Tuyên án vụ lừa đảo ở Quỹ tín dụng Hậu Giang

Sau nhiều ngày nghị án, chiều 22-10 TAND tỉnh Hậu Giang đã tuyên án vụ lừa đảo chiếm đoạt 70 tỉ đồng xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Hậu Giang.

Bị cáo Lê Hữu Tâm (nguyên chủ tịch HĐQT) bị VSKND Hậu Giang truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Nguyễn Thiện Hồng (nguyên giám đốc Quỹ tín dụng) và Phan Văn Tập (nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Thiện Quỳnh Kiên Giang) bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Phan Văn Tập và Nguyễn Thiện Hồng  (áo trắng) đứng nghe tuyến án 

Trong quá trình xét xử bị cáo Tâm đã có đơn xin vắng xét xử vắng mặt vì đang điều trị bệnh, bị cáo Hồng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Riêng bị cáo Tập không thừa nhận tội vì bị cáo cho rằng mình không biết chuyện QTD không có chức năng ký chứng thư bảo lãnh.

Sau khi xét xét hồ sơ vụ án, kết quả tranh tụng, lời khai của các bị cáo, bị hại và những người tố tụng khác Tòa nhận định: Lê Hữu Tâm trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng quản trị của QTDND Hậu Giang Tâm đã nhờ và chỉ đạo cho 28 là người thân và nhân viên đứng tên vay tiền của quỹ nhằm chiếm đoạt tiền của quỹ. Khi đến hạn không trả vốn lãi mà tiếp tục làm hồ sơ đáo hạn nâng mức tiền vay lên cao hơn qua đó chiếm đoạt của QTD hơn 45 tỉ đồng.

Đối với việc VKS truy tố Tâm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Tâm chỉ đạo Bùi Chí Linh (nguyên phó giám đốc Quỹ tín dụng, đã chết) huy động vốn trong nhân dân với lãi suất cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước và thỏa thuận lãi chênh lệch để lấy tiền trả cho khách hàng. Số tiền chi trả ngày càng nhiều nên Linh đã đề nghị Tâm để sổ tiết kiệm của một số khách hàng bên ngoài hệ thống sổ sách quản lý của QTD để đối phó với Ban kiểm soát đặc biệt, đồng thời chiếm đoạt tiền vốn khách hàng để chi trả các khoản lãi chênh lệch và tiêu xài cá nhân. Tổng cộng Linh đã huy động vốn từ nhân dân để gửi tiết kiệm ngoài sổ sách gần 2,7 tỉ đồng để chiếm đoạt.

Tòa tuyên án

Tòa xét thấy, khi QTDND rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán thì bị cáo Tâm và Linh đã có ý định chiếm đoạt tài sản của người dân nên mới nâng khống mức lãi suất. Hành vi này của các bị cáo cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì thế việc VKS truy tố Tâm tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là không phù hợp. Đồng thời xét thấy mức phạt cao nhất của hai tội danh này bằng nhau, do đó tòa quyết định chuyển đổi tội danh đối với bị cáo Tâm, thống nhất xử phạt Tâm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hành vi lừa đảo của Tâm còn thể hiện qua việc Tâm đã chỉ đạo Hồng ký chứng nhận bảo lãnh thực hiện hợp đồng trị giá 20 tỉ đồng bảo lãnh cho Công ty Tùng Bách (do Tâm làm chủ tịch HĐQT) mua thức ăn chăn nuôi của Công ty De Heus (Bình Dương) dù QTD. Thức ăn nhận về Tâm đem bán lấy tiền để dùng một phần trả nợ, dùng phục vụ kinh doanh và chi xài cá nhân.

Hồng dù biết rõ QTD không có năng lực tài chính và cũng không có chức năng ban hành chứng thư bảo lãnh nhưng vẫn nghe theo sự chỉ đạo của Tâm thực hiện hành vi sai trái...

Bị cáo Phan Văn tập được áp giải ra xe

Mặc dù tại tòa, bị cáo Tập cho rằng mình không biết QTD không có chức năng ký chứng thư bảo lãnh nhưng qua lời khai của Hồng và Linh đều chứng tỏ trước đó Tập có liên hệ hai người này để hỏi về khả năng ký chứng thư bảo lãnh của QTD. Từ đó xác định Tập biết trước việc QTD không có chức năng ký chứng thư bảo lãnh nhưng vẫn nhờ ký và thực hiện hợp đồng giao kết mua thức ăn với De Heus để chiếm đoạt tiền. Qua đó Linh và Tập chiếm đoạt của De Heus hơn 4,8 tỉ đồng.

Trong vụ án này Tâm và Tập giữ vai trò chủ mưu, đồng phạm, người thực hiện hành vi phạm tội nên phải chịu trách nhiệm chính, còn Hồng với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực, tuy nhiên bị cáo không có hưởng lợi ích gì.

Tổng cộng Tâm và Hồng đã lừa đảo chiếm đoạt của Quỹ TDND Hậu Giang hơn 45 tỉ đồng, chiếm đoạt Công ty De Heus gần 18 tỉ đồng; Tâm và Linh lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng Quỹ 2,1 tỉ. Linh và Tập lừa đảo chiếm đoạt của De Heus hơn 4,8 tỉ đồng.

Tòa nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ mà còn gây mất trật tự địa phương. Do đó cần có mức án thật nghiêm khắc đối với các bị cáo. Tuy nhiên xét các bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, riêng bị cáo Tập thành khẩn có mức độ nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.

Vì những lẽ trên, Tòa quyết định tuyên phạt bị cáo Lê Hữu Tâm 20 năm tù, Nguyễn Thiện Hồng 12 năm tù, Phan Văn Tập 13 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời buộc các bị cáo Tâm có trách nhiệm trả lại số tiền đã chiếm đoạt cho QTD và các bị hại khác; Tập trả lại số tiền đã chiếm đoạt của công ty De Heus.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm