Chiều 18-6, sau nhiều ngày xét xử, TAND TP.HCM đã ra phán quyết vụ án Trần Hữu Thái (cựu giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP.HCM) và bốn đồng phạm gây thiệt hại 19 tỉ đồng.
Tại toà bị cáo Thái không đồng tình với việc truy tố. Ông cho rằng việc làm của mình đều vì động cơ trong sáng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với vốn vay của nhà nước...
Các bị cáo cho là thiệt hại vụ án không xảy ra, đã có quỹ rủi ro bù đắp và giải quyết bằng vụ án về kinh doanh thương mại khác đề nghị HĐXX xem xét.
HĐXX tuyên án. Ảnh: HY
HĐXX đồng tình với truy tố của cáo trạng VKS là không oan sai với các bị cáo. Toà xem xét vai trò tham gia, tính chất mức độ để cân nhắc hình phạt.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Thái bốn năm tù, Trần Bửu Long (cựu phó giám đốc) ba năm tù.
Ba bị cáo Hà Văn Dương (cựu trưởng phòng nghiệp vụ), Võ Kế Trí (cựu phó trưởng phòng nghiệp vụ) và Mai Thị Kim Dung (cựu chuyên viên phòng nghiệp vụ) bị phạt từ một năm sáu tháng đến hai năm sáu tháng án treo cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bản án cũng kiến nghị tiếp tục làm rõ hành vi của các nhân viên ngân hàng cũng như công ty Phát Như Quân có liên quan đến việc bảo lãnh, cho vay gây thiệt hại tài sản của Nhà nước tại quỹ bảo lãnh tín dụng để xem xét xử lý.
Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.HCM là một tổ chức tài chính phi lợi nhuận đối với các hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của TP.HCM.
Phòng nghiệp vụ thực hiện các công việc liên quan đến bảo lãnh tín dụng như: thẩm định dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng, phân tích tài chính doanh nghiệp và định giá tài sản thế chấp...
Ngày 1-6-2010, Công ty TNHH Dược phẩm Phát Như Quân được ngân hàng thương mại cổ phần phát triển nhà TP.HCM (HDBank) cấp hạn mức tín dụng 30 tỉ đồng để bổ sung hạn mức vốn kinh doanh.
Sau đó, công ty này đề nghị Quỹ Bảo lãnh tín dụng bảo lãnh vay 19 tỉ đồng tại ngân hàng kèm theo hồ sơ. Công ty nêu đã ký kết hợp đồng cung cấp thuốc cho 24 bệnh viện, có doanh thu 102 tỉ đồng.
Tại báo cáo thẩm định, Dung nêu công ty trên có phương án kinh doanh khả thi nhưng chỉ đảm bảo được cho khoản vay 10 tỉ đồng. Do đó kiến nghị Quỹ Bảo lãnh tín dụng bảo lãnh cho công ty vay 10 tỉ đồng. Số tiền còn lại chỉ xem xét bảo lãnh khi có tài sản đảm bảo.
Sau đó, hội đồng thẩm định chấp thuận bảo lãnh cho Công ty Phát Như Quân theo nội dung báo cáo thẩm định và tiến hành giải ngân 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó các bên tiếp tục ký phụ lục hợp đồng bảo lãnh tiếp nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi vay và các chi phí khác có liên quan đối với số tiền vay 9 tỉ đồng.
Tài sản đảm bảo là lô đất 2.180 m2 tại huyện Củ Chi của vợ chồng bà Trần Ngọc Xuân Nhi - giám đốc Công ty Phát Như Quân, ngân hàng đã ký hợp đồng hạn mức tín dụng và giải ngân cho công ty này vay 9 tỉ đồng.
Sau khi nhận tiền vay, đến hạn thanh toán mà công ty không hoàn trả tiền vay và tiền lãi phát sinh trong kỳ nên HDBank khởi kiện đến TAND TP.HCM.
Hai bản án sơ và phúc thẩm đều tuyên Công ty Phát Như Quân có trách nhiệm thanh toán cho ngân hàng số tiền vay và tiền lãi phát sinh là 22 tỉ đồng.
Quỹ Bảo lãnh tín dụng đã trả số tiền này cho HDBank. Sau đó, Công ty Phát Như Quân đã trả cho Quỹ Bảo lãnh ba tỉ đồng, hiện còn 19 tỉ đồng không thể thu hồi...
Cơ quan tố tụng xác định ông Thái là người chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND TP.HCM về toàn bộ hoạt động của quỹ. Tuy nhiên ông Thái đã không chỉ đạo, tổ chức kiểm tra xác minh trên thực tế, không chỉ đạo kiểm tra, không thông qua hội đồng quản lý quỹ khi ký duyệt gây thiệt hại...