Chưa đến 7 giờ sáng qua (20-1), khoảng 2.000 người dân đã đứng chật sân Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức (TP.HCM) để chờ xem phiên tòa lưu động xử hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý về tội hành hạ người khác. Tòa xử trong khán phòng sức chứa chưa đến 500 người nên số còn lại phải theo dõi phiên tòa qua màn hình ở bên ngoài.
“Bị cáo hối hận nhiều lắm!”
Tại tòa, Phương mặc áo sơmi trắng, Lý mặc áo ca rô xanh với mái tóc cột cao. Khi vừa từ xe bít bùng bước xuống, cả hai hoảng hốt trước rừng người đang la ó phản đối mình. Phương đứng trước vành móng ngựa với vẻ khá căng thẳng nhưng đã thôi khóc thút thít như lúc mới dẫn vào phòng xử. Người dự khán ồ lên khi thấy cả hai xuất hiện. Chủ tọa nhiều lần yêu cầu giữ trật tự để phiên xử có thể tiếp tục.
Phương và Lý thừa nhận do nóng nảy nên mới có hành vi đánh trẻ, giờ rất hối hận và mong được tha thứ. Phương thừa nhận hai lần có hành vi tát vào mặt, bóp cổ và kẹp các bé vào đùi vì “muốn cho các cháu ăn”. Chủ tọa hỏi: “Bị cáo cũng có con nhỏ, nếu người ta cho con bị cáo ăn như vậy thì thấy sao?”. “Bị cáo thấy buồn” - Phương trả lời.
“Một ly sữa, một chén cháo mà các cháu được ăn phải đẫm nước mắt như thế, bị cáo nghĩ gì?”. “Bị cáo ân hận lắm, bị cáo biết mình sai rồi. Hôm 20-11, các cháu chơi rất vui, bản thân bị cáo rất yêu các cháu. Mấy cháu khi được đưa đến không chịu vào học là nhõng nhẽo chứ thường thì rất là vui. Các cháu còn kêu “Cô Phương ở trường là mẹ của con” nữa. Bị cáo thường xuyên nhắc nhở người khác phải nhẹ nhàng với các cháu” - Phương khai.
Phía sau, người dự khán lại ồ lên phản ứng.
Hai bị cáo Phương và Lý bày tỏ sự ăn năn hối hận trong phiên xử ngày 20-1. Ảnh: XN
Tòa nhắc nhiều đến chuyện trẻ em là tương lai của xã hội, hiện tại cần sự chăm sóc và yêu thương của người lớn. “Các cháu là những đứa trẻ không tự bảo vệ được mình. Trong khi trẻ em cần được bảo vệ thì các bị cáo lại hành hạ như vậy. Nếu các cháu được chăm sóc ở những nơi như cơ sở của bị cáo thì tương lai sẽ thế nào?” - tòa hỏi. Phương cúi đầu im lặng.
Phần trả lời của Lý cũng gặp nhiều phản đối từ người dự tòa. Lý trình bày: Tháng 9-2013, Lý đến cơ sở của Phương (bác họ của Lý) làm cấp dưỡng và dọn dẹp vệ sinh, có khi được giao cho trẻ ăn. Lý thừa nhận có hù bỏ các bé vào thùng nước làm các bé sợ nhưng mọi chuyện là do nóng quá. Đám đông nhiều người hét lên: “Ai làm gì mà các cô bảo nóng giận?”. Lý cũng cho biết tính cách mình không thích hợp với nghề giữ trẻ. Khi sự việc xảy ra, Lý đã hối hận rất nhiều.
Bản án nghiêm khắc
Mẹ bé Lê Tuấn Khang đề nghị tòa xử nghiêm để tránh cho những bé khác gặp cảnh như con mình. “Con tôi không phải là trẻ biếng ăn. Ngày đưa con đến trường tôi đã nói rõ điều này với cô. Tôi bảo cô đừng đánh con tôi vì tôi chưa bao giờ dùng bạo lực với con. Cô Phương nói con tôi ăn rất giỏi, chơi rất ngoan nên tôi cũng yên tâm. Những lần thấy có vụ bạo hành trẻ em nào, tôi đều nói chuyện với Phương để cảnh cáo nhưng không ngờ con tôi lại bị hành hạ dã man như vậy” - mẹ bé Khang kể.
Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên mức án ba năm tù giam về tội hành hạ người khác đối với Phương và Lý. Đồng thời, tòa còn buộc Phương và Lý phải có trách nhiệm bồi thường cho hai cháu bé bị hại mỗi cháu 20 triệu đồng. Tòa tách yêu cầu đòi bồi thường của hai gia đình cháu bé còn lại ra thành một vụ án dân sự khác nếu có yêu cầu.
