Toàn cảnh 9 ngày xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát

(PLO)- Đại diện VKS sẽ đề nghị mức án đối với 86 bị cáo trong vụ Vạn Thịnh Phát vào ngày mai (19-3).

Theo kế hoạch, sáng mai (19-3), đại diện VKS sẽ phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Trong chín ngày làm việc vừa qua, HĐXX, đại diện VKS và luật sư đã xét hỏi xong đối với các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tất cả bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội.

Cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân

Tại tòa, các bị cáo khai nhận tiền giải quỹ (tiền được lấy ra khỏi SCB) thông qua các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần. Nhiều bị cáo từng là lãnh đạo SCB thừa nhận các hoạt động theo hồ sơ vay của nhóm Trương Mỹ Lan đều không có thật.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula): “Mục đích giải quỹ tùy thuộc vào mỗi người trong Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, theo tôi là vì dòng tiền cần sử dụng trong Vạn Thịnh Phát hằng ngày rất lớn, từ hàng trăm đến hàng ngàn tỉ đồng”.

Bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc SCB) khai đã phê duyệt nhiều lệnh chuyển tiền ra nước ngoài để thanh toán mua cổ phần của các công ty nước ngoài và chuyển tiền đặt cọc để mua tài sản ở nước ngoài cho bị cáo Lan. Sau đó, bị cáo làm thủ tục hủy cọc, từ đó số tiền gối đầu qua các lần chuyển ra nước ngoài là rất lớn. Bị cáo Hoàng còn phê duyệt nhiều lệnh chuyển tiền để thanh toán các khoản tiền trong thẻ tín dụng khi bị cáo Lan đi nước ngoài.

Cáo trạng xác định để hợp thức hóa việc rút tiền đã được SCB giải ngân theo phương án khống, cắt đứt, che giấu dòng tiền, Trương Mỹ Lan chỉ đạo thân tín lập phương án thực hiện việc giải quỹ bằng việc lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống để có thể sử dụng tiền mà không bị phát hiện, và né được việc phải nộp thuế. Đồng thời, phối hợp với các lãnh đạo và nhân viên SCB cho các cá nhân được thuê đứng tên người thụ hưởng khoản vay, đứng tên cổ phần… đến ngân hàng ký chứng từ rút, nộp tiền.

Bán tài sản giá trị khủng để khắc phục hậu quả

Đối với cáo buộc bị cáo Nguyễn Cao Trí lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 1.000 tỉ đồng, tại tòa, vợ bị cáo Trí xin khắc phục thêm 266 tỉ đồng bằng tiền mặt. Trước đó, bị cáo Trí đã khắc phục hơn 800 tỉ đồng và bị kê biên một số bất động sản.

Khi được xét hỏi về các tài sản của gia đình bị cáo Lan và tài sản của các đơn vị liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo Trương Mỹ Lan xin HĐXX không kê biên với căn biệt thự cổ 700 tỉ đồng tại 110-112 Võ Văn Tần, quận 3 vì căn biệt thự cổ này cần tiếp tục trùng tu để bảo tồn di tích của Việt Nam.

Bị cáo Trương Mỹ Lan đã ủy quyền cho con gái bán tòa nhà Capital Place, Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội) với giá 1 tỉ USD để thu hồi tài sản khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, HĐXX cho biết thực tế đối tác tìm mua chỉ trả với giá khoảng 360 triệu USD.

Đối với khách sạn Daewoo Hà Nội, Công ty cổ phần Bông Sen của gia đình bị cáo Lan có 73% cổ phần. Con của bị cáo Lan cũng đề nghị bán khách sạn này, sau đó dùng tiền có được khắc phục hậu quả vụ án.

Đối với một công ty bảo hiểm, có đối tác mua lại cổ phần của bị cáo Lan với giá 40 triệu USD; bị cáo Lan đã đầu tư 315 tỉ đồng vào tập đoàn nhà máy sản xuất vaccine và hiện con gái bị cáo đang chuyển nhượng cổ phần cho một đối tác khác. Tất cả số tiền này cũng sẽ dùng khắc phục hậu quả vụ án.

Thiệt hại của SCB

Tại tòa, đại diện SCB cho rằng tạm tính đến ngày mở phiên tòa sơ thẩm (5-3-2024) thì SCB bị thiệt hại hơn 760.000 tỉ đồng, đã tính thêm tiền lãi phát sinh hơn 84.000 tỉ đồng.

SCB đề nghị khai thác, quản lý và sử dụng đối với 1.166 mã tài sản của bị cáo Lan dùng đảm bảo cho các khoản vay của hệ thống Vạn Thịnh Phát; đề nghị thu hồi 240 tài sản hoán đổi và các tài sản hoán đổi khác giao cho SCB quản lý...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới