Vụ xử 2 bảo mẫu:

Tòa tuyên án 3 năm tù cho mỗi bị cáo

Nhấn F5 để liên tục cập nhật

Lúc 11g 5 phút Tòa tuyên án hai bảo mẫu hạnh hạ trẻ em 3 năm tù giam.
 

10g 50 phút LS đang bào chữa cho Phương

Nhân thân Phương rất tốt, chồng là giảng viên Nhạc viện TP.HCM. Gia đình chính là môi trường tốt chọ Phương cải tạo tốt, ăn năn hối cải ngay từ khi sự việc mới xảy ra. có ý thức khắc phục hậu quả do những hành động sai trái của mình gây ra.

Luật sư đề nghị HĐXX xem xét cho Phương hưởng mức thấp nhất mà Viện Kiểm sát đề nghị.

10g 32 phút Hội thẩm nhân dân hỏi Đông Phương:

- Bị cáo tốt nghiệp Đại học ngành mầm non ở trường nào?

- Dạ, Đại học Sài Gòn.

- Tại sao khi chưa được cấp phép, bị cáo vẫn mở trường?

- Dạ, vì hồ sơ của bị cáo còn thiếu cái bằng quản lý đề nghị bổ sung. Bị cáo thuê nhà 4 triệu/tháng, nếu chờ đến lúc đủ hồ sơ thì bị cáo không kham nổi nên bị cáo vẫn mở và sẽ bổ túc hồ sơ sau.

- Bị cáo đã bị xử phạt hành chính và yêu cầu đóng cửa, bị cáo vẫn hoạt động không phép?

- Bị cáo đã hoạt động không phép lại có những hành vi phi giáo dục, phi sư phạm như vậy.

-Các đứa trẻ như một trang giấy trắng, nếu được giáo dục tốt sẽ hình thành và hướng trẻ đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Còn khi trẻ được giáo dục trong môi trường bạo lực, bị cáo sẽ bị ảnh hưởng nhân cách. Tất cả các sinh viên học khoa sư phạm đều được học và nếu thực hiện như vậy, thầy cô rất được xã hội tôn vinh. Tại sao bị cáo hành động như vậy?

...Im lặng

 Hội thẩm nhân dân hỏi Thiên Lý

- Tại sao bị cáo dọa thả bé vào thùng nước?

- Bị cáo nóng quá, bé không ăn nên bị cáo bế bé lên, kê sát đầu vào thùng chứa nước để bé sợ mà ăn.

- Dọa thả các bé vào thùng nước để bé sợ mà ăn. Bị cáo phải hiểu rằng đó là một hành động phi giáo dục, phản khoa hoc, có thể làm các bé chết ngạt không?

- Dạ, không.

- Sau vụ án này bị cáo nghĩ thế nào?

- Dạ, bị cáo sẽ nhìn lại và không làm việc gì liên quan đến trẻ em nữa ạ.

- Trước khi đi làm cấp dưỡng có học kỹ năng bảo mẫu không?

- Dạ không

- Tại sao không học mà đi làm?

- Bị cáo không học vì gia đình nói tính cách bị cáo không phù hợp với nghề nuôi dạy trẻ.

Hai bị cáo Phương và Lý trước tòa - Ảnh: Xuân Ngọc

Hội thẩm nhân dân hỏi Đông Phương:

- Với tính cách của mình, bị cáo nghĩ gì khi chọn nghề mầm non?

- Dạ, bị cáo nghĩ mình là phụ nữ, sáng đi, chiều về còn lại có thời gian chăm sóc gia đình ạ.

- Bị cáo phải biết rằng ngành mầm non là ngành thường xuyên tiếp xúc với trẻ, phải có tính kiên trì, biết yêu thương trẻ...Tại sao chỉ vì nghĩ có thời gian chăm sóc gia đình mà bị cáo bước vào nghề này?

...Im lặng.

- Tại sao bị cáo cho các bé ăn như vậy?

 (Phương bật khóc)...Dạ, không hiểu sao lúc đó bị cáo lại làm vậy.

- Vì hành động đó, hôm nay bị cáo phải trả giá quá đắt, bị cáo nghĩ sao?

- Dạ, bị cáo rất ân hận ạ.

...Im lặng

- Trước khi mở cơ sở giữ trẻ, bị cáo có nghiên cứu Luật bảo vệ trẻ em không?

- Dạ, không ạ.

Vị Hội thẩm phân tích trẻ em là đối tượng cần được yêu thương, được pháp luật bảo vệ, bị cáo đã làm hoen ố hình ảnh đẹp về người cô giáo mầm non.

-Tại sao bị cáo thấy Lý đánh mà bị cáo không ngăn cản?

….

- Bị cáo cũng đánh mà, làm sao nhắc nhở được!

