'Tôi mà ký thì mọi người... vào tù thăm tôi'

Tại cuộc họp tổng kết nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp (DN) nhà nước do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì sáng nay (31-1), ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng ủy khối DN trung ương, cho rằng: Một số DN trong khối DN nhà nước trung ương có tình trạng “khuyết” cán bộ chủ chốt. Cụ thể, trong 33 tổng công ty thì có chín tổng công ty chưa có cán bộ chủ chốt.

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng là DN đang khuyết chức danh tổng giám đốc đồng thời là người đại diện pháp luật của công ty.

Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi cho biết đang có sự chắp vá, chưa chính thức về người đại diện pháp luật nên quá trình triển khai nhiệm vụ của tổng công ty rất khó khăn.

“Thực tế hằng ngày, hằng tuần vẫn phải bán vốn, vẫn phải kinh doanh nhưng không có người đại diện pháp luật thì rủi ro rất cao” - ông Nguyễn Đức Chi nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết ông đang kiêm nhiệm chức danh chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, tại tổng công ty này cũng mới chỉ có quyền tổng giám đốc.

“Chúng tôi đã sàng lọc, tìm kiếm lãnh đạo chủ chốt cho tổng công ty nhưng không được, đưa từ chuyên viên lên thì nhiều nhưng lại không đủ tiêu chuẩn. Với cương vị chủ tịch kiêm nhiệm tôi cũng không được ký tá, nhiều khi mọi người nói đùa là anh cứ ký đi, tôi cũng bảo tôi mà ký thì mọi người vào tù thăm tôi...” - ông Nguyễn Văn Công giãi bày.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Kiến nghị giải pháp giải quyết về vấn đề “khuyết” cán bộ chủ chốt, Bí thư khối DN trung ương cho rằng: “DN không nên bổ nhiệm các cán bộ không đủ nhiệm kỳ, cán bộ sắp về hưu làm lãnh đạo. Bán vốn cần người làm tốt, có thể hoạch định cho tương lai của DN. Phải bổ nhiệm người đủ năng lực, thời gian công tác dài hạn để họ xây dựng và phát triển DN”.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho rằng: “Thiếu người đứng đầu thì làm gì cũng khó, có nơi thiếu một lãnh đạo nhưng như Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thiếu cả chủ tịch và tổng Giám đốc, như vậy thì không thể giải quyết được các vấn đề của DN”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổng hợp để có báo cáo đầy đủ tới lãnh đạo Chính phủ vấn đề này.

Bài học từ cổ phần hóa, bán vốn

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Kiểm soát chặt đất đai, giá trị DN và công khai, minh bạch hoạt động qua niêm yết trên thị trường chứng khoán là ba bài học lớn của cổ phần hóa, bán vốn năm 2017”.

Phó Thủ tướng dẫn chứng về bài học của SABECO, tổng giá trị của DN này khi cổ phần hóa chưa đầy 3 tỉ USD nhưng chỉ sau một năm lên sàn chứng khoán phải tuân thủ các báo cáo tài chính minh bạch thì thoái 53,59% vốn đã thu về gần 5 tỉ USD. Nếu bán hết có thể thu được 10 tỉ USD.

Đây là hình mẫu của sự minh bạch trong thoái vốn. Trước đây một số DN nhà nước bán đi, bán lại không được là vì cổ phần hóa nhưng không niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, tất cả DN trước khi cổ phần hóa đều phải rà soát đến từng mét vuông đất. Đất đai phải kiểm soát chặt chẽ, công khai, minh bạch. Riêng đối với Hà Nội, đấu giá đất theo mảnh đất và vị trí chứ không tính theo mét vuông. Hà Nội đang làm tốt khi xác định được 165 mảnh đất của DN nhà nước cần thu hồi để đấu giá đất công khai.

Với những DN có quy mô vốn nhà nước từ 1.800 tỉ đồng trở lên bắt buộc phải kiểm toán trước khi tiến hành cổ phần hóa. Những DN có quy mô vốn nhỏ hơn, nếu thấy cần thiết, Chính phủ vẫn tiến hành kiểm toán thẩm định giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới