Tôi sốc khi dự thảo bỏ quy định với phụ nữ nuôi con nhỏ

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, thành viên ban soạn thảo Bộ luật Lao động, khẳng định như trên bên lề hội nghị tổng kết Bộ LĐ-TB&XH ngày 13-1.

Cũng theo ông Phạm Minh Huân, trong quá trình xây dựng luật, cái gì liên quan đến quyền lợi người lao động (NLĐ) thì chúng ta phải hết sức cân nhắc và chú ý bảo vệ.

“Tất nhiên, trong thực tế cũng có những khó khăn, vướng mắc cho người sử dụng lao động nhưng khi cân đối giữa hai lực lượng, chúng ta phải bảo vệ NLĐ. Những cái gì có lợi cho NLĐ đã ban hành rồi thì cố gắng thực hiện tốt. Bởi NLĐ có con nhỏ, người ta cần thời gian đó nhưng cách áp dụng và thực hiện của từng doanh nghiệp thì khác nhau nên điều chúng ta cần bàn là cân nhắc các mô hình…” - ông Huân nhấn mạnh.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng phải giữ các quy định có lợi cho người lao động. Ảnh: VIẾT LONG

Trong khi đó, bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, cho rằng sau khi xem dự thảo Bộ luật Lao động, bà thực sự giật mình và rất sốc bởi quy định tại khoản 5 Điều 155 đã bị bỏ.

“Chúng ta đang đấu tranh để người mẹ có thêm thời gian chăm sóc con, đó là việc tạo một nguồn nhân lực có chất lượng cao trong tương lai và quá trình xây dựng, kiến tạo đất nước. Chúng ta không cho thêm thời gian thì thôi, huống hồ là bỏ ra… Cá nhân tôi đánh giá đây là việc làm chưa thấu đáo...” - bà Anh cho biết.

Cũng theo bà Anh, tất nhiên đây là dự thảo luật nên cần góp ý để duy trì quy định đó: “Nếu đất nước chúng ta có điều kiện hơn thì nên tạo cho phụ nữ có thêm thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc chính bản thân và con mình…”.

Về quy định lao động nữ có kinh nguyệt nghỉ 30 phút (được quy định từ năm 1994), nhiều người cho rằng đến nay không phù hợp. Bà Ngọc Anh thừa nhận hiện nay tại các doanh nghiệp, nhà vệ sinh đã đảm bảo hơn trước nhưng như thế vẫn chưa đủ.

“Doanh nghiệp cứ nghĩ bỏ 30 phút là làm được cái này, cái khác, đặc biệt không ảnh hưởng đến cả dây chuyền. Tuy nhiên, họ không nghĩ nếu người phụ nữ bị cắt thời gian nghỉ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản thì còn tệ hại hơn nhiều…” - bà Ngọc Anh khẳng định.

Bà Ngọc Anh cũng cho rằng thực tế Nhà nước đã có quy định trên nhưng nhiều doanh nghiệp đang cố tình lờ đi. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà phải bỏ vì ít ra NLĐ cũng có hành lang pháp lý để đấu tranh quyền của mình. Nếu bỏ đi thì hành lang pháp lý của người phụ nữ không được bảo vệ…

Còn theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan, quy định tại Điều 155 là nhân văn, phù hợp. 60 phút thực sự rất quý báu với phụ nữ đang nuôi con nhỏ, giúp người phụ nữ giảm bớt căng thẳng, nhất là trong cuộc sống nhiều áp lực như hiện nay. Vì vậy, bà Đào Hồng Lan cho rằng Bộ sẽ lắng nghe các ý kiến thuận chiều lẫn trái chiều để có đề xuất phù hợp, cân đối hài hòa quyền lợi chủ doanh nghiệp và NLĐ trước khi trình Chính phủ và Quốc hội.

Người lao động nói gì?

Chị Nguyễn Thị Hằng, nhân viên công ty may mặc ở Hà Nội, cho rằng không nên bỏ quy định này vì người phụ nữ nuôi con dưới một tuổi cần thời gian đó để chuẩn bị sữa cho con trước khi đi làm và phải về sớm lo cho con. Nhất là trong khi trẻ em Việt nam còn thấp còi so với trẻ em nước ngoài, giai đoạn nhũ nhi cần chăm sóc cho các cháu đủ dinh dưỡng.

Cũng theo chị Hằng, công ty chị tự lựa chọn thời gian nghỉ 60 phút linh hoạt, có thể đi làm muộn 30 phút, về sớm 30 phút hoặc dồn 60 phút vào thời gian nghỉ trưa.

“Tôi lựa chọn nghỉ trưa để tranh thủ về cho con bú, chuẩn bị đồ ăn cho con. Mặc dù thời gian nghỉ thêm 60 phút cũng chỉ đủ chăm con chứ chưa kịp nghỉ ngơi nhưng đây là những thời gian quý giá đối với tôi và con, cho đến khi con một tuổi cứng cáp hơn thì tôi cũng yên tâm đi làm. Tôi nghĩ đây là quy định nhân văn và cần thiết”.

Hầu hết người lao động muốn giữ quy định tại khoản 5 Điều 115. Ảnh: INTERNET

Trước đó, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết qua tổng kết việc thực thi Bộ luật Lao động năm 2012, nhiều doanh nghiệp đề nghị bỏ quy định này.

“Họ cho rằng lao động nữ đã được nghỉ thai sản sáu tháng, nếu tiếp tục giữ quy định này sẽ khó cho doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp hoạt động theo dây chuyền, nếu một người nghỉ thì cả dây chuyền bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó việc thực hiện quy định này cũng gặp khó khi doanh nghiệp và NLĐ không biết thời điểm nào, khai báo như thế nào... Trên cơ sở ý kiến đó, nhóm soạn thảo đã bỏ quy định này…”.

Ông Hà Đình Bốn cũng khẳng định Bộ luật Lao động đang là dự thảo và lấy ý kiến nên mọi sự phản biện của NLĐ, các cơ quan, bộ, ngành đều được ghi nhận để điều chỉnh phù hợp, theo nguyên tắc tất cả vì NLĐ và sự phát triển của doanh nghiệp.

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012. Theo đó, tại khoản 5 Điều 155 của bộ luật này, ban soạn thảo đã bỏ quy định “Lao động nữ trong kỳ kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút, nuôi con dưới một tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động”.

 Các nước đều có quy định về thời gian nghỉ cho phụ nữ

Theo báo cáo năm 2014 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nếu không có sự hỗ trợ từ nơi làm việc thì đi làm không thể song hành cùng việc cho bú sữa mẹ. Nguyên nhân là do cơ chế sản xuất sữa mẹ vận hành dựa trên cung và cầu. Nếu người phụ nữ không có thời gian nghỉ để cho con bú hoặc vắt sữa/hút sữa ra, nguồn cung sữa từ người mẹ sẽ giảm và người mẹ có khả năng sẽ không thể sản xuất đủ sữa cho con bú.

Tại châu Á, 69% các nước cho phép lao động nữ hưởng thời gian nghỉ cho con bú, trong đó 65% là được hưởng lương và 4% là không được hưởng lương. 69% là tỉ lệ thấp nhất trong số các khu vực trên thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới