Tòa phúc thẩm có được xử đơn kiện bổ sung?

Cuối năm 2013, UBND quận Thủ Đức (TP.HCM) thu hồi khoảng 400 m2 đất của ông Lê Trường Sơn để làm dự án mở rộng quốc lộ 1 và ra Quyết định số 7100 về việc chi trả bồi thường, hỗ trợ cho ông Sơn hơn 4 tỉ đồng.

Bồi thường bổ sung sau khi có án sơ thẩm

Nhận tiền bồi thường, hỗ trợ rồi nhưng ông Sơn vẫn không đồng ý nên khởi kiện yêu cầu TAND quận Thủ Đức hủy Quyết định số 7100 của UBND quận. Xử sơ thẩm hồi tháng 4-2014, TAND quận Thủ Đức nhận định Quyết định số 7100 mà UBND quận ban hành về việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đối với ông Sơn là có căn cứ, đúng pháp luật nên không chấp nhận yêu cầu của ông Sơn.

Ông Sơn kháng cáo. Trong giai đoạn chờ TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm, tháng 5-2014, UBND quận Thủ Đức ban hành tiếp Quyết định số 3384 về việc chi trả bổ sung tiền bồi thường, hỗ trợ cho ông Sơn thêm khoảng 400 triệu đồng. Sau đó, ông Sơn có đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu hủy Quyết định số 3384. TAND TP.HCM đã có thông báo thụ lý bổ sung và tiến hành giải quyết luôn trong cùng vụ kiện theo thủ tục phúc thẩm.

VKS: Thụ lý, giải quyết luôn là sai

Tại phiên phúc thẩm mới đây, không đồng ý với việc TAND TP.HCM thụ lý, giải quyết luôn đơn kiện bổ sung, đại diện VKSND TP.HCM bày tỏ quan điểm rằng tòa phúc thẩm vừa vi phạm về thẩm quyền xét xử, vừa vi phạm quy định chế độ hai cấp xét xử.

Đại diện VKS phân tích: Theo Điều 173 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 thì tính chất xét xử phúc thẩm là việc tòa cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của tòa sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Ở đây, đơn kiện bổ sung của ông Sơn chưa được tòa sơ thẩm giải quyết nên việc tòa phúc thẩm thụ lý, xét xử là vi phạm quy định trên.

Cạnh đó, Điều 190 Luật Tố tụng hành chính cũng quy định tòa phúc thẩm chỉ xem xét lại phần bản án, quyết định của tòa sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị. Trong khi đơn kiện bổ sung của ông Sơn rõ ràng không phải là “phần bản án, quyết định của tòa sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị”.

Như vậy, theo đại diện VKS, việc tòa phúc thẩm thụ lý đơn khởi kiện bổ sung và tiến hành giải quyết yêu cầu hủy quyết định bồi thường, hỗ trợ bổ sung của UBND quận Thủ Đức là không đúng trình tự, thủ tục. Mặt khác, việc này vô hình trung tước mất quyền kháng cáo của các bên đối với quyết định bổ sung mới của ủy ban (án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay).

Cũng theo đại diện VKS, để vụ án được giải quyết toàn diện, tòa phúc thẩm cần xác định việc UBND quận Thủ Đức ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho ông Sơn sau khi xét xử sơ thẩm là tình tiết mới. Từ đó tòa phúc thẩm căn cứ vào khoản 3 Điều 205 Luật Tố tụng hành chính, hủy án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho TAND quận Thủ Đức giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm.

Tuy nhiên, tòa phúc thẩm lại cho rằng hai quyết định mà UBND quận Thủ Đức ban hành là hai bộ phận không thể tách rời trong cùng một vụ việc. Đồng thời, chính đương sự cũng đồng ý khởi kiện bổ sung nên việc tòa phúc thẩm thụ lý bổ sung và giải quyết luôn là hợp lý. Cuối cùng, tòa phúc thẩm đã bác kháng cáo của ông Sơn, bác cả yêu cầu khởi kiện bổ sung và giữ nguyên án sơ thẩm.

Tòa sai!

ThS Lê Việt Sơn (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét những phân tích pháp lý về tính chất, phạm vi xét xử phúc thẩm mà đại diện VKS nêu ra tại phiên tòa phúc thẩm là hoàn toàn chuẩn xác.

ThS Sơn khẳng định việc thụ lý, giải quyết đơn khởi kiện bổ sung của tòa phúc thẩm là trái quy định của pháp luật tố tụng hành chính. Bên cạnh đó, theo Điều 145, Điều 146 Luật Tố tụng hành chính thì việc bổ sung yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện chỉ được thực hiện trong giai đoạn xét xử sơ thẩm và việc bổ sung này không được vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu độc lập ban đầu. Trong khi đó, ở vụ việc trên, việc bổ sung được thực hiện trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, lại được tòa phúc thẩm chấp nhận là thiếu cơ sở pháp lý.

Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng khẳng định thẩm quyền xét xử của tòa phúc thẩm chỉ là xem xét lại phần bản án, quyết định của tòa sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị. Đơn khởi kiện bổ sung của ông Sơn có nội dung khởi kiện mới, đối tượng khởi kiện mới không hề có trong bản án sơ thẩm mà tòa phúc thẩm vẫn thụ lý, giải quyết là sai luật.

PHAN THƯƠNG

Kiến nghị sửa luật

Xét về căn cứ pháp lý thì quan điểm của đại diện VKS là hoàn toàn đúng. Việc tòa cấp phúc thẩm thụ lý đơn khởi kiện bổ sung trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, dẫn đến giải quyết luôn nội dung của quyết định bổ sung là vi phạm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu không xem xét quyết định chi trả bồi thường, hỗ trợ bổ sung, cấp phúc thẩm chỉ giải quyết trong phạm vi kháng cáo thì không có ý nghĩa gì vì quan hệ pháp luật này được điều chỉnh bởi một quyết định hành chính chi trả bổ sung. Do đó tòa cấp phúc thẩm xem xét cả quyết định bổ sung cũng là cách nghĩ tiến bộ, đi thẳng vào thực chất để giải quyết án nhanh chóng, triệt để, hạn chế tốn kém.

Từ thực tiễn phát sinh trong quá trình xét xử, nếu cần thiết chúng ta có thể kiến nghị sửa Điều 190 Luật Tố tụng hành chính như sau: “Tòa án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét những khiếu kiện có liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị khi đương sự có yêu cầu”.

Thẩm phán LA HỒNG, Phó Chánh án TAND tỉnh An Giang

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm