Để tránh thiệt hại lớn không đáng có cho doanh nghiệp (DN) và ảnh hưởng đến nông dân, cần cho xuất khẩu gạo trở lại bình thường như trước đây. Đó là đề xuất của các địa phương và DN tại hội nghị về công tác điều hành xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương tổ chức ngày 22-4 ở TP.HCM.
“Chúng tôi đứng trước nguy cơ sụp đổ”
Nhiều DN bức xúc vì hàng chục ngàn tấn gạo của họ vẫn đang nằm ở cảng. Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty Dương Vũ (Long An), cho biết đến chiều 21-4, đã nhận được văn bản cho phép xuất khẩu nếp trở lại bình thường. Đây thực sự là tin vui cho người kinh doanh gạo.
Tuy nhiên, DN mong muốn được giải tỏa, xuất khẩu hết 500 container hàng gạo tẻ. Bởi gạo của công ty nằm tại cảng phải trả một khoản tiền lớn không đáng có, lên tới 350 triệu đồng/ngày cho chi phí lưu container. Công ty còn phải trả tiền cho hãng tàu hằng ngày rất nhiều.
“Chúng tôi đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép xuất khẩu ngay những lô hàng gạo đang nằm ở các cảng để tránh thiệt hại thêm cho DN” - ông Hòa nhấn mạnh.
Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Lương thực Bình Định (Bidifood), ông Trần Hồ Hiền thông tin: Công ty đã hai lần mở tờ khai xuất khẩu tại cảng Mỹ Thới để xuất khẩu 9.700 tấn gạo, trị giá trên 4,3 triệu USD. Thế nhưng đùng một cái, ngày 24-3, hải quan tạm ngừng việc đăng ký tiếp nhận thông quan nên hai lô hàng này nằm chờ tại cảng.
Đến đêm 11-4, Tổng cục Hải quan mở hệ thống tờ khai xuất khẩu điện tử. Công ty Bidifood đăng ký thành công hai tờ khai xuất khẩu cho hai lô hàng trên và đã được phân luồng. Thế nhưng đến ngày 13-4, công ty lại được hải quan cảng Mỹ Thới thông báo hai tờ khai gốc của công ty không tồn tại trên hệ thống dữ liệu tờ khai của Tổng cục Hải quan.
Do hàng hóa nằm ở cảng từ ngày 23-3 tới nay khiến công ty bị thiệt hại nặng nề với chi phí phải chi ra lên đến 200 triệu đồng mỗi ngày. Đó là chưa kể gạo có nguy cơ bị hư hỏng. “Chưa hết, đến ngày 22-4, hai tàu chở gạo đã chính thức thông báo phạt chúng tôi gần 200.000 USD, chưa kể gần 10.000 tấn gạo trên sà lan đang đợi lên tàu. Công ty chúng tôi đứng trước nguy cơ sụp đổ, đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính giải quyết cho chúng tôi” - ông Hiền tha thiết.
Đồng cảnh ngộ, một số DN khác cũng bức xúc cho biết đã mở thành công tờ khai hải quan xuất khẩu gạo điện tử của Tổng cục Hải quan nhưng đến khi được nối lại xuất khẩu thì tờ khai biến mất trên hệ thống hải quan.
Trước bức xúc của các DN, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đề nghị Tổng cục Hải quan hỗ trợ thông quan cho Bidifood và các trường hợp tương tự vì họ đang chịu quá nhiều thiệt hại. “Đề nghị tính lượng xuất khẩu của các công ty này vào 100.000 tấn ứng thêm trong lượng xuất khẩu tháng 4. Tôi xin chịu trách nhiệm cá nhân cho đề nghị này vì không để DN thiệt hại thêm nữa” - ông Khánh nói.
Nhiều ý kiến cho rằng lượng gạo tồn kho là rất lớn trong khi vụ hè thu chuẩn bị thu hoạch nên đề nghị sớm mở cửa thị trường xuất khẩu gạo tự do trở lại. Ảnh: GIA TUỆ
Mở lại xuất khẩu gạo tự do, không hạn ngạch
Đại diện UBND các tỉnh ĐBSCL khẳng định vụ lúa đông xuân năm nay dù bị ảnh hưởng hạn mặn nhưng sản lượng dồi dào và tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt khác, chỉ còn 1,5 tháng nữa là đến vụ hè thu nên không lo mất an toàn an ninh lương thực.
