Tòa án Thái Lan sẽ thêm lệnh bắt giữ bà Yingluck

Tòa án Tối cao Thái Lan đã ra phán quyết năm năm tù đối với cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra tại phiên tòa sáng 27-9. Phán quyết được đưa ra mặc dù bà Yingluck không trình diện tại tòa.

Cảnh tượng trái ngược

Tờ The Nation cho biết chín vị thẩm phán Tòa án Tối cao đã nhất trí đưa ra phán quyết đối với bà Yingluck vào 7 giờ sáng 27-9. Phán quyết ban đầu được dự kiến công bố lúc 9 giờ sáng, song đã phải hoãn lại để các thẩm phán có thêm thời gian tổng hợp lại một lần nữa các bằng chứng, lời khai từ ba nghi phạm được cho là tiếp tay giúp bà Yingluck đào tẩu. “Bị cáo bị kết án về các hành vi phạm tội quy định trong Điều khoản 157 của Bộ luật Hình sự và Điều khoản 123/1 của Đạo luật Về chống tham nhũng năm 1999 và lãnh án năm năm tù” - phán quyết của tòa cho biết.

Theo The Nation, cảnh tượng trước tòa án tại đường Chaeng Wattana, Bangkok sáng 27-9 khác xa hình ảnh chỉ hơn một tháng trước, khi Tòa án Tối cao Thái Lan mở phiên xử tuyên án nhưng bà Yingluck không trình diện. Nhận thấy cựu thủ tướng Thái Lan lần này chắc chắn không xuất hiện để nghe phán quyết, số lượng người ủng hộ bà Yingluck đứng ngoài tòa án giảm đi rõ rệt.

Vào khoảng 8 giờ sáng 27-9, chỉ có khoảng 50 người ủng hộ cựu thủ tướng Thái Lan được nhìn thấy trước cửa Tòa án Tối cao. Cảnh tượng trái ngược với hàng ngàn người ủng hộ từng tập hợp gần trụ sở Tòa án Tối cao Thái Lan hồi tháng trước. Lần này, những người ủng hộ bà Yingluck được phép đứng ngay trước tòa án chứ không phải tập trung ở một khu vực được an ninh giám sát chặt chẽ. Tờ The Nation cho hay chỉ có hai đơn vị cảnh sát thủ đô được triển khai để đảm bảo an ninh trong phiên tòa này.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra có quyền kháng án theo hiến pháp mới. Ảnh: AP

Vẫn có quyền kháng cáo?

Ông Norrawit Larlaeng, luật sư của bà Yingluck, cũng có mặt tại tòa án và cho biết kể từ khi bà Yingluck “mất tích” hồi tháng trước, ông không nhận được bất cứ liên lạc nào của bà. Ông Norrawit từ chối tiết lộ các động thái pháp lý sẽ triển khai tiếp sau khi tòa án ra phán quyết. Ông cũng từ chối bình luận liệu sự vắng mặt của bà Yingluck có ảnh hưởng đến quyền kháng cáo của bà hay không. “Chúng ta sẽ chờ xem phán quyết như thế nào” - ông nói.

Tòa án Tối cao Thái Lan sẽ phát hành lệnh bắt giữ khác đối với cựu thủ tướng 50 tuổi sau lệnh bắt giữ đầu tiên được ban hành hôm 25-8. Thông cáo của tòa cho biết theo hiến pháp mới năm 2017 của Thái Lan, bị cáo và nguyên cáo có quyền kháng cáo dựa trên cơ sở các văn bản pháp lý và bằng chứng gửi tới Tòa án Tối cao trong vòng 30 ngày, theo The Nation.

Trong một diễn biến khác, ba cảnh sát trong đó có ông Chairit Anurit, phó cảnh sát trưởng cảnh sát Bangkok, bị tình nghi tiếp tay cho bà Yingluck bỏ trốn hôm 23-8 đã được thả ra hôm 22-9 sau buổi thẩm vấn. Cả ba người này cũng không bị truy tố bởi vào lúc đó chưa ban hành lệnh bắt giữ bà Yingluck và đã được phân công làm việc trở lại tại Bangkok và Nakhon Pathom, trang tin Khaosod (Thái Lan) ngày 26-9 cho biết.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp nội các hôm 26-9, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói rằng ông đã biết chỗ ở hiện tại của cựu Thủ tướng Yingluck, song sẽ không tiết lộ cho đến khi phán quyết cuối cùng của tòa án đưa ra với bà. “Tôi biết nhưng tôi sẽ không nói bây giờ. Tôi sẽ tiết lộ với quý vị nơi bà ấy ẩn náu sau ngày 27-9. Tôi có các điệp viên trong tay” - ông Prayuth nói. Nhà lãnh đạo Thái Lan cũng cho biết bà Yingluck hiện chưa xin tị nạn chính trị ở bất kỳ quốc gia nào.

_____________________________

Phán quyết với bà Yingluck hôm 27-9 sẽ làm tăng cơn sốt chính trị của Thái Lan nhưng không có khả năng gây ra bất kỳ cơn biến động lớn nào.

THITINAN PONGSUDHIRAK, chuyên gia chính trị tại ĐH Chulalongkorn, Thái Lan

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm