Trong đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con gửi TAND huyện Chợ Lách (Bến Tre), chị X. trình bày vào năm 2012, chị và anh B. thuận tình ly hôn tại tòa. Theo quyết định của tòa, anh B. được trực tiếp nuôi dưỡng cháu H. (con chung của anh chị) mà chị không cần phải cấp dưỡng. Chị được quyền tới lui thăm nom con mà không ai được cản trở...
Cháu chủ yếu sống với ông bà nội
Tuy nhiên, sau đó chị X. nhiều lần tới thăm con nhưng đều bị anh B. và gia đình anh cản trở. Từ ngày ly hôn tới giờ, chị chỉ được thăm và rước con về bên ngoại chơi có một lần. Những lần sau chị đến thăm con thì anh B. không cho, nói một mình anh có thể lo cho con, bảo chị đừng đến nữa. Gần đây nhất, ngày 16-6-2014, chị đến thì bị cha mẹ anh B. cản trở không cho chị vào gặp con. Chị phải nhờ công an xã can thiệp. Khi công an xã động viên thì cha mẹ anh B. lớn tiếng không đồng ý...
Chị X. cũng trình bày là giờ chị vẫn còn sống độc thân, có thu nhập mỗi tháng tổng cộng gần 5 triệu đồng từ việc chăn nuôi và làm vườn nên đủ khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng tốt cho con. Chưa kể, cháu H. lại bị mắc hội chứng down từ nhỏ. Trong khi đó, hiện anh B. đã có vợ con khác nên việc chăm sóc cháu H. sẽ hạn chế, ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu sau này. Từ đó, chị yêu cầu tòa giải quyết cho chị được quyền trực tiếp nuôi cháu H. mà không cần anh B. cấp dưỡng.
Tại tòa, anh B. nói sống chung với cha mẹ, hằng ngày bận đi làm nên nhờ cha mẹ trông nom cháu H. nhưng sau giờ làm, anh đều phụ cha mẹ chăm sóc con. Anh có nghe cha mẹ kể lại là chị X. rất ít đến thăm con mà chỉ có em ruột của chị thay mặt đến thăm. Mỗi lần như vậy, cha mẹ anh đều cho người em vào nhà thăm cháu. Anh cũng nghe cha mẹ nói có lần bảo không cho chị X. thăm con, nói xong thì chị X. bỏ về mà không có ý kiến gì.
Anh B. thừa nhận anh đã có vợ con khác, có thuê mặt bằng cất nhà riêng ngoài quốc lộ để buôn bán và thuận tiện đi làm. Mặc dù vậy anh vẫn về nhà thăm cháu H. Giờ chị X. đòi nuôi cháu H., anh không đồng ý vì anh và cha mẹ vẫn chăm lo tốt cho cháu.
Giao con cho mẹ nuôi
Mẹ của anh B. (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) thì nói vợ chồng bà đã nuôi dưỡng cháu H. từ lúc anh B. và chị X. ly hôn đến nay. Ông bà đã lớn tuổi nên việc chăm sóc cháu H. là niềm vui lớn. Chỉ có ông bà mới quen cách chăm cháu như thế nào, thuốc men ra sao nên ông bà không đồng ý giao cháu lại cho chị X…
Mới đây, TAND huyện Chợ Lách xử sơ thẩm đã nhận định: Theo lời trình bày của chị X. và anh B. thì thấy rằng anh B. không phải là người trực tiếp nuôi cháu H. mà do ông bà nội của cháu trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Hiện anh B. cũng đã có vợ con khác, có cuộc sống riêng nên việc chăm lo cho cháu H. sẽ bị hạn chế.
Cháu H. bị bệnh down từ nhỏ nên cần sự quan tâm, chăm sóc trực tiếp từ cha mẹ. Dù rất yêu thương cháu, ông bà nội cũng không thể thay thế được tình thương của cha mẹ và theo quy định thì cũng không thể giành quyền nuôi con của cha mẹ. Hiện chị X. vẫn đang sống độc thân, lại có đủ điều kiện lo tốt hơn cho cháu H. nên việc giao cháu cho chị X. nuôi dưỡng là phù hợp.
Từ đó, tòa đã tuyên buộc anh B. và cha mẹ anh phải giao cháu H. lại cho chị X. nuôi dưỡng theo yêu cầu của chị X. (anh B. không cần phải cấp dưỡng).
Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con... (Trích khoản 1 Điều 34 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 - luật áp dụng trong vụ việc của chị X.) Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. (Theo khoản 1 Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000) Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con... (Theo Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000) |