Tôn trọng phán quyết của trọng tài nước ngoài

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào cho biết: BLTTDS 2015 có nhiều sửa đổi, bổ sung để khắc phục bất cập trong thực tiễn thi hành BLTTDS 2004, đảm bảo phù hợp với Luật Trọng tài thương mại, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước New York năm 1958 (về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (TTNN))...

Quy định cụ thể

. Phóng viên: Thưa ông, phải chăng bất cứ phán quyết TTNN nào cũng có thể được công nhận và cho thi hành ở Việt Nam?

+ Ông Tống Anh Hào: BLTTDS 2015 quy định cụ thể phán quyết của TTNN được xem xét công nhận và cho thi hành ở Việt Nam gồm: Phán quyết của TTNN mà nước đó và Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN. Phán quyết của TTNN không thuộc trường hợp trên thì thực hiện nguyên tắc “có đi có lại”.

BLTTDS 2015 cũng quy định điều kiện phán quyết của TTNN được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phải là phán quyết cuối cùng của hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp, chấm dứt tố tụng trọng tài và có hiệu lực thi hành.

BLTTDS 2015 còn quy định quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN. Theo đó, người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của TTNN nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của TTNN có tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu.

Nhà nước đảm bảo thi hành

. Thưa ông, vẫn có nhiều lo ngại về tính bắt buộc thi hành của các phán quyết TTNN ở Việt Nam?

+ Phán quyết của TTNN được tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam có giá trị như phán quyết của tòa án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành theo thủ tục thi hành án (THA) dân sự. Phán quyết của TTNN chỉ được thi hành tại Việt Nam sau khi quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN của tòa án Việt Nam có hiệu lực pháp luật. Những nguyên tắc trên sẽ đảm bảo tính bắt buộc thi hành của các phán quyết TTNN nếu được tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành.

. Giả sử công dân, pháp nhân Việt Nam phải chuyển tiền, tài sản khác cho chủ thể được thi hành ở nước ngoài theo phán quyết TTNN được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, việc này được giải quyết ra sao, thưa ông?

+ Nhà nước Việt Nam đảm bảo việc chuyển tiền, tài sản thi hành theo phán quyết của TTNN đã được tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành từ Việt Nam ra nước ngoài. Việc chuyển tiền, tài sản này được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

. Xin cám ơn ông.

Thay đổi tâm lý “muốn được nhận hơn phải trả”

Theo một nghiên cứu của tác giả Đặng Trung Hà (Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp), trong việc thi hành án (THA) dân sự nước ngoài tại Việt Nam, bên được THA thường là người nước ngoài hoặc pháp nhân nước ngoài; còn bên phải THA thường là công dân Việt Nam hoặc pháp nhân Việt Nam. Cũng có trường hợp ngược lại, song rất hãn hữu.

Yêu cầu THA dân sự nước ngoài thường liên quan đến tài sản, trong đó nhiều trường hợp bên phải THA ở trong nước phải chuyển tiền, tài sản cho bên được THA ở nước ngoài. Dù pháp luật nước ta đã có quy định, song nhận thức của các cơ quan nhà nước, cán bộ thực thi pháp luật, đặc biệt của nhiều người dân không thống nhất. Nhiều người cho rằng nếu Nhà nước cho phép (thậm chí cưỡng chế) chuyển tiền của công dân, pháp nhân Việt Nam ra nước ngoài để THA là chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của phía nước ngoài mà không chú ý bảo vệ quyền lợi của công dân, pháp nhân Việt Nam. Do bị ảnh hưởng bởi tư tưởng bao cấp nên lâu nay nhiều người vẫn quen với tâm lý muốn được nhận hơn là phải trả. Vì vậy có nhiều bản án, quyết định của tòa án nước ngoài được gửi đến Việt Nam yêu cầu công dân Việt Nam (chủ yếu là đàn ông) thi hành quyết định về cấp dưỡng nuôi con song chưa có một vụ nào được thi hành. Đến nay, hầu như chưa có một hoạt động chuyển tiền, tài sản nào từ Việt Nam ra nước ngoài để thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài và quyết định của TTNN.

Theo ông Hà, đây là sự nhận thức sai lầm, cần xem xét lại. Cần nghĩ đến cái lớn hơn, phải đặt lợi ích của quốc gia, của Nhà nước lên trên lợi ích của cá nhân, pháp nhân cụ thể. Nói cách khác, không thể chỉ vì tâm lý sợ mất tiền, tài sản của cá nhân, pháp nhân mà làm ảnh hưởng đến vị thế, danh dự và uy tín của Nhà nước. Các cơ quan nhà nước, nhất là tòa án, không thể vin cớ “bảo vệ lợi ích” của công dân Việt Nam bởi như thế là càng tiếp tay cho sự vi phạm và bất chấp pháp luật. Đó là chưa kể sau nhiều lần từ chối công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án và TTNN thì uy tín, danh dự của tòa án Việt Nam cũng bị giảm sút trước dư luận quốc tế, gây bất lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu thu hút ngày càng nhiều đầu tư nước ngoài vào Việt Nam...

Nên theo thông lệ quốc tế

Con mắt của cả thế giới đang nhìn vào Việt Nam xem phán quyết của TTNN sẽ được thực hiện thế nào, liệu rằng tòa án Việt Nam có thể trở thành cơ quan tài phán công minh hay không. Đã có những vụ việc khiến giới trọng tài quốc tế tỏ ra quan ngại. Việt Nam nên theo thông lệ quốc tế trong vấn đề này.

Ông ARTHUR APPLETON, chuyên gia quốc tế
về trọng tài và hòa giải

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới