Ngày 10-4, Ban chỉ đạo 138 TP.HCM vừa có báo cáo sơ kết tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn TP quý I-2020.
Theo đó, trong quý I-2020, phạm pháp hình sự được đánh giá là tăng 10% với 1.001 vụ; làm chết 32 người, bị thương 107 người, thiệt hại tài sản hơn 19 tỉ đồng.
Trong quý I-2020 lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá 749 vụ phạm pháp hình sự. Ảnh: NT
Hoạt động của các loại tội phạm hình sự nổi lên là các vụ giết người với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nguyên nhân phát sinh chủ yếu từ vay mượn tiền bạc, mâu thuẫn sinh hoạt hằng ngày và mâu thuẫn khi đánh bạc.
Trong đó, có một số vụ xảy ra bắt nguồn từ sự manh động, mất kiểm soát do sử dụng ma túy, gây ra thương vong cho lực lượng chức năng.
Tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản chiếm đến 77,4% trong tổng số tội phạm hình sự. Nhiều vụ án do thiếu niên hoặc người có quốc tịch nước ngoài thực hiện; tình trạng sử dụng công nghệ để lừa đảo vẫn còn tái diễn.
Tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy tại TP vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, manh động hơn, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện. Đặc biệt, các băng nhóm tội phạm có sự gắn kết, đan xen giữa tội phạm ma túy với tội phạm hình sự, kinh tế.
Theo báo cáo, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng từ việc vay mượn tiền bạc, mâu thuẫn sinh hoạt hằng ngày và mâu thuẫn khi đánh bạc. Ảnh: NT
Tình hình hoạt động của tội phạm trên lĩnh vực kinh tế nổi lên vẫn là hoạt động kinh doanh hàng ngoại nhập lậu không hóa đơn chứng từ, kinh doanh không giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; vận chuyển, buôn bán hàng cấm (thuốc lá ngoại nhập lậu); sản xuất, mua bán thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn…
Đáng chú ý, lợi dụng dịch cúm COVID-19 xuất hiện tại TP, một số cơ sở kinh doanh các mặt hàng y tế (như khẩu trang, nước rửa tay…) đã lợi dụng đầu cơ, găm hàng, tăng giá.
Trong khi đó, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn biến phức tạp. Phổ biến là hành vi xả, đổ chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, rác thải sinh hoạt chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, đô thị, khu dân cư…
Vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, phụ gia, hóa chất… vẫn còn phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo báo cáo, trong ba tháng qua, các lực lượng đã điều tra khám phá 749 vụ phạm pháp hình sự (đạt tỉ lệ 74,82%), bắt 1.160 người; bắt, vận động đầu thú và thanh loại 72 đối tượng truy nã; triệt phá 174 băng nhóm tội phạm hình sự, bắt 651 đối tượng. Lực lượng 363 Công an TP cũng đã phát hiện, bàn giao xử lý nhanh 285 vụ (với 794 người) nghi vấn, có dấu hiệu của tội phạm hình sự, ma túy, kinh tế và thu giữ nhiều tang vật liên quan hoạt động phạm tội; phát hiện và xử lý gần 2.500 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm tết Nguyên đán Canh Tý đã ghi nhận 692 vụ phạm pháp hình sự, giảm 239 vụ (25,67%) so với cùng kỳ năm 2019; triệt phá 116 băng nhóm tội phạm, bắt 450 người và xử lý gần 1300 người cờ bạc; bắt, vận động đầu thú 80 đối tượng truy nã. Công an TP đã phát hiện 317 vụ vi phạm về lĩnh vực kinh tế, khởi tố 10 vụ, xử phạt hành chính 127 vụ. Cục Hải quan TP cũng đã phát hiện, bắt giữ ba vụ vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, 235 vụ vi phạm khác về hải quan, tổng trị giá vi phạm ước tính gần 370 triệu đồng. Công an TP đã phát hiện 398 vụ (811 đối tượng) có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Khởi tố 352 vụ (441 bị can), xử phạt hành chính 46 vụ, thu giữ hơn 45 kg ma túy các loại, 10 khẩu súng và nhiều tang vật khác có liên quan. Tổng số người nghiện ma túy đang quản lý tại 16 cơ sở cai nghiện trên địa bàn là 12.892 người, tăng 1.176 người so với cùng kỳ. Công an TP cũng đã xác minh bốn vụ việc liên quan đến mua bán người, trong đó kịp thời ngăn chặn một vụ tổ chức đưa người sang các nước châu Âu trái phép. |