Tổ chức phiên tòa trực tuyến: Thận trọng với án hình sự

Ngày 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề xuất việc giao TAND Tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Tại phiên họp, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã lý giải một số vấn đề các đại biểu đề cập.

Quyền con người không được sai số

Theo tờ trình của TAND Tối cao, phạm vi áp dụng phiên tòa trực tuyến là xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án hình sự, hành chính, dân sự. Trước mắt là các vụ án không phức tạp về chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh, có sự đồng thuận của các chủ thể tham gia.

“Đọc thì thấy chúng ta dự kiến phạm vi xét xử trực tuyến rất rộng” - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh nhận xét. Theo ông Thịnh, nếu xử đúng, “không có vấn đề gì” thì quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được đảm bảo. Nhưng nếu không may xảy ra bất cứ chuyện gì làm mất hoặc hạn chế các quyền của cá nhân, tổ chức sẽ rất dễ bị đặt vấn đề xử trực tuyến có đảm bảo không.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến tại phiên họp. Ảnh: QH

“Tôi nghĩ cần thận trọng. Có thể chúng ta áp dụng xử sơ thẩm trước và riêng án hình sự áp dụng chậm hơn. Quyền con người không được sai số. Chúng ta làm thế nào để xử xong thì bị cáo phải tâm phục, khẩu phục, những người tham gia tố tụng được bảo đảm tất cả mọi quyền…” - ông Thịnh nói và dẫn ra một số khuyến cáo của Liên đoàn Luật sư Đức xung quanh việc xét xử trực tuyến.

“Anh Thịnh đưa ra khuyến cáo của Liên đoàn Luật sư Đức, tôi tìm lại khuyến cáo đó thì thấy Đức thực hiện xét xử trực tuyến lâu rồi. Còn họ khuyến cáo về việc bảo đảm quyền con người, bị cáo tâm phục, khẩu phục thì xét xử trực tuyến hay trực tiếp đều phải bảo đảm. Trực tiếp hay trực tuyến đều phải làm cho đúng chứ không phải anh ngồi ở đây thì được phép làm sai” - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói sau đó.

Người tham gia ở các điểm cầu phải tự nguyện

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường lại băn khoăn về điều kiện mở phiên tòa trực tuyến “phải có sự đồng thuận của các chủ thể tham gia”.

“Nếu một bên không đồng ý thì không thể mở được phiên tòa” - ông Cường nói. Ông dẫn chứng về tranh chấp dân sự giữa bên cho vay và bên vay nợ, nếu bên giật nợ không đồng ý sẽ không mở phiên tòa trực tuyến.

“Nếu phải có sự đồng thuận của hai bên sẽ khó mở phiên tòa trực tuyến xử vụ án dân sự” - ông Cường kết luận.

Lý giải thêm sau đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay trước mắt sẽ chỉ xử trực tuyến đối với những vụ án không phức tạp về chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh. “Tức là gần như rõ hết rồi, vụ án không nghiêm trọng, bắt quả tang, nghĩa vụ chứng minh rất đơn giản” - ông Bình nhấn mạnh.

Cũng theo chánh án TAND Tối cao, nguyên tắc đồng thuận trong tham gia phiên tòa trực tuyến là nguyên tắc phổ quát ở tất cả quốc gia. Người tham gia ở các điểm cầu phải tự nguyện, đồng ý, nếu không thì họ có mặt tại phòng xử.

“Anh Cường nói bên vay nợ thường không muốn ra tòa, thế thì kể cả mời họ ra phòng xử án họ cũng không muốn có mặt, ra đâu cũng không ra. Vì có nguyên tắc phải bảo đảm quyền con người nên họ phải đồng ý mới được” - ông Bình nói thêm.

“Tổ chức phiên tòa trực tuyến là hoàn toàn phù hợp”

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho hay thường trực ủy ban này đánh giá việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là hoàn toàn phù hợp - không chỉ do diễn biến của tình hình dịch bệnh COVID-19 mà đây là một xu hướng thế giới đã áp dụng.

Bà Thủy cho hay tháng 6-2021, TAND Tối cao Trung Quốc đã ban hành quy tắc tranh tụng trực tuyến cho TAND, áp dụng trước cho ngành tòa án. Trước đó, Trung Quốc đã áp dụng xét xử trực tuyến nhưng chỉ áp dụng thử nghiệm, thí điểm ở ba tòa án nhỏ và chỉ áp dụng đối với các vụ án liên quan đến Internet.

“Chúng tôi cũng được biết TAND Tối cao đang xây dựng dự thảo quy chế xét xử trực tuyến, trong đó dự liệu rất cụ thể các trường hợp như khi đường truyền mất kết nối thì phải dừng phiên tòa…” - bà Thủy nói.

“Việc xét xử liên quan đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức… nên cần rất thận trọng” - Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu quan điểm.

Ông Tiến đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng án dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính có thể áp dụng rộng rãi. Với án hình sự cần thận trọng vì liên quan đến quyền con người.

“Tôi mới tham gia phiên tòa trực tuyến với Singapore về vụ Phan Sào Nam để quyết định số tiền 5,3 triệu USD. Nếu không có phiên tòa trực tuyến thì vừa rồi phải sang bên đó, chi phí rất tốn kém” - ông Tiến cho biết.

Thế giới vẫn thực hiện xét xử trực tuyến

Chúng tôi đã đưa quan niệm của thế giới về xét xử trực tuyến vào tờ trình. Thế giới trong khi quy định nguyên tắc xét xử trực tiếp thì họ vẫn thực hiện xét xử trực tuyến.

Bởi họ quan niệm phiên tòa trực tuyến là việc tổ chức phiên tòa để xét xử vụ án theo trình tự luật định, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng cho phép bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng không nhất thiết phải có mặt chung ở một phòng xử án nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi, tham gia mọi diễn biến của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể

Chánh án TAND Tối cao  NGUYỄN HÒA BÌNH 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới