VKSND Tối cao vừa ra thông báo rút kinh nghiệm vụ Nguyễn Ngọc Sơn lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản bị giám đốc thẩm hủy cả hai bản án để điều tra lại.
Tự nâng mức phí, chiếm đoạt tiền của 65 hộ dân
Sơn là công chức địa chính, xây dựng xã Hoàn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Từ năm 2006 đến tháng 4-2016, Sơn được giao tiếp nhận đơn của người dân trong xã có nhu cầu xin cấp đất làm nhà ở và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Lợi dụng việc này, Sơn tự đặt ra mức phí cao hơn quy định rồi phát hành thông báo nộp tiền đất ở, trực tiếp thu tiền của 65 hộ dân, tổng cộng gần 1,7 tỉ đồng. Sơn chỉ nộp ngân sách Nhà nước 221 triệu đồng, còn lại chiếm đoạt hơn 1,4 tỉ đồng.
Sơn khai thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo của ông Hoàng Văn Đức (nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch). Số tiền chiếm đoạt, Sơn dùng chi cho các tập thể, cá nhân ứng, nhận để thi công các công trình phục vụ cho xã… theo chỉ đạo của ông Đức.
Tháng 5-2018, TAND tỉnh Quảng Bình xử sơ thẩm, tuyên phạt Sơn 20 năm tù về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Tòa cũng kiến nghị VKSND tỉnh Quảng Bình xem xét khởi tố vụ án lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản để xem xét xử lý đối với ông Đức và các cá nhân liên quan bằng một vụ án khác, khởi tố vụ án vi phạm những quy định về quản lý đất đai để xem xét xử lý đối với ông Đức và Sơn.
Tòa phúc thẩm không hủy án mà ra quyết định khởi tố vụ án
Sơn kháng cáo cho rằng kết luận điều tra và cáo trạng không đúng thực tế sự việc. Việc tổ chức đấu giá đất, cấp đất có thông báo của UBND xã cho người dân. Tiền thu đều nộp vào quỹ UBND xã. Tiền chi ra đều được ông Đức chỉ đạo…
Sơn cho rằng việc tòa đề nghị khởi tố để xem xét, xử lý đối với ông Đức bằng một vụ án khác là không đúng. Cạnh đó, bị cáo cũng xin giảm nhẹ hình phạt.
Đáng chú ý, nhiều bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo đề nghị xử lý hình sự đối với ông Đức và xin giảm nhẹ cho Sơn.
VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị phúc thẩm đề nghị tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, khởi tố đối với ông Đức về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai; khởi tố bổ sung đối với Sơn về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Tháng 10-2018, TAND Cấp cao Tại Đà Nẵng xử phúc thẩm, tuyên phạt Sơn 18 năm tù. Đồng thời, tòa ban hành quyết định khởi tố vụ án về các tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Sau đó, Viện trưởng VKSND Tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Tháng 4-2022, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm đã huỷ hai bản án sơ và phúc thẩm để điều tra lại.
Việc bỏ lọt tội phạm gây bất lợi cho bị cáo
Theo VKSND Tối cao, quá trình điều tra, truy tố, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa đánh giá đúng chứng cứ và một số tình tiết quan trọng dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Sơn đều khai làm theo chỉ đạo của ông Đức. Mặc dù ông Đức không thừa nhận nhưng hồ sơ có các giấy tờ thể hiện rõ dấu hiệu phạm tội của ông Đức.
Khoản tiền quỹ đất do Sơn quản lý đều thể hiện vai trò của ông Đức với chức vụ Chủ tịch UBND xã, chủ tài khoản đã ký duyệt từ việc lập thông báo thu tiền đất, phiếu thu đến việc sử dụng khoản tiền này, phù hợp với lời khai của Sơn. Tuy nhiên, ông Đức không bị truy tố, xét xử là bỏ lọt tội phạm.
Tòa phúc thẩm không tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, khắc phục việc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội mà lại quyết định khởi tố vụ án. Hơn nữa, tòa lại chậm gửi quyết định này đến VKS là vi phạm Điều 154 Bộ luật Tố tụng hình sự, quy định về việc thời hạn gửi quyết định khởi tố vụ án…
Việc bỏ lọt tội phạm làm ảnh hưởng đến việc đánh giá vai trò của Sơn cũng như việc quyết định buộc Sơn phải bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại là gây bất lợi cho bị cáo nên cần hủy cả hai bản án để điều tra lại.