Tuy nhiên, từ ngày 15-3, tâm lý họ đang chịu nhiều thách thức. Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 chỉ cách thủ đô Tokyo 250 km. Người dân lo sợ khi sức gió thổi từ hướng Fukushima về Tokyo lên đến 2-3 m/giây.
Tại ga xe lửa chính Shinagawa ở Tokyo, đông đảo hành khách tay xách nách mang chen nhau đợi tàu hỏa về miền Nam. Các siêu thị nhanh chóng hết sạch thực phẩm, gạo, mặt nạ phòng độc và túi sơ cứu y tế. Các mặt hàng đang nóng là thực phẩm đóng hộp, pin, nến, đuốc, máy thu thanh, bánh mì và nước đóng chai. Ôtô đậu thành hàng dài bao vây các trạm xăng.
Bà nội trợ Mariko Kawase 34 tuổi phân trần: “Phải mua trữ thôi, phóng xạ như thế thì chúng tôi có thể sẽ không ra ngoài một thời gian dài”. Kumiko Yoshida 54 tuổi, chủ thẩm mỹ viện, cho biết: “Nhật từng bị ném bom nguyên tử, vì vậy chúng tôi rất nhạy cảm với phóng xạ. Thực phẩm rồi sẽ bị nhiễm phóng xạ”.
Ngày 16-3, dân Nhật nối đuôi tại sân bay quốc tế Tokyo chờ rời thủ đô vì lo ngại phóng xạ. Ảnh: FEATURE CHINA
Quận Akasaka là nơi tập trung khá nhiều văn phòng và công sở nên nhiều hàng quán cũng mọc lên. Nay hầu hết đều tối đèn. Tại tiệm mì Sanzoku, ông chủ Sachiko Miyata 31 tuổi rầu rĩ: “Người ta nói thức ăn duy nhất chống phóng xạ là đậu hũ nhưng giờ thì không bói đâu ra một miếng ở quận Akasaka này”. Dân Tokyo lùng sục mua đậu hũ vì đậu hũ được cho là có chứa iốt giúp chống phóng xạ. Khi đậu hũ đã hết thì người dân xoay qua mua thuốc viên potassium iodide. Một hộp thuốc tăng giá hơn 40.000 yen (10,430 triệu đồng VN) trên eBay.
Chính phủ Nhật đang đối mặt với bài kiểm tra khắc nghiệt nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Công dân Masashi Yoshida 53 tuổi dấm dẳng: “Quá tệ! Họ công bố thông tin quá trễ. Lẽ ra họ nên tham vấn với các nước khác và các chuyên gia chứ!”. Ngay cả thị trưởng Katsunobu Sakurai ở thị trấn Minamisoma gần nhà máy Fukushima số 1 cũng phiền trách: “Chúng tôi đã đề nghị tỉnh và trung ương mau chóng cung cấp thông tin cập nhật cho chúng tôi. Vậy mà cuối cùng chúng tôi phải ra áp lực mới có được”.
Báo Mainichi (Nhật) đăng bài xã luận chỉ ra tình trạng phối hợp kém giữa thủ tướng, các cơ quan an toàn hạt nhân và Công ty Tokyo Electric Power. Báo Yomiuri (Nhật) đẩy vấn đề đi xa hơn khi buộc tội hoàn toàn do chính phủ thiếu kế hoạch tổng thể. Những người sống sót sau hai quả bom nguyên tử năm 1945 cũng thất vọng. Cụ ông Haruhide Tamamoto 80 tuổi ở Hiroshima nói: “Chính phủ và công ty điện lực đều nói lượng phóng xạ rò rỉ không đáng kể nhưng tôi nghĩ họ đang nhìn vấn đề một cách hời hợt”.
ĐỨC LONG (Theo AFP, Reuters, Telegraph, MSNBC, Kyodo News)