Sáng 9-7, Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tổ chức phiên tòa giả định với chủ đề “Phòng, chống bạo lực trẻ em” tại phường 5, quận 6. Phiên tòa được tổ chức ngay tại khu dân cư ở hẻm 187 đường Mai Xuân Thưởng.
Phiên tòa giả định được tổ chức tại hẻm 187 Mai Xuân Thưởng, phường 5, quận 6. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG |
Bà Nguyễn Thị Kim Trang, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường 5, quận 6, cho biết việc đưa các phiên tòa giả định đến tận nơi ở của người dân, tổ chức ngay tại khu dân cư sẽ giúp người dân tiếp cận pháp luật dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc tổ chức này thay đổi hình thức tuyên truyền, giúp việc thông tin trở nên trực quan sinh động và sát với thực tế đời sống của người dân. “Điều này giống như giúp người dân học một cách thụ động. Một số người không tham dự trực tiếp phiên tòa, nhưng khi họ ở nhà tại khu dân cư, làm việc xung quanh phiên tòa, họ cũng đã có thể tiếp nhận thông tin” – Bà Trang chia sẻ.
Tuy không ngồi ở dãy ghế cho người tham dự, bà Hứa Mỹ Lan (37 tuổi) vừa nhặt rau vừa theo dõi phiên tòa tại sạp rau của mình. Bà nói: “Việc tổ chức như thế này là quá hợp lý. Tôi vừa làm việc vừa có thể xem người ta xử. Mấy phiên tòa thế này vừa răn đe, vừa tuyên truyền để cha mẹ đừng có đánh mấy đứa nhỏ nữa. Nên làm thêm nhiều phiên toà như này cho chúng tôi xem”.
HĐXX của phiên tòa giả định được tổ chức tại phường 5, quận 6. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG |
Theo cáo trạng của phiên tòa giả định, sau khi ly dị chồng, năm 2018, bà Nguyễn Thị Thu nuôi con chung là cháu Nguyễn Thị Thảo Mi, sinh năm 2015.
Đến khoảng giữa năm 2019, Thu quen với Nguyễn Thanh Nam và về sống như vợ chồng với Nam nhưng không có đăng ký kết hôn. Thu đem cháu Mi về sống chung với Nam tại TP.HCM.
Trong quá trình sống chung, Thu thường nhờ Nam chăm sóc, trông coi giúp cháu Mi khi Thu bận đi làm. Vào khoảng 15 giờ ngày 10-12-2021, Nam yêu cầu Mi đi giặt đồ cho Nam nhưng Nam nói Mi giặt đồ không sạch và chửi mắng cháu Mi. Nam khi đó dùng tay tát mạnh vào mặt cháu Mi, làm cho cháu Mi té ngã, đầu đập xuống sàn nhà. Nam nói Mi tự té ngã và đã đưa cháu đi đến bệnh viện để cấp cứu.
Khi cháu Mi đến trường, bà Nguyễn Thị Hà, là giáo viên của cháu Mi, thấy trên cơ thể cháu có nhiều vết thương, có biểu hiện bị bạo hành nên đã điện thoại trình báo cho cơ quan chức năng. Sau đó, cơ quan công an mời Nam và các bên lên làm việc, điều tra xác minh sự việc và tiến hành giám định tỷ lệ thương tật của cháu Mi.
Căn cứ kết quả giám định pháp y về thương tích, cháu Mi bị đa chấn thương phần mềm, các thương tích trên cơ thể và phần đầu do vật tày tác động nhiều lần gây nên. Cháu có tỷ lệ thương tật là 16%.
VKS nhận định trẻ bị bạo hành ngay tại chính ngôi nhà của mình đã để lại nhiều hệ quả xấu, ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng không chỉ đến sức khỏe mà còn gây ra vết thương tinh thần khó quên, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Vì thế, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh Nam từ ba năm sáu tháng đến bốn năm tù.
Từ đó, HĐXX đã quyết định xử phạt bị cáo Nam ba năm sáu tháng tù.
Nhiều người dân theo dõi phiên tòa giả định. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG |
Bên cạnh việc xét xử, HĐXX cũng phân tích những hệ quả từ việc bạo hành trẻ em cho người theo dõi phiên tòa. HĐXX cho biết việc bạo hành trẻ em sẽ dễ khiến cho trẻ trở nên khép kín, sợ tiếp xúc với người khác. Ngoài ra, trẻ cũng có thể trở nên bạo lực hơn, dễ cáu gắt hơn.
Bởi vậy, HĐXX cho rằng cha mẹ, thầy cô phải dành nhiều thời gian hơn cho trẻ em, gần gũi và trò chuyện với trẻ để nắm bắt tâm lý của trẻ. Ngoài ra, khuyến khích mọi người hãy chú ý đến trẻ em, không ngại tố cáo tội phạm với cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn tội phạm sớm.