10g 25 phút chủ phiên tòa tiếp tục hỏi bị cáo Phương

- Tại sao nói yêu thương, chăm sóc lo lắng bữa ăn hằng ngày cho các bé với tình yêu thương dành cho trẻ em mà ngày  đó lại có những hình ảnh đối xử thô bạo với các bé như vậy?

- Bị cáo cũng không hiểu vì sao mình lại có hành động như vậy. Bị cáo thấy mình sai rồi, bị cáo nóng nảy và thiếu suy nghĩ.

- Những ngày đó, cuộc sống gia đình bị cáo có gì để ảnh hưởng đến tâm lý bị cáo như vậy không?

- Thưa không

- Bị cáo thấy dư luận đã bức xúc thế nào trước hành vi với hế hệ tương lai của xã hội chưa?

- Bị cáo đã thấy sự giận dữ của dư luận rồi.

10g 3 phút Trong suốt phần thẩm vấn, Phương nhiều lần khẳng định mình rất yêu thương trẻ em, nhiều lần các bé gọi Phương là mẹ…        

 

 Mẹ của bé Trần Hòa (bé bị Phương tát liên tục vào mặt) được tòa mời lên thẩm vấn cho biết gửi con từ tháng 12-2012. “Từ hồi gửi bé cô Phương, bé hay bị rối loạn tiêu hóa, ăn hay ói. Khi đón bé về, gặp mẹ bé mừng lắm như cứ kéo về không cho mẹ nói chuyện với cô. Khi đưa đi học đến gần trường thì không chịu đi nữa, vẻ rất sợ hãi”. Bà cho biết từ khi nghỉ học đến giờ, bé không bệnh nữa. Bà cũng chưa dám gửi bé ở đâu. Bà yêu cầu Phương bồi thường 15 triệu là số tiền học phí và 45 triệu tiền thiệt hại tinh thần, sức khỏe, đồng thời đề nghị tòa xử theo pháp luật để những trường hợp như vậy không xảy ra với các em bé khác nữa.

Đám đông vỗ tay vang dội khi mẹ bé Trần Hòa nói xong. Tuy vậy, khi được thẩm vấn tiếp, Phương vẫn khẳng định mình rất yêu thương trẻ em, sở dĩ có những hành động liên tiếp tát vào mặt trẻ, đút ăn mạnh bạo như vậy là do nóng nảy.

 

Nhiều người dân vào được bên trong tham dự phiên tòa. Ảnh: Phương Loan

Chủ tọa phiên tòa là ông Vũ Tất Trình – chánh án TAND quận Thủ Đức

9g 30, PV đã chen được vào bên trong, sau khi đám đông dời ra ngoài sân xem xét xử qua màn hình.

Chủ tọa đang thẩm vấn Đông Phương:

- Tại sao bị cáo lại kê một khu riêng ra phía sau nhà làm khu vực ăn riêng?

- Kê bàn ra dành chăm bé lười ăn, ăn chậm một khu riêng phía sau nhà

- Ai là người trực tiếp?

- Bị cáo và Lý

- Bị cáo có bảo Lý đút bé ăn thế nào không?

- Bị cáo bảo Lý đút ăn từ từ, trong thời gian đó mình còn làm được việc khác

-Thời gian học ở trường mầm non, người ta có dạy bị cáo muốn đút ăn cho trẻ phải đánh đập như thế không?

- Mình đã sai rất nhiều

- Con bị cáo mấy tuổi rồi?

- 8 tuổi

- Có gửi đi học không?

- Có

- Bị cáo là một người mẹ. Nếu con bị cáo gửi đến cơ sở khác mà bị đối xử vậy thì bị cáo thấy sao?

-Bị cáo thấy buồn

- Đã bao giờ bị cáo cho con ăn giống như đã cho trẻ tại trường ăn không?

- Không

- Một bữa ăn, một ly sữa của các cháu đầy nước mắt thì bị cáo thấy sao?

- Bị cáo thấy sai

-Bị cáo là một người mẹ, lại là người được học hành chuyên môn mầm non mà lại có hành động như vậy với  trẻ em, đối tượng là tương lai của xã hội, cần được đối xử tử tế và yêu thương trong hiện tại.?

Đám đông trong phòng xử ồ lên từng tràng khi nghe Phương trả lời. Chủ tọa nhiều lần tạm dừng xét hỏi, nhắc lực lượng đảm bảo trật tự.

Tòa tuyên án 3 năm tù cho mỗi bị cáo ảnh 4
 

9g10: Do sức ép của đông đảo người dân không được vào xem trực tiếp phiên tòa, nên tòa đã dựng thêm 1 màn hình chiếu bên ngoài phiên tòa.