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, nhấn mạnh rằng Việt Nam nên chớp thời cơ mùa dịch này để xuất khẩu với giá cao. Về đảm bảo an ninh lương thực, ông đề nghị Chính phủ phân bổ cho từng địa phương, địa phương giao từng DN và địa phương nào vi phạm thì chế tài xử phạt. “Cần nhanh chóng cho xuất khẩu gạo nếp, không hạn chế. Đồng thời nên cho xuất khẩu gạo trở lại bình thường, không đưa ra hạn ngạch” - ông Đức kiến nghị.
Đại diện các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, TP Cần Thơ… cũng đồng tình, thống nhất với ý kiến của Long An. Tương tự, ông Trần Ngọc Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho hay hiện nay riêng tổng số tồn kho tại DN hội viên đã lên tới 1,9 triệu tấn; số hợp đồng ký trước đó là 1,7 triệu tấn giao hàng đến tháng 6.
Lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho rằng Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo quy định: DN phải dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng xuất khẩu trong sáu tháng trước đó thì nay nên giao cho các địa phương với hạn ngạch cụ thể có thể lên đến 15%-20%. Khi kiểm tra đột xuất, địa phương nào vi phạm thì xử lý nghiêm.
“Không nên quy định hạn ngạch xuất gạo vì khách nước ngoài e ngại không mua. Còn nội địa, DN vẫn cam kết bình ổn giá gạo trong nước nên không lo thiếu gạo, không lo giá gạo tăng” - ông Trung khẳng định.
Đề xuất giao cho 20 công ty lớn mua dự trữ gạo Để đảm bảo dự trữ, tôi đề xuất phương án giao cho 20 công ty gạo lớn mua vào dự trữ 10.000 tấn gạo mỗi đơn vị trong vòng hai tháng 4 và 5 để giải tỏa ngay vấn đề an ninh lương thực. Đề xuất Chính phủ có các chính sách như hỗ trợ lãi vay ngân hàng cho các DN dự trữ. Ông LÊ THANH TÙNG, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT |
An ninh lương thực cần nhìn ở góc độ mới
Sau khi lắng nghe ý kiến của các địa phương, hiệp hội và DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định vụ đông xuân được mùa, sản lượng lớn. Vụ đông xuân ở phía Bắc cũng bắt đầu thu hoạch, không có sâu bệnh như e ngại trước đó...
Vì vậy, vấn đề an ninh lương thực hiện nay cần nhìn ở góc độ mới so với cách đây một tháng. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ đề xuất điều chỉnh cơ chế điều hành xuất khẩu gạo tháng 5 và thời gian tới để báo cáo Chính phủ.
Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ làm việc với hải quan để giải quyết xuất khẩu gạo nếp, giải quyết các lô hàng gạo tẻ đưa về cảng trước ngày 24-3. Sau đó đến các trường hợp đã mở tờ khai mà bị thất lạc và lượng hàng tồn trong kho của DN.
“Nguyên tắc là DN nào đưa gạo đến cảng trước thì ưu tiên cho xuất trước. Giải quyết được lô nào thì giải quyết ngay để giảm thiểu khó khăn cho DN” - ông Khánh nhấn mạnh.
“Chúng tôi bị doanh nghiệp trút cơn thịnh nộ” Trước bức xúc của các DN, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết: Riêng tổng số lượng các hợp đồng đã ký (trước khi có lệnh ngừng xuất khẩu gạo - PV) của các DN nhưng chưa giao hàng đã là gần 1,3 triệu tấn gạo, trong khi chỉ cho phép xuất khẩu 400.000 tấn thì chắc chắn xảy ra những bất cập, bức xúc của DN và hải quan là đơn vị bị “trút cơn thịnh nộ lên đầu tiên”. Về hệ thống khai tờ khai xuất khẩu điện tử, ông Trung nói hải quan mở tờ khai hoàn toàn tự động, đúng theo các quy định. “Còn việc một số DN phản ánh tờ khai bị mất dữ liệu, chúng tôi đã nhận đơn và khẩn trương rà soát lại tổng thể trên hệ thống và sẽ giải quyết cho DN ngay” - ông Thành cam kết. |