Chiều 15-11, TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) tuyên án bốn bị cáo trong đó có vợ chồng ông Trần Vũ Hải trong vụ án trốn thuế liên quan đến việc chuyển nhượng nhà đất tại 78/40 Tuệ Tĩnh, TP Nha Trang.
Bà Hạnh chủ mưu, khởi xướng
Theo đó bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (quốc tịch Việt Nam và Na Uy) và ông Ngô Văn Lắm (ngụ phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang, em cùng mẹ khác cha với bà Hạnh) mỗi bị cáo bị phạt 18 tháng cải tạo không giam giữ, phạt bổ sung mỗi người 50 triệu đồng.
Ông Trần Vũ Hải và vợ là bà Ngô Tuyết Phương (cùng ngụ Hà Nội) mỗi người bị phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ, phạt bổ sung mỗi người 20 triệu đồng. Bản án buộc ông Lắm có trách nhiệm nộp bồi thường 280 triệu đồng là số tiền trốn thuế. Trong trường hợp ông Lắm không thực hiện, ba bị cáo còn lại phải bồi thường.
HĐXX xác định năm 2016 bà Hạnh chuyển nhượng nhà đất trên (do ông Lắm đứng tên hộ) cho vợ chồng ông Hải với giá hơn 16 tỉ đồng. Tuy nhiên, hai bên lập hợp đồng chuyển nhượng trị giá chỉ 1,8 tỉ đồng để sử dụng kê khai trốn thuế thu nhập cá nhân.
Trong khi đó, vợ chồng ông Hải sử dụng bản sao của bản hợp đồng chuyển nhượng nhà đất trị giá 12 tỉ đồng để làm hồ sơ thế chấp ngân hàng. Tòa kết luận: Trong quá trình giao dịch, chuyển nhượng nhà đất tại 78/40 Tuệ Tĩnh, bốn bị cáo trên đã có hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân hơn 280 triệu đồng.
Bản án sơ thẩm cũng xác định: Trong vụ án này, bà Hạnh có vai trò chủ mưu, khởi xướng; ông Lắm là người thực hiện việc trốn thuế; còn vợ chồng ông Hải là những người giúp sức. Tòa cho rằng đây là vụ án có đồng phạm giản đơn.
Ông Trần Vũ Hải. Ảnh: TH
Luật sư: Đề nghị tuyên vô tội!
Phần tranh luận, các luật sư (LS) bào chữa cho vợ chồng ông Trần Vũ Hải đề nghị tòa tuyên thân chủ mình vô tội. Theo các LS, vụ án đã vi phạm nghiêm trọng về vấn đề giám định. Cụ thể, CQĐT đã hai lần trưng cầu giám định về thuế nhưng cả hai lần giám định viên đều bỏ sót việc xác định người phải kê khai nộp thuế, trốn thuế.
Tại phiên tòa, giám định viên thừa nhận việc này và xác định người phải kê khai nộp thuế trong giao dịch chuyển nhượng nhà đất trên là ông Lắm. Ông Lắm là người đứng tên hộ sở hữu bất động sản trên cho chị cùng mẹ khác cha của mình là bà Hạnh.
Các LS cho rằng “giám định bổ sung” tại tòa đã trái ngược với kết luận điều tra và lời luận tội của đại diện VKS cho rằng bà Hạnh là người chủ mưu trốn thuế. Trong khi đó, bà Hạnh khai tại thời điểm giao dịch chuyển nhượng nhà đất bà chỉ có duy nhất ngôi nhà này. Nếu bà Hạnh chỉ có một ngôi nhà duy nhất, theo quy định bà không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được CQĐT làm rõ và không thể khắc phục tại phiên tòa.
Nhiều LS dẫn lại nội dung trình bày của nguyên đơn dân sự trong vụ án này là Chi cục Thuế TP Nha Trang. Theo đó, trong phần thẩm vấn, đại diện cơ quan này cho rằng đã áp dụng giá đất do UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành để tính thuế đối với giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên và đã thu đủ thuế. Các LS cho rằng không có hành vi trốn thuế và đề nghị tòa tuyên bố vợ chồng ông Hải cũng như các bị cáo khác không phạm tội.
Các LS cũng cho rằng quá trình truy tố vụ án trên có nhiều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Các LS viện dẫn kết luận nội dung của cáo trạng: Trong quá trình giao dịch, chuyển nhượng nhà đất 78/40 Tuệ Tĩnh, bốn bị cáo trên đã có hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân hơn 280 triệu đồng.
Các LS cho rằng nội dung kết luận như vậy là sơ sài, vi phạm Điều 243 BLTTHS 2015 và hướng dẫn trình bày cáo trạng theo mẫu của VKSND Tối cao ban hành theo Quyết định số 15 ngày 9-1-2018, tức là không nêu rõ hành vi cụ thể của từng bị cáo.
Có yếu tố nước ngoài? Tại phần tranh luận, một số LS bào chữa đề nghị tòa trả hồ sơ vụ án để xác định lại thẩm quyền giải quyết vụ án. Theo các LS, trong vụ án này, bị cáo Hạnh có quốc tịch Việt Nam và Na Uy. Các LS đề nghị xác định vụ án này có yếu tố nước ngoài hay không. Nếu có yếu tố nước ngoài, việc điều tra, truy tố, xét xử thuộc thẩm quyền cấp tỉnh. Ngược lại, nếu không có yếu tố nước ngoài thì đối với vụ án ít nghiêm trọng, việc điều tra, truy tố phải thuộc thẩm quyền cấp huyện. |