Mới đây, TAND Tối cao phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị “Chuyển đổi số và định hướng xây dựng tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 789 điểm cầu của hệ thống tòa án, với điểm cầu trung tâm tại trụ sở TAND Tối cao.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao và ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT đồng chủ trì hội nghị.
|
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình |
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Bộ TT&TT, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội chia sẻ về nền tảng tòa án điện tử, trợ lý ảo; đặc biệt, được nghe và trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ TT&TT về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số và định hướng xây dựng tòa án điện tử.
Cũng tại hội nghị, ông Kim Tae Joon,Thẩm phán - Giám đốc Dự án tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại toà án Việt Nam giới thiệu về phần mềm quản lý án tổng hợp xây dựng cho tòa án Việt Nam.
Hội nghị đã chứng kiến lễ ký kết chương trình phối hợp giữa TAND Tối cao và Bộ TT&TT trong công tác chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ các ưu điểm vượt trội về áp dụng công nghệ số hiện nay. Số hóa hiện đã bước vào giai đoạn 3, số hóa tổ chức tức là đưa toàn bộ hoạt động của tổ chức lên môi trường số, thay đổi cách vận hành của tổ chức hay còn gọi là chuyển đổi số. Theo đó, tòa án cũng sẽ hoạt động hiệu quả về những lĩnh vực của mình khi áp dụng hạ tầng này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tòa án điện tử nội dung quan trọng là phục vụ các đối tượng của mình, ví dụ công khai bản án, án lệ để người dân tiếp cận; trợ lý ảo để người dân có thể hỏi về các vấn đề pháp lý… Tất cả các nội dung này khi triển khai không phức tạp và mang lại giá trị lớn cho người dân.
Chuyển đổi số 70% là quyết tâm chính trị, là quyết liệt triển khai của lãnh đạo tòa án, là tri thức của hệ thống tòa án, công nghệ nhiều nhất chiếm 30%. Những người xuất sắc nhất của tòa án sẽ tham gia cùng với những người làm công nghệ để đưa tri thức vào cuộc sống.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, để triển khai tòa án điện tử cần có sự vào cuộc đồng bộ, không chỉ lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mà còn có sự quyết tâm góp sức từ TAND các cấp. Tòa án điện trở thành khát vọng của từng thẩm phán và đây là cơ hội mở cho hệ thống tòa án.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, khi hạ tầng này được đưa vào sử dụng tại hệ thống tòa án, niềm tin vào công lý của người dân sẽ rất cao, đảm bảo được quyền con người, cũng như lợi ích của người dân.
Có thể nói, tòa án điện tử còn là công cụ để người dân kiểm tra lại hoạt động của tòa án và kiểm tra lại các vụ án đã được đưa ra xét xử trước đó, từ đó giúp người dân nhìn nhận để đưa ra các quyết định khởi kiện…
Để việc chuyển đổi số thành công, hướng tới xây dựng tòa án điện tử, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh đến những nội dụng quan trọng là: Quyết tâm chính trị của lãnh đạo, thẩm phán, công chức TAND các cấp; hoàn thiện nền tảng pháp lý, trong đó ưu tiên rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật tố tụng; hạ tầng công nghệ, đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là sự đồng hành, hỗ trợ của Bộ TT&TT, các chuyên gia quốc tế cũng như các đơn vị liên quan…