Sẽ điều tra thông tin cướp tàu
Đại tá Minh thông tin: Hiện sức khỏe hai thuyền viên bị thương đã khá hơn, tinh thần của thủy thủ đoàn cũng ổn định. Kiểm kê sơ bộ cho thấy tàu bị hút khoảng 1.400 tấn dầu. “Sau khi lai dắt tàu về đất liền, chúng tôi sẽ kiểm kê thiệt hại cụ thể, đồng thời xác minh, điều tra làm rõ tàu Sunrise 689 có phải bị cướp biển tấn công như thông tin do chủ tàu (Công ty CP Đóng tàu Thủy sản Hải Phòng) cung cấp hay không” - Đại tá Minh nói.
Tàu Sunrise 689. Ảnh: CTV
Cũng theo Đại tá Minh, nếu chuyện cướp biển là có thật, lực lượng cảnh sát biển cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ phối hợp với các nước trong khu vực thực hiện mọi biện pháp điều tra để truy đến cùng vụ việc.
Chiều tối cùng ngày, ông Nguyễn Vũ Điệp, Bộ phận Quản lý khai thác tàu (Công ty CP Đóng tàu Thủy sản Hải Phòng), cho biết: Ban lãnh đạo công ty đã bay vào TP.HCM để đón các thuyền viên gặp nạn trở về. “Trước mắt chúng tôi sẽ tập trung ổn định tâm lý cho thủy thủ đoàn, còn các thủ tục về bảo hiểm đối với người và tài sản công ty sẽ xem xét sau” - ông Điệp cho biết.
“Nhóm cướp có 10 người”
Theo lời khai ban đầu của các thuyền viên, nhóm cướp biển gồm 10 người Indonesia, tấn công con tàu vào rạng sáng 3-10 tại vùng biển giữa Malaysia và Indonesia. Thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng cho biết: Khi lên tàu chúng lập tức chiếm buồng lái, phá hủy bộ phận dẫn đường cùng hệ thống thông tin liên lạc, khống chế thủy thủ đoàn làm hai người bị thương, trong đó có một người bị vỡ xương bánh chè. Sau đó chúng lái tàu đi bốn ngày liền tới một vị trí không rõ ở đâu.
“Thấy tàu bị chiếm giữ nhiều ngày, chúng tôi đã nói với đám cướp: Tàu chúng tôi đã mất liên lạc dài ngày, nếu các anh không rời tàu sẽ bị lực lượng hải quân, cảnh sát biển Việt Nam và các nước bắt giữ” - anh Thắng kể. Sau khi hút dầu sang một con tàu lớn, đến 1 giờ ngày 9-10, bọn cướp rời tàu Sunrise 689 bằng tàu cá KNF 7858 (mũi tàu treo cờ Malaysia, đuôi tàu treo cờ Việt Nam). Trước khi đi, chúng phá hủy bánh lái cùng toàn bộ trang thiết bị hàng hải, điện thoại của thuyền viên.
Do bánh lái hỏng, không có phương tiện liên lạc nên thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng đành lái tàu về hướng Việt Nam dựa theo kinh nghiệm. Đến 5 giờ ngày 9-10, tàu Sunrise 689 tới vị trí cách tây nam Hòn Khoai (Kiên Giang) khoảng 78 hải lý thì gặp một tàu cá nên anh Thắng nhờ liên lạc với chủ tàu và cơ quan chức năng. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát biển điều hai tàu ra ứng cứu.
Lúc 7 giờ sáng cùng ngày, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã điều hai tàu cảnh sát biển Vùng IV (CSB 2001 từ Phú Quốc và CSB 2004 từ Năm Căn, Cà Mau) ra cứu hộ. Đến 14 giờ thì tàu CSB 2004 tiếp cận được với tàu Sunrise như đã nói ở trên.
Theo thống kê của Tổ chức chia sẻ thông tin hàng hải quốc tế (ReAAP), từ năm 2011 đến tháng 7-2014 trên vùng biển châu Á xảy ra 11 vụ cướp dầu, riêng năm 2014 có bảy vụ. Trước thông tin trên, tháng 9 vừa qua Cục Hàng hải - Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ tàu tăng cường cảnh giác khi hoạt động trên vùng biển châu Á. ReAAP đánh giá bọn cướp biển thường chọn cướp tàu ở vị trí xa đất liền để có thời gian hút dầu và trốn thoát. |