Tôi đi làm công tác bầu cử: Chuyện giờ G mới kể

Sẽ nhiều người vẫn còn nhớ cũng vào thời điểm này, năm năm trước, ngày 22 tháng 5 năm 2016 là ngày bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Khi ấy mình vừa thôi công tác bên HĐND, về làm công dân bình thường và được nhận nhiệm vụ tại tổ bầu cử khu phố 12.

Nếu ở Thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận, hẳn ai cũng biết, tại địa bàn khu phố 12 có khu nhà tạm giam, tạm giữ của Công an huyện Ninh Phước. Nơi đây đang giam giữ những người có hành vi vi phạm pháp luật, họ có thể đang bị điều tra, hoặc có thể đã bị khởi tố, nhưng chưa ra tòa nhận bản án.

Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thì cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc... Những người này chưa bị tòa tuyên án nên họ vẫn có quyền công dân, cụ thể ở đây là quyền được bầu cử. Tuy nhiên, dù được ghi tên vào danh sách cử tri để đi bầu, nhưng họ vẫn bị hạn chế một phần, ví dụ như chỉ có quyền bỏ phiếu bầu hai cấp là Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh. Và không có chuyện thích đi bầu giờ nào trong khung giờ từ 7 giờ sáng đến 19 giờ tối như mọi người ở bên ngoài hoặc "trốn đi bầu" được.

Tổ bầu cử làm việc tại khu nhà tạm giam, tạm giữ.

Ngày 20-5, sau khi làm việc với Công an huyện Ninh Phước, tôi tới nhà tạm giam, tạm giữ để tuyên truyền cho những người đang bị giam ở đây về Luật bầu cử, đồng thời giải thích những vấn đề họ chưa hiểu. Tiếp theo là giới thiệu tóm tắt tiểu sử của các ứng cử viên, cấp mà họ được lựa chọn bầu và cuối cùng là phát thẻ cử tri cho từng người.

Tôi nhận thấy, khi nhận thẻ cử tri, hơn 20 người đủ các lứa tuổi, họ cư trú ở nhiều xã và huyện trong tỉnh, ai cũng chăm chú đọc, vuốt vuốt tờ giấy rất cẩn thận, tự nhiên có cảm giác họ như một bé mẫu giáo vừa nhận phiếu Bé ngoan ấy. Tôi hiểu họ lúc này, vì chắc chắn cái tờ giấy đang được những bàn tay kia nâng niu, chính là thứ giấy tờ duy nhất, xác nhận họ còn là một công dân bình thường.

9 giờ sáng ngày 22-5, cùng với hai thành viên khác của Tổ bầu cử mang phiếu bầu, thùng phiếu phụ đến nhà tạm giam, tạm giữ. Sau những tiếng loảng xoảng của chốt khóa, tiếng rin rít của những cánh cửa sắt, từng tốp người xếp hàng theo sự chỉ dẫn của các chiến sĩ công an, họ vào căn phòng nơi chúng tôi chờ làm các thủ tục đối soát thẻ cử tri, nhận phiếu bầu...

Để ý thấy những chiếc thẻ cử tri đa phần vẫn phẳng phiu như chưa hề gập lại. Từng người, từng người lần lượt tới bàn để nhận những tấm phiếu bầu, ai cũng có thái độ rất là trân trọng, nhiều người nấn ná rất lâu, bàn bạc với bạn rồi mới gạch phiếu bầu. Có vẻ họ muốn được tận hưởng những phút giây hiếm hoi, để thấy mình được tự do của mình, mặc dù chỉ ở trong một căn phòng có không gian hẹp. Khi về phòng giam, đi qua tổ bầu cử có người cúi đầu nói nhỏ hai từ "cám ơn".

Những ai khi vướng vào pháp luật, bị hạn chế các quyền cơ bản của công dân, có lẽ lúc đo họ mới thấy quý cái mà thường ngày họ không để ý... Chắc hẳn có người suy nghĩ: giá như mình đừng làm những việc mà pháp luật cấm, thì bây giờ mình cũng là một công dân được làm cái công việc đi bầu cử như bao người bình thường rồi. Sẽ có ai đó ngộ ra rằng, trên đời này cái quý nhất không phải là tiền bạc và khi phải ở trong căn phòng khóa kín kia thì thời gian cũng không phải là thứ để trân trọng nữa.

Giờ G cũng sắp tới, nếu ai đó không biết trân trọng cái quyền thiêng liêng với hai tiếng công dân, được cầm trên tay những lá phiếu để đi bầu cử thì cũng tiếc lắm thay.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

(PLO)- Đội bắt chó thả rông của UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM tiếp tục ra quân bắt giữ chó thả rông, không rọ mõm, xử phạt thêm nhiều trường hợp chủ nuôi vi phạm.

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.