Chiều 12-4, sau một ngày nghị án, TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án hình sự mua bán hóa đơn, đưa - nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế đối với 13 bị cáo, trong đó có cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca.
HĐXX đã tuyên phạt ông Đỗ Hữu Ca 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, vào ngày hôm qua, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị mức án 10-11 năm tù cho ông Ca. Đây là đề nghị án cao nhất trong tất cả các bị cáo liên quan đến vụ án, tuy nhiên vẫn dưới khung so với cáo trạng truy tố về tội của ông Ca.
Trong vụ án này, ông Đỗ Hữu Ca bị cáo buộc 4 lần nhận tổng số tiền 35 tỉ đồng từ vợ chồng bị cáo Trương Xuân Đước nhằm chạy án cho Đước.
Ông Đỗ Hữu Ca mặc dù không có khả năng giúp vợ chồng Đước không bị xử lý hình sự về tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, nhưng đã gian dối, hứa hẹn giúp đỡ.
Trong ngày đầu tiên xét xử vụ án, ông Ca liên tục quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, ngay trong buổi sáng ngày xét xử thứ 2 của vụ án (11-4), ông Ca lại bất ngờ nhận tội.
"Đêm qua tôi về suy nghĩ rất nhiều, bị cáo thấy nhận thức của mình chưa rõ, chưa tương xứng với hành vi của mình” – Ông Ca nói và cho biết nghỉ hưu đã lâu, suy nghĩ pháp luật lỗi thời, tuổi già nua nên tiếp cận cái mới khó khăn.
Cho đến lúc được nói lời sau cùng trước khi toà nghị án cuối giờ sáng hôm qua, ông Ca vẫn nhận tội của mình nhưng nói ra “tâm tư” rằng mình vẫn không lừa đảo vợ chồng bị cáo Trương Xuân Đước.
"Tôi không có tiền cho Đước thì thôi chứ tôi không bao giờ tôi có ý định lừa tiền của Đước. Cả đời tôi chưa bao giờ gian dối, thất tín với ai. Cuộc sống không đến mức khó khăn, không đến mức độ đi lừa tiền, mà lừa một cách rất ngớ ngẩn. Về việc này xin toà xem xét" - ông Ca nói lời sau cùng trong ngày xét xử hôm qua.
Theo đánh giá của HĐXX, vụ án này là điển hình cho lợi ích nhóm, nhóm lợi ích; có sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp và người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, vì lợi ích vật chất mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng chục tỉ đồng. Vì vậy, phải xử phạt nghiêm đối với các bị cáo.
Đối với cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca, hành vi phạm tội của bị cáo Đỗ Hữu Ca là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu hợp pháp tài sản của công dân được pháp luật bảo hộ, gây ảnh hưởng xấu cho dư luận.
Theo cáo trạng, từ tháng 3-2013 đến tháng 5-2022, tại Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, các bị cáo Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh đã quản lý điều hành 26 công ty để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, nhằm chiếm lời bất chính.
Kết quả điều tra xác định, số lượng hóa đơn vợ chồng Đước mua bán trái phép là hơn 15.674 hóa đơn, thu lời bất chính hơn 41 tỉ đồng.
Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh đã đưa hối lộ Nguyễn Đình Đương, Đỗ Thanh Hoài số tiền 362 triệu đồng, để được tạo điều kiện thành lập công ty mua bán trái phép hóa đơn.
Để che giấu hành vi phạm tội, trốn tránh trách nhiệm hình sự, trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12-2022, vợ chồng Đước đã đưa cho Đỗ Hữu Ca 35 tỉ đồng để nhờ Ca chạy tội.
Đỗ Hữu Ca mặc dù không có khả năng giúp vợ chồng Đước không bị xử lý hình sự về tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, nhưng đã gian dối, hứa hẹn giúp được.
Cũng trong vụ án, các bị cáo Đặng Khắc Thành, Hà Thị Bích Nhàn, đã làm trung gian mua bán hóa đơn trái phép của vợ chồng Đước, sau đó bán lại cho người khác với giá cao hơn để hưởng chênh lệch.