Cuối năm 2004, ông Trần Phương Hải đã làm hợp đồng cho con gái (giám đốc một công ty TNHH) thuê một căn nhà ở đường Lê Quang Định, phường 14, quận Bình Thạnh (TP.HCM), thời hạn thuê đến tháng 1-2017.
Hơn một năm sau, công ty của con gái ông Hải cho chi nhánh Ngân hàng S. thuê lại nhà. Giữa năm 2009, khi hợp đồng cho thuê nhà giữa công ty của con gái ông Hải và chi nhánh ngân hàng hết hạn, ông Hải và người con gái tiếp tục gia hạn hợp đồng cho thuê đến tháng 9-2016.
Sau đó, ông Hải phát hiện phía chi nhánh ngân hàng đã tổ chức sửa chữa toàn bộ căn nhà, đập phá sàn nhà để mở cầu thang mới, trổ cửa mới… mà không được sự đồng ý của ông. Trong khi đó, theo hợp đồng cho thuê giữa công ty của con gái ông với chi nhánh ngân hàng thì bên thuê chỉ được quyền trang trí, lắp đặt thiết bị theo yêu cầu trong phạm vi thuê. Đồng thời, khi chấm dứt hợp đồng, bên thuê phải hoàn trả căn nhà đúng hiện trạng ban đầu, không được làm biến dạng, thay đổi kết cấu.
Cũng theo ông Hải, việc sửa chữa này của chi nhánh ngân hàng không có giấy phép nên thanh tra xây dựng phường đã hai lần đến lập biên bản yêu cầu ngưng thi công. Thực tế thì diện tích sử dụng của căn nhà hiện đã lớn hơn so với hình hài ban đầu khi ông xây.
Để ghi nhận việc chi nhánh ngân hàng tự ý đập phá sửa chữa nhà mình, lúc đó ông Hải đã yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại quận 5 (TP.HCM) đến lập vi bằng để làm bằng chứng.
Ông Hải khởi kiện yêu cầu TAND quận Bình Thạnh hủy hợp đồng cho thuê nhà giữa ông với người con gái, hủy hợp đồng giữa công ty của con gái ông với chi nhánh ngân hàng để trả lại nhà cho ông. Tuy nhiên, cùng thời điểm, vợ chồng ông Hải ra tòa xin ly hôn, chia tài sản chung nên tòa quận đã nhập các nội dung tranh chấp hợp đồng thuê nhà này luôn vào vụ án ly hôn để giải quyết.
Theo đó, chi nhánh Ngân hàng S. và công ty của con gái ông Hải được tòa thay đổi tư cách tham gia tố tụng từ bị đơn trở thành bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Từ đó đến nay, tòa đã tổ chức hòa giải nhiều lần, gồm cả nội dung ly hôn của vợ chồng ông Hải lẫn tranh chấp hợp đồng thuê nhà nói trên nhưng không thành. Cho đến nay vụ kiện vẫn nằm im tại chỗ.
Về mặt pháp lý, một luật sư Đoàn Luật sư TP.HCM nhận xét chính việc nhập vụ án của tòa đã khiến vụ việc bị kéo dài và làm phức tạp, rối rắm thêm. Chẳng hạn, yêu cầu ly hôn của vợ chồng ông Hải hơn hai năm nay vẫn chưa giải quyết được. Trong khi đó nội dung yêu cầu hủy các hợp đồng thuê nhà cũng ngày càng phức tạp vì việc thu thập, xác minh chứng cứ cũng như giám định xây dựng chậm trễ.
Theo khoản 1 Điều 38 BLTTDS, tòa có thể nhập hai hoặc nhiều vụ án lại để giải quyết chung nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Tiến (khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM), quy định này chỉ là nguyên tắc chung, còn việc vận dụng vào từng trường hợp cụ thể cần phải có sự tính toán kỹ. Bởi lẽ chính điều luật cũng quy định tòa chỉ nên nhập các vụ án khi các quan hệ tranh chấp có liên quan với nhau và việc nhập này không gây khó khăn cho việc giải quyết án nhanh chóng, đúng đắn.
TS Tiến nhận định ở trường hợp của ông Hải, từ tính chất cho đến quan hệ pháp luật của các tranh chấp đều khác nhau. Một bên là quan hệ về nhân thân, bên kia là quan hệ về hợp đồng thì không nên nhập chung thành một vụ án. Rõ ràng không thể máy móc vận dụng việc nhập vụ án một khi không đảm bảo được việc giải quyết án nhanh chóng. Vì thế, tòa nên tách các quan hệ pháp luật ra và giải quyết bằng hai vụ án khác nhau để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho đương sự, đồng thời không kéo dài thời gian.
THANH TÙNG