Hai bị can đã bị giam giữ tại một doanh trại quân sự ở thủ đô Bangkok Thái Lan để từ khi bị cảnh sát bắt giữ hồi cuối tháng 8, đầu tháng 9. Bilal Mohammad và Mierali Yusufu bị cáo buộc đã tiến hành vụ đánh bom tại ngôi đền Erawan, thủ đô Bangkok, làm hơn 120 người bị thương và 20 người thiệt mạng. Trong số những người thiệt mạng có đến 14 người là du khách nước ngoài. Vụ việc đã trở thành vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử Thái Lan.
Tòa án quân sự Thái Lan đã tiến hành luận tội 2 bị can đánh bom Bangkok (Ảnh: Reuters)
Theo các công tố viên, hai bị can đều là người quốc tịch Trung Quốc, thuộc dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Cảnh sát Thái Lan cho rằng vụ tấn công tháng 8 vừa qua là một hành động trả thù đối với chiến dịch chống buôn người của Thái Lan. Chính quyền Thái cũng loại trừ mối liên hệ giữa vụ tấn công và quyết định trục xuất 109 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc hồi tháng 7.
Động cơ thực sự của vụ đánh bom hiện vẫn chưa được sáng tỏ. Cho đến nay vẫn không có bất kỳ nhóm nào nhận trách nhiệm cho vụ việc. Cảnh sát Thái Lan cũng đã phát lệnh bắt giữ đối với 17 đối tượng có dính líu đến vụ đánh bom. Tuy nhiên, phía cảnh sát cũng thừa nhận nhiều đối tượng đã “cao chạy xa bay” ra nước ngoài.
Trong số nghi can truy nã có hai công dân Thái có tiền án liên quan đến hai vụ tấn công năm 2010 và năm 2014 ở Bangkok. Từ đó suy ra vụ đánh bom ở Bangkok ngày 17-8 có thể liên quan đến băng nhóm khác muốn đánh bom vì động cơ chính trị.
Đối tượng bị bắt giữ khi đang trên đường vượt biên. (Nguồn: Bangkok Post)
Mohammad đã bị bắt giữ vào ngày 1-9 tại tỉnh Sa Kaeo, nằm ở phía đông Bangkok và giáp biên giới với Campuchia. Trang Bangkok Post cho biết nghi phạm bị bắt giữ khi đang trên đường vượt biên qua vùng Ban Pa Rai, huyện Aranyaprathet, tỉnh Sa Kaeo.
Ông Choochart Khanpai, luật sư của Adem Karadag, trả lời phỏng vấn của tờ Khaosod cho biết thân chủ của ông đã đồng ý đánh bom đền Erawan sau khi một nghi can khác là Abdullah Abdulrahman hứa hẹn sẽ đảm bảo đường thoát thân cho y đến Thổ Nhĩ Kỳ - nơi gia đình của Karadag đang sinh sống. Theo lời kể của Karadag, y không hoàn toàn biết được động cơ thực sự của vụ đánh bom. Khi y hỏi Abdulrahman nguyên do vì sao lại lựa chọn ngôi đền làm mục tiêu tấn công thì người này không chịu trả lời.
Do các bị cáo không thể hiểu được tiếng Thái, tòa án quân sự và phía luật sư đang sắp xếp cho các phiên dịch viên chuyển ngữ các cáo trạng từ tiếng Thái sang tiếng Anh. Mohammad và Yusufu sẽ chính thức nghe các tội danh của mình vào ngày 16-2-2016.