Trong dòng người ấy có tôi, một phóng viên 29 tuổi, thuộc thế hệ sinh ra sau Đổi mới.
6 giờ tối 25-7, theo thông báo của Ban Tổ chức, tôi bắt đầu hòa vào dòng người dọc phố Lê Quý Đôn đang xếp hàng dài, chậm bước.
Ngày mưa, mặt trời khuất nhanh, không khí đặc mùi ẩm ướt càng dễ cảm nhận khi sương bắt đầu rơi.
Dòng người vẫn lặng lẽ, tiếp tục nối dài như vô tận. Vị trí cuối hàng liên tục thay đổi, xa dần rồi mất hút. Nhiều người ở xa đến muộn bắt đầu khóc nấc lên, lo không kịp giờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phố Lê Quý Đôn này chỉ là một trong 8 ngả đường dẫn vào Nhà Tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, nơi Nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nằm đó.
Sau khi dừng lại chỉ vài giây để quét căn cước công dân (CCCD) gắn chip tại “Điểm quét vào viếng tang lễ”, tôi tiếp tục di chuyển theo hướng dẫn của lực lượng chức năng. Dù dòng người đông đúc, nhiều người phải đến từ các tỉnh thành xa xôi, hay có những người đã ở đây từ 6 giờ sáng… tôi vẫn không thấy ai tỏ ra khó chịu.
Dòng người cứ thế, tiến lên, dừng lại theo chỉ dẫn, trong tĩnh lặng, trang nghiêm. Dường như ai đó đều trong cảm giác nỗi buồn chung, tiếc thương Người đốt lò vĩ đại, từ mà xã hội đặt cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông dẫn dắt cuộc chiến không ngừng nghỉ và dường như không có vùng cấm vào tệ nạn tham nhũng, tiêu cực.
Di chuyển khoảng 30 phút như vậy, chúng tôi được chia thành hai hàng để tiếp tục di chuyển đến khu vực kiểm tra an ninh. Những người không mang theo túi xách, balo dồn thành một hàng đi bên trái; còn lại là những người mang theo đồ đạc đi bên phải để tiện đưa đồ qua máy soi.
Bước qua khu vực kiểm tra an ninh, dòng người được hướng dẫn thẳng tiến đến khu vực chính của Nhà Tang lễ. Những người lính quân phục chỉnh tề đứng dọc hai bên, tạo ra một lối đi hướng tới sảnh chính Nhà Tang lễ Quốc gia.
Sau nhiều tiếng chờ đợi, chúng tôi gặp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người tôi vẫn gọi là bác Trọng. Tất cả kính cẩn cúi đầu viếng Nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong dòng người đó, có ông cụ ở tuổi xấp xỉ 80, trên ngực áo treo huân huy chương, tay chống gậy, run run cúi mình. Cũng ở đó, tôi đã thấy bạn sinh viên tay khẽ gạt nước mắt, sụt sùi nấc nhẹ.
Ở đó, tôi thấy người phụ nữ trung niên không kiềm được cảm xúc mà òa lên nức nở như vừa mất đi một người thân. Và cũng ở đó, tôi đã thấy cậu thanh niên quỳ sụp xuống, cúi lạy vị Tổng Bí thư của Nhân dân đủ ba lần…
Sau khi thực hiện nghi lễ viếng bác Trọng, chúng tôi di chuyển sang bên phải theo chỉ dẫn của các chiến sĩ bộ đội, rồi cứ thế một mạch đi thẳng đến tận khu vực ngoài cổng trên đường Trần Khánh Dư, trong khi lòng chúng tôi chất chứa đầy những nỗi niềm riêng chung, những cảm xúc khó tả.
Thủ đô hôm nay thật buồn, và trống trải hệt như lời thơ của Hàn Mặc Tử: "Người đi, một nửa hồn tôi mất/Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ..."
Rồi tôi chợt nhớ, chiều nay, những người cao tuổi, người ngồi xe lăn, người chống gậy… đã được dòng người nhường đường để di chuyển lên đầu hàng người đến viếng.
Tôi cũng nhớ, chiều nay có người phụ nữ trên đường Nguyễn Cao rối rít nói với tôi: “Cứ để xe vào đây con ơi!”. Và một vài người khác hỏi han: “Đến tác nghiệp từ sớm nay đã mệt chưa, có uống nước không con?”…