. Tại sao tại cuộc họp báo ông lại nói sự cố vỡ đê Hữu Bùi ở gây ngập úng ở 7 xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) là “vỡ đê theo kế hoạch”?
+ Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội: Hôm qua tôi cũng nói rất rõ, không sai. Tức là đối với đê hữu Bùi khi mực nước vượt quá 6,5 m. Thì nước sẽ tự động tràn qua toàn bộ tuyến đê hữu Bùi. Đây là khu vực chứa lũ theo quy hoạch. Có nghĩa là khu vực được đưa nước vào để phân lũ trong tình huống lũ khẩn cấp, nguy hiểm. Ở đây tình huống lũ nguy hiểm, khẩn cấp là khi mực nước sông Bùi vượt quá 6,5 m.
Tuyến đê này có nhiệm vụ bảo vệ cho đê tả Bùi ở bờ bên kia sông Bùi. Đê tả Bùi là đê về phía Tây Nam Hà Nội, khu vực tập trung đông dân cư, cơ sở hạ tầng thiết yếu của huyện Chương Mỹ. Còn khu vực hữu Bùi có khoảng 25.000 hộ dân. Trước đây quy định là khu vực hạn chế dân cư, phải hy sinh để làm khu chứa lũ khi có lũ nguy hiểm. Diện tích nó vào khoảng hơn 10.000 ha, thuộc địa phận 10 xã và 1 thị trấn Xuân Mai của huyện Chương Mỹ.
Nói tóm lại đê hữu Bùi là đê phân lũ, gọi là đê bối, nằm ở khu vực có quy hoạch phân lũ, nó phải chịu thiệt thòi phân lũ về đó khi có tình huống lũ nguy hiểm, bất khả kháng ở sông Bùi.
Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội
. Quy hoạch phân lũ ở khu vực này cụ thể là thế nào, thưa ông?
+ Theo Quy hoạch số 92 của Thủ tướng Chính phủ, khu vực này là khu vực chịu phân chậm lũ. Đến thời điểm hiện nay, nó vẫn đang thực hiện nhiệm vụ đó. Bởi vậy để giữ an toàn cho đê tả Bùi thì phải phân lũ ở đê hữu Bùi.
Thực chất đây là một cái đê bối, để nhân dân tận dụng diện tích đất canh tác khi mực nước thấp, nếu không sản xuất thì lãng phí. Người dân tận dụng đất khu vực thấp để canh tác, còn sườn đồi núi, khu vực cao để ở.
Do kinh tế phát triển, người dân cũng nâng dần đê bối này thành đê hữu Bùi như ngày nay. Tuy nhiên, trong quy hoạch đê này chỉ được phép nâng lên 6,5 m. Còn đê tả Bùi thì có độ cao 7-8 m. Nghĩa là đê tả Bùi bao giờ cũng phải được đảm bảo an toàn. Còn đê hữu Bùi thì phải chấp nhận tràn nước ở độ cao 6,5 m.
Câu chuyện hy sinh và nước tràn vào đê hữu Bùi là xảy ra nhiều năm rồi. Chẳng hạn như trận lũ lịch sử xảy ra ở Hà Nội vào năm 2008 và trước đó thì đê tả Bùi đều bị tràn vì nó đảm trách nhiệm vụ là đê phân lũ. Năm 2008, khu vực này cũng ngập nước mênh mông vì đảm nhiệm nhiệm vụ phân lũ.
. Tình huống lũ lúc đó và quyết sách của Hà Nội dẫn đến việc chấp nhận phải phân lũ về khu vực đê hữu Bùi, nhằm bảo vệ đê tả Bùi?
+ Đêm 11, rạng sáng 12-10, nước sông Bùi lên rất cao, vượt qua mức 6,5 m. Do đó đê hữu Bùi bị tràn nước trên tuyến đê dài gần 10 cây số. Tình huống lúc đó, lũ sông Bùi ở mức báo động 3 (mức + 7 m nước trở lên), sáng 12-10 ở mức +7,14 m. Do đó nước tự động tràn qua đê hữu Bùi ở một tuyến rất dài. Trong quá trình tràn thì có 1 đoạn đê có mặt đường bê tông bị xói chân ở hai đoạn dài khoảng 10 m, khiến mặt đường bê tông bị nước cuốn đi. Tức là lúc đó nước vẫn đang tràn qua đê, tuyến yếu nhất của đê bị xói. Nhưng tựu trung vẫn nằm trong kế hoạch phân lũ của TP, chứ không phải Hà Nội phá đê này để phân lũ.
Đoạn đê hữu Bùi bị vỡ vào sáng 12-10
. Dư luận cũng đặt câu hỏi đê hữu Bùi vừa được đầu tư làm đường bê tông, nhưng không chịu được lũ về, khiến đê bị vỡ?
+ Đúng rồi, khu vực này vừa được đầu tư làm đường bê tông vào giai đoạn 2015-2016. Chủ đầu tư dự án là 1 Ban quản lý của Sở NN&PTNT (nay sáp nhập về 1 trong 5 “siêu ban” quản lý dự án của TP là Ban Quản lý dự án NN&PTNT).
Câu chuyện này cũng là sự quan tâm của TP. Trước đây, đê hữu Bùi là mặt đê đất, nhân dân đi lại rất vất vả khó khăn. Bởi vậy TP đã cho đầu tư toàn bộ mặt đê hữu Bùi với độ dài khoảng 10 km để nhân dân đi lại, phát triển dân sinh. Cao trình làm là từ 6,5-dương 7 m. Nhưng khi lũ về ở cao trình + 6,5 m trở lên thì mặt đê sẽ bị nước tràn. Mà đê đã bị tràn qua mặt thì việc xói lở chân không thể tránh được.
Đê này bị tràn toàn tuyến thì khu vực nào yếu nhất sẽ bị xói, lở. Hoặc chỗ nào của tuyến đê thấp, lượng nước, lực nước chảy sẽ tác động lớn hơn dẫn tới đê dễ bị phá. Không phá chỗ nọ, sẽ phá chỗ kia. Trong điều kiện lũ lớn như vậy thì mình cũng không có cơ sở để kết luận về chất lượng xây dựng tuyến đê được.
. Xin cảm ơn ông!
Trong hệ thống đê quốc gia thì đê hữu Bùi không được phân cấp, nó không được gọi là đê quốc gia, nó là đê bối, đê phân lũ. Trong văn bản đê này gọi là đê cấp 5, thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền huyện Chương Mỹ, không chịu sự quản lý của cơ quan chuyên môn. Còn đê đã được hệ thống đê điều quốc gia phân cấp thì phải thường xuyên duy tu, bảo vệ, nếu có sự cố tương tự thì được coi là vỡ đê và cấp được phân cấp quản lý phải chịu trách nhiệm. |