũng như một hướng đi chu toàn hơn để giải quyết các vấn đề như tập huấn cho giáo viên và để học sinh thích ứng kịp với hướng đi mới dần dần . Vì thế tôi phản đối!”.
Bạn đọc dlam cho rằng người ra chính sách dường như ngồi vẽ chính sách cho khác người tiền nhiệm và ép cho giống các nước khác. Bạn đọc này đưa ra những ý kiến tâm huyết: “Tôi từng gắn bó trong ngành giáo dục, tôi hiểu rõ thực tại giáo dục THPT thế nào. Cứ nhìn vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007, năm làm nghiêm túc nhất so với các năm khác thì thấy ngay chất lượng giáo dục và mức độ lành mạnh trong các kỳ thi. Thế nên theo tôi tổ chức xét tốt nghiệp, không cần tổ chức thi tuyển làm gì cho tốn kém. Làm hời hợt, hình thức như hiện nay, ai thi cũng đậu thì tổ chức thi là không cần thiết. Tổ chức xét tốt nghiệp là được rồi. Việc tổ chức thi tốt nghiệp và đại học chung sẽ tiếp tay cho tiêu cực. Vì vậy tuyển sinh ĐH thì hãy làm 3 chung như trước đây, không giao cho trường nào tự chủ hết. Giáo dục là hưng khí quốc gia, vì vậy phải làm sao tuyển được người tài thật sự. Chính sách cần dựa trên thực tại để đúng đắn và phù hợp, làm như các phương án trên thì dễ xảy ra tiêu cực, không tạo sự bình đẳng cho người học”.
Bạn đọc Shuii cũng cùng chung quan điểm với dlam. “Việc đổi mới cho nền giáo dục Việt Nam là rất cần thiết nhưng nó không thể diễn ra 1 sớm 1 chiều như thế. Muốn sự thay đổi có hiệu quả cao thì cần phải có sự chuẩn bị thật tốt cho cả học sinh và giáo viên. Theo ý kiến cá nhân tôi thì việc đổi mới là cần thiết nhưng bộ giáo dục cần xem xét lại thời gian cho việc này. Thêm nữa là các phương án mà bộ đưa ra đòi hỏi học sinh phải có một năng lực toàn diện, mà để tìm được những con người toàn diện như thế liệu có bao nhiêu? Trong khi việc qua trọng là giúp học sinh phát huy những sở trường của mình để có được thành tích cao về một lĩnh vực nào đó lại chưa hề được chú trọng”- bạn đọc Shuii chia sẻ.
Bạn đọc Nguyễn Hữu Chánh cũng cho rằng Bộ Giáo dục không nên nóng vội áp dụng một hình thức thi nào khi chưa chứng minh tính ưu việt của nó. Điều thay đổi nào cũng làm xáo trộn tâm lý của học sinh. Cũng không nên xét vào đại học vì chưa loại trừ các yếu tố tiêu cực, nên tôn trọng ưu điểm của hình thức thi cũ. Tuy nhiên phải phân loại học sinh trước khi thi vào đại học để giảm số lượng thí sinh. Nên chọn mô hình thi ít môn. Có nên chọn ngoại ngữ là môn chính để xét vào đại học hay không cần tính kỹ. Hiện nay chỉ thi 2 ngày 3 môn nhưng nếu thi nhiều môn thì kinh phí cả phía gia đình và xã hội cũng sẽ lớn hơn nhiều.
Một bạn đọc khác cho rằng tại sao Bộ đưa ra 3 phương án để bắt xã hội phải chọn lựa. Bộ cứ đặt người dân vào tình thế đã rồi, chẳng khác nào Bộ lấy ý kiến người dân cho có.
Những người rớt ĐH các năm trước bị bỏ rơi
Tôi nghĩ Bộ nên giữ kỳ thi đại học để mọi người đều được dự thi. Tôi thấy ko chỉ học sinh mới muốn được thi đại học, mà còn có nhiều người từ 22-60 vẫn muốn được học đại học. Bộ nên tạo điều kiện cho những người ham học được vào giảng đường, được đào tạo 1 cách bài bản, chính quy. Bộ gộp kỳ thi như vậy khác nào hủy đi niềm đam mê đi tìm kiếm thức của mọi người. Bộ cứ giữ kỳ thi 3 chung và ra đề như năm nay là rất hay. (Bạn đọc Hong Nhung)
Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông
Thời gian qua thi cử nhiều mà chất lượng không cao, gây lảng phí lớn cho xã hội và gia đình. Theo tôi nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH mà nên xét tốt nghiệp vì chương trình cấp 3 là chương trình phổ thông có kiến thức chung, là hành trang để các em bước vào đời lập thân, lập nghiệp nên yêu cầu các em phải học điều môn, không học lệch. Do vậy không cần phải chọn môn thi tốt nghiệp do vậy bỏ thi tốt nghiệp là sự cần thiết. (Bạn đọc Nguyễn Văn Sở).