Tòa nhận định hai bị cáo đã có hành vi tát, dọa nạt, quát tháo các cháu khi cho ăn, gây đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần cho các cháu. Tuy nhiên, kết quả giám định cho thấy các cháu không bị sang chấn tinh thần. Tại tòa, các bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, nhìn nhận trách nhiệm. Hành vi hành hạ người khác, lại là trẻ em, người phụ thuộc mình của hai bị cáo là hành vi nguy hiểm, xâm phạm quyền được bảo vệ, chăm sóc, yêu thương của các em. Hơn nữa, các bị cáo nhận trách nhiệm thay thế cha mẹ các cháu nhưng lại đối xử thô bạo, gây bất bình lớn trong xã hội, ảnh hưởng uy tín của môi trường giáo dục.
Hàng ngàn người dân đã đến dự phiên xử hai bảo mẫu hành hạ trẻ em. Ảnh: XN
Theo tòa, hai bị cáo phạm tội với nhiều cháu bé, đây là tình tiết định khung tăng nặng, cần xử nghiêm để răn đe và phòng ngừa chung. Mức độ hành vi phạm tội của hai bị cáo là như nhau nên lãnh chung mức án cao nhất của khung hình phạt. Tòa cũng xét đến thái độ ăn năn hối cải, nhân thân tốt, cố gắng khắc phục hậu quả... của các bị cáo.
Đám đông có người lại la làng, tỏ vẻ phản đối, cũng có người xuýt xoa thương cảm.
PHƯƠNG LOAN - XUÂN NGỌC
Những hình ảnh đau lòng Khoảng giữa tháng 12-1013, báo Tuổi Trẻ đăng tải clip hai bảo mẫu ở cơ sở mầm non Phương Anh hành hạ các cháu. Những hành động đầy bạo lực trong clip như tát các cháu liên tục khi cho ăn, chổng ngược đầu trẻ vào miệng thùng nước, ép đầu trẻ xuống đất, bịt mũi khi cho uống sữa... làm dư luận xôn xao. Trái tim những người cha, người mẹ quặn thắt. Công an quận Thủ Đức vào cuộc và nhanh chóng khởi tố, bắt tạm giam Phương và Lý để điều tra. Theo cáo trạng, Phương xin phép mở cơ sở chăm sóc trẻ tại 18 Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) từ tháng 8-2013 nhưng chưa được cấp phép. Tuy vậy, tháng 10-2013, Phương vẫn nhận giữ trẻ. Phường kiểm tra, lập biên bản và đề nghị Phương ngưng giữ trẻ nhưng Phương không chấp hành. Ngày 6-12-2013, phường lại một lần nữa kiểm tra và xử phạt hành chính, yêu cầu Phương ngưng ngay hoạt động giữ trẻ nhưng Phương vẫn phớt lờ. “Án điểm” Đây là vụ án mà thời gian tố tụng điều tra, truy tố, xét xử chỉ hơn một tháng. Trao đổi sau phiên xử với Pháp Luật TP.HCM, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa nói: “Vụ án này gây ra sự phẫn nộ rất lớn trong dư luận. Mức án cao để răn đe và giáo dục, phòng ngừa chung”. Được biết hai bị cáo phạm tội thuộc hai tình tiết định khung tăng nặng là phạm tội đối với trẻ em và phạm tội đối với nhiều người. Khi luận tội tại tòa, kiểm sát viên đề nghị tòa xử phạt hai bị cáo mức án 2-3 năm tù. Khi tuyên án, HĐXX áp dụng hai tình tiết giảm nhẹ cho cả hai bị cáo là phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (điểm h Điều 46 BLHS) và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải (điểm p Điều 46 BLHS). Tuy nhiên, mức án ba năm tù mà tòa xử hai bị cáo là mức án cao nhất của khung hình phạt (khoản 2 Điều 110 BLHS) cũng là mức cao nhất của điều luật này. Nghĩa là hai tình tiết giảm nhẹ mà hai bị cáo được hưởng không có ý nghĩa “giảm nhẹ” nào trong lượng hình của HĐXX. Hãy yêu trẻ như con Mức án ba năm tù theo tôi là nghiêm khắc với hai bị cáo. Tôi mong sau phiên tòa này, các giáo viên mầm non sẽ suy nghĩ thật kỹ về công việc mà mình đang làm. Người lớn chúng ta có khi cũng chưa hiểu hết về quyền trẻ em nên dễ dàng xâm phạm. Hãy yêu thương và chăm sóc trẻ như chính con của mình. Các cấp có thẩm quyền cần quản lý chặt chẽ hơn các nhóm trẻ gia đình, sẽ tránh được những vụ việc đau lòng, ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục và của các giáo viên tâm huyết với nghề. Ông TRẦN ĐỨC HOÀNG, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM Lo sợ! Khi nhìn những đoạn video clip phát trên mạng tôi ngỡ ngàng và lo sợ cho cháu tôi và những đứa trẻ khác. Chúng chỉ là trẻ nhỏ, không có tội, chỉ như những tờ giấy trắng, đừng làm đục tờ giấy đó mà hãy để chúng hồn nhiên con trẻ. Bà NGUYỄN THỊ TRONG, 70 tuổi, quê Thủ Đức |