Bà Đặng Thị Huỳnh Lan ở Đồng Nai cho biết bà vừa nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Cấp cao tại TP.HCM về vụ án mà bà là bị đơn. Theo đó, viện kháng nghị quyết định dân sự sơ thẩm của TAND thị xã Long Khánh, Đồng Nai về công nhận sự thỏa thuận thành vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn Lê Minh Hoàng, Phan Thị Kim Liên và bị đơn là bà Lan.
Vi phạm tố tụng, sai lầm trong áp dụng luật
Trong quyết định kháng nghị, VKSND Cấp cao đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm hủy toàn bộ quyết định dân sự sơ thẩm và thông báo sửa chữa, bổ sung bản án của TAND thị xã Long Khánh, giao hồ sơ để tòa này giải quyết lại.
VKS cho rằng quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự do TAND thị xã Long Khánh ban hành không những đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật mà còn có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động tư pháp.
Kháng nghị nêu: Tại quyết định công nhận sự thỏa thuận ngày 28-1-2016 của các đương sự thì bị đơn và các con của bị đơn liên đới thanh toán cho nguyên đơn số tiền nợ hơn 300 triệu đồng. Đến ngày 29-2-2016, TAND thị xã Long Khánh có thông báo sửa chữa, bổ sung bản án, rằng bị đơn đã dùng tài sản thế chấp theo hợp đồng vay tiền và thế chấp một giấy đỏ do bị đơn đứng tên để đảm bảo cho việc thanh toán khoản vay.
Ngay sau khi nhận được quyết định, bà Lan cùng các con đã làm đơn khiếu nại giám đốc thẩm, cho rằng nội dung quyết định công nhận sự thỏa thuận không đúng với biên bản hòa giải. Khi kiểm sát hồ sơ vụ án, VKSND tỉnh Đồng Nai có văn bản đề nghị VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm theo thẩm quyền.
VKSND Cấp cao phân tích biên bản hòa giải thành thể hiện nguyên đơn đồng ý cho bị đơn trả tiền gốc, không tính lãi do hoàn cảnh bị đơn khó khăn. Từ đó TAND thị xã Long Khánh có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Tuy nhiên, qua xem xét toàn bộ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Ghi thêm vài từ đã thay đổi bản chất
Cụ thể, theo VKS, tại biên bản hòa giải và biên bản hòa giải thành ngày 20-1-2016 đã bị cắt dán, tẩy xóa, thêm cụm từ “và các con” có nghĩa vụ “liên đới” vào các biên bản này nhưng không có chữ ký xác nhận của đương sự vào phần biên bản bị tẩy xóa, viết thêm từ. Nội dung cắt dán “ghi bổ sung” phần “bà Lan đã dùng tài sản thế chấp theo hợp đồng vay tiền và thế chấp sổ đỏ do bà Lan đứng tên để đảm bảo cho việc thanh toán tiền vay”.
Khi VKSND tỉnh Đồng Nai lấy lời khai, bà Lan trình bày khi được xem để ký vào các biên bản hòa giải và biên bản hòa giải thành không có việc tẩy xóa, cắt dán, viết thêm. Đồng thời, bà Lan khẳng định tại phiên hòa giải bà không thỏa thuận phần “ghi bổ sung” lấy sổ đỏ để đảm bảo cho việc thanh toán.
Về vi phạm này, VKSND Cấp cao tại TP.HCM nêu việc sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định chỉ được thực hiện trong trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Nhưng TAND thị xã Long Khánh lại bổ sung phần “ghi bổ sung” có nội dung bị đơn thế chấp tài sản để đảm bảo cho việc thanh toán tiền vay là xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của đương sự.
Ngoài vi phạm tố tụng, VKSND Cấp cao tại TP.HCM còn phát hiện ra một số vi phạm về nội dung của tòa cấp sơ thẩm khi không đối chất, làm rõ, thu thập chứng cứ ai là người vay tiền của nguyên đơn… Sau khi hòa giải thành, các đương sự không được tòa án giao biên bản hòa giải thành để họ biết và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Khi chưa có ý kiến đồng ý bằng văn bản của những người vắng mặt khi hòa giải thành nhưng tòa vẫn ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là trái pháp luật.
CQĐT VKSND Tối cao cần vào cuộc Bản chất quyết định công nhận sự thỏa thuận thành là thẩm phán phải ghi nhận đúng ý chí của hai bên và quyết định được lập đúng trình tự, quy định pháp luật. Nhưng nay có cơ sở thể hiện quyết định không thực hiện đúng ý chí, nguyện vọng của một trong các đương sự nên VKS đề nghị hủy là đúng. Hơn nữa, nếu phát hiện có dấu hiệu tẩy xóa, chỉnh sửa nội dung quyết định thì hành vi này của thẩm phán còn có dấu hiệu xâm phạm đến hoạt động tư pháp. CQĐT VKSND Tối cao cần vào cuộc xác minh, làm rõ nguyên nhân, động cơ của thẩm phán khi tẩy xóa, cắt dán, thêm nội dung không đúng. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm của thẩm phán, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật sư BÙI QUỐC TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM |