Sáng ngày 12-9, Chi hội luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã tổ chức phiên tòa giả định với nội dung phòng, chống bạo lực trẻ em tại trường THCS Trần Quốc Toản 1, TP Thủ Đức.
Phiên tòa giả định đã nhận được sự quan tâm của các em học sinh cũng như thầy cô tại trường.
Toàn cảnh phiên tòa giả định tại trường THCS Trần Quốc Toản 1. Ảnh: CTV |
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết trong thời gian tới, chi hội sẽ tập trung vào nội dung bạo lực học đường và mang những phiên tòa giả định đến nhiều trường học hơn nhằm phổ biến pháp luật cho các em học sinh.
Theo cáo trạng của phiên tòa giả định, bà Thu và ông Minh là vợ chồng có một người con chung là cháu Nguyễn Thị Thảo Mi, sinh năm 2015. Năm 2018, ông Minh và bà Thu ly hôn, cháu Mi do bà Thu nuôi dưỡng.
Giữa năm 2019, bà Thu quen với Nguyễn Thanh Nam và về sống như vợ chồng với Nam nhưng không có đăng ký kết hôn. Thu đem cháu Mi về sống chung với Nam tại TP Thủ Đức, TP.HCM.
Trong quá trình sống chung, những lúc Thu bận đi làm hay không có nhà thì Thu nhờ Nam chăm sóc, trông coi cháu Mi. Trong khoảng thời gian từ tháng 9-2021 đến tháng 11-2021 trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ cháu Mi, những lúc cháu Mi không làm ông Nam vừa ý thì ông Nam đã nhiều lần dùng tay, dùng chổi, dùng cây lau nhà đánh cháu Mi.
Ngày 10-12-2021, Nam yêu cầu Mi đi giặt đồ nhưng Nam nói Mi giặt đồ không sạch nên chửi mắng cháu Mi và dùng tay tát mạnh vào mặt cháu Mi, làm cho cháu Mi té ngã, đầu cháu Mi đập xuống sàn nhà. Nam nói Mi tự té ngã và đã đưa cháu Mi đi đến bệnh viện để cấp cứu.
Bà Nguyễn Thị Hà là giáo viên của cháu Mi thấy cháu Mi trên cơ thể có nhiều vết thương, có biểu hiện bị bạo hành nên đã điện để trình báo cho cơ quan công an. Sau đó, cơ quan công an mời ông Nam và các bên để xác minh sự việc. Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định cháu My bị thương tật 16%.
Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Nam đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như trên.
Từ đó, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nam ba năm sáu tháng tù.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, giao lưu các em học sinh tại phiên tòa giả định. Ảnh: CTV |
Ngoài việc tuyên truyền về các quy định pháp luật, HĐXX cũng hướng dẫn các bậc phụ huynh, thầy cô phải chú ý nhiều hơn đến trẻ để tránh việc trẻ bị xâm hại. Ngoài các dấu hiệu về thể chất biểu hiện rõ nét trên cơ thể của trẻ như những vết bầm, vết thương, vết trầy xước trên cơ thể thì các dấu hiệu khác cũng cần được lưu tâm như trẻ ngủ hay giật mình, chậm chạp, đờ đẫn, la khóc, rụt rè, nhút nhát, kém tập trung, sợ người lạ, hoảng sợ khi gặp đối tượng gây bạo hành cho trẻ…