Người mẹ đau khổ ấy là bà Đặng Thị Lụa (67 tuổi, ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ). Xóm giềng kể lúc lên cơn, mấy người con đánh bà lão bầm dập. Chẳng có cách nào khác, bà xích chúng lại cả ngày.
Năm người con điên
Năm 15 tuổi bà từ Bình Định theo chồng về sinh sống tại vùng đất này. Vợ chồng bà có tất cả bảy người con nhưng người chồng không may mất sớm, để lại bà một thân một mình tần tảo nuôi con. Rồi năm đứa con của bà lần lượt phát bệnh tâm thần.
Đầu tiên là cô con gái thứ năm tên Đỗ Đào Diễm (39 tuổi), phát bệnh năm 17 tuổi. “Con Diễm nó xinh đẹp, ngoan ngoãn lại học giỏi nữa. Nó là niềm tự hào của tôi nhưng khi đó tự dưng nó về nhà đập phá, chửi bới, đánh anh em rồi điên dại cho đến giờ” - bà Lụa nói.
Nhìn đứa con gái ngoan ngoãn ngày nào đột nhiên phát dại, bà đau như ai xéo thịt. Mỗi lần con lên cơn là đập phá, chạy lang thang, vì thế dù thương con lắm nhưng bà đành bấm bụng xích con lại. Và bà tự an ủi rằng mình vẫn còn những đứa con khác.
Nhưng 10 năm sau, bất ngờ người con gái khác của bà Lụa là Đỗ Hồng Ái cũng phát bệnh theo với những biểu hiện y như chị mình và cũng ở cái tuổi 17. Trái tim người mẹ một lần nữa tan nát.
Nỗi đau của người mẹ già lên đến tột cùng khi những năm sau đó, ba người con trai gồm Đỗ Đức, Đỗ Cao Trí và Đỗ Kim Điền cũng lần lượt bị bệnh tâm thần. Trong đó, người con trai út tên Điền bị bệnh khi vừa tốt nghiệp trung cấp kế toán.
Bà Lụa chua xót kể: “Ngày nó cầm bằng tốt nghiệp về tôi vui mừng khôn xiết, cả đời vất vả lo cho con ăn học thành tài, hy vọng nương tựa nó sau này. Nhưng rồi chưa kịp tìm việc thì nó cũng phát bệnh y chang anh chị”. Bà còn hai người con gái khác, một người đã đi lấy chồng nhưng gia cảnh cũng khốn khó, còn một người con gái đang sống với bà, phụ lo trông cháu.
Bà Đặng Thị Lụa kể về bi kịch gia đình mình. Ảnh: HD
“Mai này chúng nó ra sao?”
Lời kể của bà lão đôi lúc nấc nghẹn: “Hơn 20 năm nay, không lúc nào chúng nó tỉnh lại. Mỗi lúc lên cơn chúng nó la hét, đập phá, tự hủy hoại thân thể mình, kêu mày-tao với tôi. Mỗi lần thấy con như vậy tôi như đứt từng khúc ruột. Đã từ rất lâu tôi thèm nghe một tiếng mẹ từ chúng nó mà có được đâu” - bà lão khóc.
Tiếng la hét tạm lắng đi, từ cửa trước một bé gái tầm năm tuổi bước vào, thấy người lạ bé gái chạy đến sà vào lòng bà Lụa. Đáp lại ánh mắt suy đoán của khách, bà Lụa nói: “Nó là con của con Diễm đó, nó bốn tuổi. Còn thằng nhỏ sáu tuổi nữa, con của con Ái, nó mới chạy đi chơi ở xóm rồi. Tội nghiệp, đến giờ không biết cha mình là ai nữa”.
