Tòa không chỉ kết tội

Khi chứng kiến những giọt nước mắt của bị cáo, người bị hại dễ mủi lòng mà xin tòa xử nhẹ. Nhưng người bị hại trong vụ án trộm cắp tài sản mà TAND quận Tân Bình (TP.HCM) đưa ra xét xử mới đây thì trái ngược với lẽ thông thường ấy. Bà đối đáp chắc nịch với tòa, cương quyết rằng bà bị thiệt hại nhiều hơn, tiếc rằng bà không chứng minh được thôi. Chủ tọa phiên xử đã thể hiện đầy bản lĩnh khi nhẹ nhàng điều khiển phiên tòa, vừa đảm bảo không oan sai cho bị cáo, vừa đảm bảo quyền lợi cho người bị hại.

La Thị N. (sinh năm 1989, ở Quảng Ngãi) làm thuê tại một cửa hàng điện thoại ở phường 3, quận Tân Bình. Trong một lần đếm tiền, N. nhanh tay nhét 20 tờ giấy bạc mệnh giá 500.000 đồng vào áo ngực. Ngay lập tức, việc làm phạm pháp của N. bị bà chủ bắt quả tang. Trước đó, để có bằng chứng hùng hồn về chuyện “táy máy tay chân” của N., bà chủ đã đổ một đống tiền ra nhà và bảo N. đếm. Còn bà thì vào phòng trong, quan sát qua camera ghi hình. N. hết đường chối cãi. Tài sản trộm cắp trị giá 10 triệu đồng được thu hồi ngay.

Tại tòa, bà chủ giữ thái độ căng thẳng với bị cáo và với cả... HĐXX. Nhiều lần bà “cãi tay đôi” với tòa, người thân ngồi sau lưng phải níu bà xuống. Bà cho rằng cơ quan điều tra đã bỏ sót số tiền N. trộm cắp của bà.

Theo bà thì N. đã lấy của bà nhiều hơn những gì cơ quan tố tụng kết luận. Bà đã đặt camera theo dõi nhiều lần và phát hiện N. còn lấy hai chiếc điện thoại di động và 3,2 triệu đồng thẻ cào nữa. Tuy nhiên, camera ghi cảnh này không may bị hư nên không quan sát được. Chưa hết, trước đây có lần N. đếm tiền, bà cộng sổ sách lại thì mất 10 triệu đồng. Ngày hôm sau, người làm ca sáng mở tủ phát hiện 10 triệu đồng còn trong đó.

“Rõ ràng cô ta giấu ở đó và chưa kịp lấy đi. Tờ bạc nào cũng có năm dấu vân tay của cô ta. Nếu chỉ đếm tiền thôi thì chỉ đếm bằng hai ngón tay” - bà khẳng định.

Bốn lần thẩm phán chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Trí kiên nhẫn, nhẹ nhàng trấn an bà và giải thích quyền lợi của bà. Mỗi lần như thế bà lại mím môi, lắc đầu...

Tòa phân tích: “Mỗi người có một cách đếm tiền khác nhau. Tôi thì tôi đếm tiền đến 10 ngón tay. Căn cứ nào bà cho rằng bị cáo đếm tiền bằng hai ngón tay? Tiền bà còn trong tủ đó, sao bà lại cho rằng bị cáo lấy?”.

“Nếu tòa hỏi như vậy thì cho tôi biết là câu hỏi này có bảo vệ quyền lợi của tôi không? Tôi yêu cầu lời khai của tôi phải được ghi vào biên bản cho rõ ràng. Cửa hàng của tôi chỉ có ba người, tôi không lấy, người làm của tôi không lấy thì còn ai vào đây nữa? Tôi cung cấp như thế, việc chứng minh là của HĐXX”.

Bà nhìn về phía N., nói tiếp: “Về tiền thẻ cào, tôi có lập biên bản, cô N. ký tên vào đó. Nhưng tôi không hiểu sao cáo trạng không đề cập đến. Cơ quan điều tra và tòa phải có trách nhiệm với tài sản của tôi. Tôi đã mất quá nhiều”.

“Bà biết đã mất nhiều thì phải có biện pháp ngăn lại. Đằng này bà đổ tiền ra để nhờ đếm và bắt quả tang. Bị cáo còn trẻ, cũng có những phút sai lầm” - tòa nói.

“Nếu người trong sạch thì cài cỡ nào cũng không được, thưa tòa” - bà đối đáp.

Hồ sơ thể hiện biên bản bà chủ lập với N. về chuyện thẻ cào ghi: “Liệt kê sai sót nhiều lần, mất 3,2 triệu đồng”. Tòa nhẹ nhàng giải thích, biên bản này không chứng minh được N. đã trộm. Nếu N. làm thất thoát số tiền này thì phải bồi thường chứ không thể đưa vào cáo trạng để tính là tiền tang vật. Theo biên bản của cơ quan điều tra, họ từng đưa bà đến điểm phục hồi camera. Ở đây người ta báo giá 25 triệu đồng nhưng bà không đồng ý nên không làm” - chủ tọa nói.

“Đó là họ ghi sai ý tôi. Họ phải có trách nhiệm hỗ trợ tôi phục hồi camera lại chứ” - bà trả lời.

Tòa lại nhẹ nhàng giải thích biên bản có chữ ký của bà. “Nếu không phải ý bà sao bà ký tên vào? Thực tế, mỗi biên bản của điều tra viên bà đều đọc lại rất kỹ. Nếu có bất cứ sai sót nào bà đều điều chỉnh lại theo ý bà rồi mới ký”. Sau cùng, tòa quyết định tạm hoãn, trả hồ sơ để giám định đoạn camera ghi hình chuyện thẻ cào để bảo vệ quyền lợi cho người bị hại và không gây ra việc oan sai hay bỏ lọt tội.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm