Các quan chức về an toàn hạt nhân của Pháp nói rằng họ "bi quan" về việc các kỹ sư có thể ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I sau khi một lò chứa thanh nhiên liệu quá nóng đã bị hun đến khô kiệt.
Đêm qua (16/3/2011), mức độ bức xạ là "cực cao" tại lò phản ứng gặp sự cố do lỗ thủng từ một vụ nổ trước đó. Điều này nghĩa là phóng xạ có thể thoát ra ngoài khí quyển. Công ty điện lực Toykyo (Tepco) cho biết 5 công nhân đã chết tại hiện trường, hai người mất tích và 21 người khác bị thương.
Hiện trạng của lò phản ứng số 4 tại nhà máy Fukushima I. Ảnh do Công ty Điện lực Tokyo cung cấp
Nhật Bản hiện đang phải áp dụng những biện pháp cuối cùng, trong đó có phương pháp dùng máy bay trực thăng giội nước làm mát lò phản ứng, khiến nhiều người nghi ngại tình hình đã ở mức "ngoài tầm kiểm soát".
Hệ thống làm mát hỏng sau trận động đất làm tê liệt toàn bộ nhà máy Fukushima I, dẫn tới lò phản ứng số 4 bị đun sôi. Đêm qua, Ủy ban Pháp quy về hạt nhân của Mỹ (USNRC) cho hay lò số 4 hoàn toàn cạn kiệt nước, dẫn đến mức độ bức xạ "cực cao". Một vụ hỏa hoạn gây nổ tại lò số 4 trước đó được cho là đã phá hủy các bức tường bảo vệ xung quanh lò. Mức độ bức xạ cực kỳ cao này có thể ảnh hưởng đến khả năng khắc phục sự cố.
Nếu nước cạn kiệt hoàn toàn, các thanh nhiên liệu sẽ trở nên nóng hơn và cuối cùng tan chảy - một quan chức về an toàn hạt nhân của Mỹ cảnh báo. Vỏ ngoài bọc thanh nhiên liệu cũng có thể bắt lửa, đủ để gây áp lực khiến thanh nhiên liệu bên trong phóng xạ trên diện rộng.
Thierry Charles, một quan chức của Viện Bảo vệ Bức xạ và An toàn Hạt nhân Pháp (IRSN), cho biết "48 giờ tiếp theo sẽ là thời khắc quyết định. Tôi đang bi quan vì từ hôm 13/3/2011 đến nay, hầu như tất cả các giải pháp đều không hiệu quả". Ông Thierry mô tả tình hình hiện tại như "một rủi ro lớn", nhưng có nói thêm rằng "không phải tất cả sẽ mất đi".
Khi được hỏi về lượng phóng xạ tối đa có thể phát tán ra không khí, ông Thierry nói "phạm vi ảnh hưởng sẽ tương tự thảm họa Chernobyl".
Francois Baroin, một phát ngôn viên của chính phủ Pháp, còn lo ngại xa hơn rằng "Trong trường hợp tồi tệ nhất, thảm họa này còn nghiêm trọng hơn Chernobyl. "Họ đang mất đi sự kiểm soát", ông này nói thêm.
Sự số tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine vào ngày 26.4.1986 ước tính gây ra 57 ca tử vong trực tiếp và khoảng 4.000 ca tử vong sau đó vì các bệnh ung thư.
Trước đó, Nathalie Kosciusko-Morizet, Bộ trưởng Sinh thái Pháp, nói rằng bức xạ tại nhà máy đã tăng lên đến mức nguy hiểm trong khi tất cả công nhân đã được sơ tán. Một nhóm gồm 180 người sau đó được phép trở lại nhà máy để cố gắng làm mát các thanh nhiên liệu. Tuy nhiên, mức độ cho phép các công nhân tiếp xúc với bức xạ là từ 100 - 250 millisieverts/năm. Do đó, nhiều trường hợp tử vong là "không thể tránh khỏi".
Lầu Năm Góc cũng ra lệnh cho lực lượng vũ trang của mình vốn được gửi đến Nhật để cùng giúp đỡ cứu trợ phải rút lui, cách xa hiện trường 90km.
Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho biết tình hiện "rất nghiêm trọng" và tuyên bố sẽ bay tới Nhật trong ngày hôm nay để bắt tay vào giải quyết sự cố.
Hai năm trước đây, theo tiết lộ của trang WikiLeaks, IAEA từng cảnh báo Nhật Bản rằng một trận động đất mạnh có thể gây ra "sự cố nghiêm trọng" cho các nhà máy điện hạt nhân của nước này.
Song Malcolm Grimston, một chuyên gia hạt nhân của Tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh), lại nghĩ rằng thảm họa sắp xảy ra ở Fukushima không giống với ở Chernobyl. "Chúng ta có gần 5 ngày sau khi quá trình phân rã hạt nhân bị ngưng lại. Mức độ phóng xạ lúc đó chỉ bằng 2/3 so với lúc bắt đầu. Một số chất phóng xạ có bước sóng ngắn sẽ phát tán khác với tình hình hiện tại", ông Malcolm nói.
Theo Huyền Lê (Lao Động/ Telegraph, AFP)