Tòa tuyên án 3 năm tù cho mỗi bị cáo ảnh 5
Lê Thị Đông Phương  trước tòa - Ảnh : Xuân Ngọc

8 g 30: mặc dù phiên tòa chưa khai mạc nhưng hội trường diễn ra phiên tòa đã đông nghẹt người đến tham dự. Sức chứa của hội trường chỉ có 500 người nhưng trong ngoài đã lên đến hơn 2.000 người. Phía ngoài phiên tòa cũng không được trang bị màn hình, gây khó khăn cho những người theo dõi phiên tòa.


Mặc dù phiên tòa chưa khai mạc nhưng hội trường diễn ra phiên tòa đã đông nghẹt người - Ảnh: Xuân Ngọc

Sáng ngày 20-1, TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) xử lưu động vụ hai bảo mẫu hành hạ trẻ em. Phiên tòa diễn ra tại nhà thiếu nhi quận Thủ Đức.

Trước đó, vào đầu tháng 12 -2013, báo Tuổi Trẻ đã công bố video clip do người dân ghi hình về hành vi bạo lực với trẻ em của hai bảo mẫu tại nhà trẻ Phương Anh (tại 18 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước) khiến dư luận phẫn nộ.

Quản lý cơ sở này là bà Lê Thị Đông Phương, nhân viên giúp việc ngoài Nguyễn Lê Thiên Lý còn có một cấp dưỡng.

Video clip ghi lại những hình ảnh các bảo mẫu đã đánh, tát, túm cổ, chỉ tay vào mặt, quát tháo, đe dọa các bé. Trong clip hiện rõ các bảo mẫu  chỉ tay vào mặt, bắt các cháu tự bưng bát xúc ăn, túm cổ, bóp đầu một bé trai và đập mạnh vào nhiều chỗ trên người bé khi bé nôn, khóc. Có lúc, bảo mẫu Lý còn đe dọa nhúng đầu một bé gái vào thùng nước lớn khiến bé vô cùng hoảng sợ. Riêng bà Phương, là chủ nhà trẻ còn còn bóp cổ, tát vào mặt bé, đổ ngược thức ăn vừa nôn vào bát cho các cháu ăn lại… và nhiều hành động không tưởng khác.

Tòa tuyên án 3 năm tù cho mỗi bị cáo ảnh 7

Bà Lê Thị Đông Phương đập vào đầu một bé trai sáng 11-12 - Ảnh trích từ video clip

Tòa tuyên án 3 năm tù cho mỗi bị cáo ảnh 8
Ảnh chụp từ clip

Tòa tuyên án 3 năm tù cho mỗi bị cáo ảnh 9
Ảnh chụp từ clip

Chiều 17/12, sau một ngày lấy lời khai, Công an quận Thủ Đức đã khởi tố, bắt giam 2 bảo mẫu đánh đập tàn bạo các trẻ mầm non.

Khai với cơ quan điều tra, hai bảo mẫu thừa nhận toàn bộ hành vi đánh đập, hăm dọa một cách tàn nhẫn đối với ít nhất 5 cháu bé tại cơ cở mầm non của mình. Tuy nhiên, cả Phương và Lý đều cho rằng không biết hành vi của mình là phạm tội mà chỉ muốn các cháu bé được ăn uống đầy đủ, ngoan ngoãn.

Đối mặt với cơ quan điều tra, Lý vẫn giữ nét mặt thản nhiên, giãi bày: “Bản tính em rất nóng, từ trước đến giờ nó vậy. Nên khi cho các bé ăn mà bé nào khóc, không chịu ăn hoặc lỳ là em đánh, chỉ dùng tay đánh như thế làm cho các bé sợ mà ăn”. Theo Lý thì từ trước đến nay Lý đã nhiều lần cho các bé ăn theo kiểu bạo lực như thế và đã phát huy được hiệu quả.

Trong khi đó bà Phương tỏ vẻ có phần hối hận về những hành động của mình.
Phương trần tình: “Giờ tôi hối hận cũng đã muộn rồi. Tôi chỉ đơn giản nghĩ là các cháu khó ăn, hay khóc quấy nên lúc bực tức có hành động như thế. Trong thâm tâm tôi chỉ mong muốn các cháu ngoan, ăn uống tốt, khỏe mạnh, mau lớn”.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, ngoài các dấu hiệu về tội Hành hạ người khác, 2 bảo mẫu đánh dã man trẻ nhỏ còn có thể bị khởi tố về tội “cố ý gây thương tích”.

Theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý, mức hình phạt theo quy định của pháp luật có thể áp dụng đối với những người này về hành vi hành hạ người khác là không cao, nhưng cũng đủ tính răn đe. Bởi, khi thực hiện hành vi bạo hành trẻ họ không nhận thức được mình sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Báo Pháp Luật TPHCM sẽ tiếp tục thông tin cùng bạn đọc về vụ xử hai bảo mẫu này.

PHƯƠNG LOAN - XUÂN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm