Trưa 18-10, sau gần bốn ngày xét xử, TAND tỉnh Sơn La quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 xảy ra tại tỉnh này.
Xem xét khởi tố vụ án đưa, nhận hối lộ
Theo HĐXX, căn cứ kết quả xét hỏi tại phiên tòa và đề nghị của đại diện VKS, xét thấy hồ sơ vụ án còn thiếu chứng cứ để chứng minh nhiều vấn đề mà không thể bổ sung tại tòa. Đồng thời, có căn cứ cho rằng ngoài hành vi bị VKS truy tố, các bị cáo còn thực hiện hành vi khác theo BLHS quy định; có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác, người khác thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Cùng với quyết định trả hồ sơ, HĐXX yêu cầu làm rõ động cơ, mục đích của các bị cáo khi thực hiện nâng điểm cho 44 thí sinh, từ đó xem xét khởi tố vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ.
Đặc biệt, tòa yêu cầu làm rõ nguồn gốc số tiền, hành vi thỏa thuận của các bị cáo và đối tượng sau để xác định đủ hay chưa đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ và đưa hối lộ:
1) Nguyễn Thị Hồng Nga khai đã nhận của ông Trần Văn Điện (cán bộ thư viện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên) 1,040 tỉ đồng để giúp sửa bài, nâng điểm cho bốn thí sinh.
2) Cầm Thị Bun Sọn khai đã nhận của bà Hoàng Thị Thành (Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai) 440 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho con trai.
3) Lò Văn Huynh khai đã nhận của ông Nguyễn Minh Khoa (cựu phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) 1 tỉ đồng để giúp sửa, nâng điểm cho hai thí sinh; ngoài ra còn 1,1 tỉ đồng nữa thỏa thuận nhưng chưa đưa nhận. Lò Văn Huynh còn khai nhận của bà Lò Thị Trường 300 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho con trai.
4) Đặng Hữu Thủy khai đã nhận của bà Nguyễn Thị Kim (kế toán Trường THPT Tô Hiệu) 150 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Mai Hà (giáo viên Trường THPT Tô Hiệu) 150 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Xuyên (giáo viên Trường THCS Mường Bằng 1) 200 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho bốn thí sinh. Riêng trường hợp bà Bùi Thị Xuân (Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La) có hứa hẹn sau khi giúp nâng điểm sẽ đưa cho Thủy 270 triệu đồng nhưng đến nay Thủy chưa nhận được.
Toàn cảnh phiên xử gian lận điểm tại TAND tỉnh Sơn La ngày 18-10. Ảnh: TUYẾN PHAN
Nhiều tình tiết, phát sinh mới
Trước đó, đại diện VKS cũng đã đề nghị trả hồ sơ để làm rõ những tình tiết phát sinh mới không thể giải quyết tại tòa, trong đó có dấu hiệu của tội đưa và nhận hối lộ. Một số luật sư cũng đồng tình với quan điểm này của đại diện VKS.
Như vậy, trong khi tại Hà Giang đại diện VKS đã đề nghị mức án cụ thể đối với từng bị cáo thì diễn biến tại Sơn La lại hoàn toàn khác. Việc đại diện VKS cho rằng vụ án có dấu hiệu của tội đưa, nhận hối lộ có thể sẽ cùng hướng với vụ án gian lận điểm tại Hòa Bình.
VKS nhận định hành vi nhận tiền, thỏa thuận sẽ nhận tiền để sửa, nâng điểm cho các thí sinh của Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy có dấu hiệu của các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ.
Tại tòa, trong khi các bị cáo đều thừa nhận việc nhận tiền như cáo trạng truy tố nhưng hầu hết những người được cho là đưa tiền lại một mực chối bỏ. Ngoài lời khai của các bị cáo và số tiền đã nộp, không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh. Do đó, chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo Nga, Sọn, Huynh, Thủy về tội nhận hối lộ và các trường hợp trên về tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ.
Bước ngoặt vụ án từ lời khai của một phụ huynh Đáng chú ý, bà Lò Thị Trường (trú phường Chiềng An, TP Sơn La) là phụ huynh duy nhất thừa nhận đưa cho bị cáo Lò Văn Huynh 300 triệu đồng để cám ơn. Sau khi nhờ ông Huynh “xem giúp điểm”, con trai bà được nâng 11,3 điểm để đậu Học viện An ninh nhân dân. Tuy nhiên, khi bị truy hỏi nhờ ông Huynh “nâng điểm” hay “xem điểm”, bà Trường im lặng, không trả lời. Như vậy, lời khai của bà Trường có thể trở thành bước ngoặt trong vụ án này khi xem xét nhóm tội đưa và nhận hối lộ. Bởi như kết luận điều tra và cáo trạng, khó khăn lớn nhất không thể truy cứu trách nhiệm hình sự các tội danh trên là việc những người được cho là đưa tiền đều một mực chối bỏ. Trong khi đó, bà Trường được coi là người đầu tiên thừa nhận mình có đưa tiền để “cám ơn” (dù là đưa trước hay đưa sau), một trong những dấu hiệu quan trọng của tội đưa hối lộ. Trong quyết định trả hồ sơ, HĐXX TAND tỉnh Sơn La còn yêu cầu trưng cầu ý kiến của cơ quan có thẩm quyền giải thích về quy trình xử lý bài thi trắc nghiệm, việc niêm phong bài thi như thế nào, ở thời điểm nào…, từ đó làm rõ trách nhiệm các đối tượng có liên quan. Ngoài ra, HĐXX cũng kiến nghị làm rõ trách nhiệm của cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT Trần Xuân Yến, trung tá Đỗ Khắc Hưng (cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La)… trong việc niêm phong, mở niêm phong phòng xử lý bài thi trắc nghiệm. |