Lo sợ bà ngày càng già, sức yếu không thể kham nổi nên nhiều lần bà con và chính quyền địa phương gợi ý, khuyên bà nên đưa các con vào trung tâm điều trị thì bà trả lời: "Nghe chúng nó la ó cũng quen rồi, không có thì buồn lắm. Nếu đưa đi điều trị phải ra tận Lâm Đồng, nhớ con thì làm sao thăm được". |
Bà cho biết hai đứa trẻ là kết quả của những lần tháo xích trốn đi, hai người con gái bị bọn bất lương hãm hiếp. Thế là đột nhiên bà bất đắc dĩ làm “mẹ” của hai đứa cháu ngoại, đã biết bao lần bà ôm cháu vào lòng khóc thương cho đứa nhỏ không một lần bú mẹ, được mẹ nâng niu chăm sóc.
Nói xong, bà dẫn tôi vào thăm những người con không bình thường của mình và không quên dặn dò khách cẩn thận, không được lại gần vì gặp người lạ họ sẽ la hét và tấn công.
Đó thật sự là một “trại tâm thần” thu nhỏ, gian nhà được chia thành bốn phòng. Mỗi người một phòng khoảng chục mét vuông và đây cũng là nơi ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân. Bà cho biết phải nhốt riêng mỗi người một phòng như vậy, nếu không thì họ đánh nhau. Người con tên Ái bị bệnh nhẹ hơn và đã có thể đi phụ giúp việc nhà, kiếm tiền mua sữa cho con.
Hễ ở gần là cả bốn người lao vào đánh nhau. Bà đành xích mỗi người lại một góc, cách nhau bởi một vách tường. Trong phòng bà không dám để bất cứ vật gì ngoài một chai nước để các con uống. Ngay cả bát ăn cơm bà cũng dùng thau nhựa, vì nếu sơ sẩy là các anh chị sẽ có thể tự làm mình bị thương.
Suốt ngày bà tất bật chuẩn bị cơm nước, giặt giũ cho các con, không còn thời gian để nghỉ ngơi. Cứ đến giờ cơm là bà mang từng phần của mỗi người đến nhưng chỉ dám để vừa tầm với, chứ không dám đến gần vì có thể trong cơn cuồng loạn những người con của bà có thể xuống tay ngay cả với mẹ. Đã không ít lần bà mang cơm nước vào cho các con và bị đánh, người bà chi chít những vết thương. Một bên tai của bà Lụa nay đã không còn nghe rõ vì bị con đánh. May mắn là dù mắc bệnh nhưng việc ăn uống, sinh hoạt mỗi người vẫn có thể tự làm.
Khổ cực ngần ấy năm nhưng bà Lụa chưa một lần than vãn hay oán trách. Bà chỉ lo: “Mấy đứa nó điên dại như thế, không nhận thức được gì. Tôi còn sống ngày nào thì cố gắng lo cho chúng nó, chứ một mai tôi chết đi rồi không biết chúng nó sẽ ra sao nữa. Còn hai đứa nhỏ tội nghiệp nữa”.
Bà Lụa là trường hợp rất đặc biệt, chồng mất sớm, mấy người con bị bệnh tâm thần, nay lại gánh vác thêm hai đứa cháu ngoại. Địa phương đã xem xét đưa bà vào hộ nghèo vĩnh viễn để bà được hưởng các chính sách của Nhà nước. Bên cạnh đó địa phương cũng ưu tiên quan tâm, tạo mọi điều kiện để giúp đỡ gia đình nhưng đó chỉ là phần nhỏ. Khó khăn ở chỗ gia đình bà không có lao động chính, chỉ có người con gái bình thường suốt ngày quanh quẩn phụ bà chăm các anh em. Rất mong các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ cho bà mẹ bất hạnh này. Ông BÙI QUANG NAM, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi |
Hiện gia đình bà Đặng Thị Lụa đang rất cần sự chung tay hỗ trợ từ cộng đồng. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về số tài khoản: 1607201005173. Chủ tài khoản: Báo Pháp Luật TP.HCM. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Phan Đình Phùng (khi chuyển khoản xin ghi tên người gửi và nội dung: “Giúp mẹ con bà Đặng Thị Lụa”). |