Tổng bí thư, Chủ tịch nước họp về phòng, chống tham nhũng

Sáng 26-7, phiên họp của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì đã quyết định đưa vụ án hình sự xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SARGI) vào diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo.

Theo Ban Nội chính Trung ương (cơ quan thường trực của BCĐ), chỉ có vụ án trên được bổ sung, trong khi có tới sáu vụ án, 10 vụ việc BCĐ kết thúc việc theo dõi, chỉ đạo do các cơ quan pháp luật đã giải quyết xong.

Kỷ luật 70 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng sáu tháng đầu năm, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng BCĐ, nhận định: Việc điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án liên quan tới nhiều trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Công tác phòng, chống tham nhũng cũng đạt kết quả tích cực khi vừa qua các cơ quan chức năng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng tài sản với giá trị hơn 10.000 tỉ đồng liên quan các vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo.

Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” cũng phần nào được khắc phục khi trong sáu tháng đầu năm, các tỉnh/thành đã khởi tố 176 vụ án, 425 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, tăng hơn 13% về vụ và gần 33% về số bị can so với cùng kỳ năm 2018.

Từ đầu năm đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 123 tổ chức Đảng, hơn 7.900 đảng viên vi phạm. Trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái, tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật đối với một tổ chức Đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu.

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là con số rất lớn so với nhiều khóa gần đây.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp sáng 26-7. Ảnh: TTXVN

Tập trung chỉ đạo những vụ án trọng điểm

Về công tác của BCĐ từ nay đến cuối năm, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh, kiên trì, thường xuyên, liên tục với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong phòng, chống tham nhũng, góp phần chuẩn bị tốt cho đại hội đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Cụ thể, cả nước tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng ở mọi cấp, kiên quyết loại khỏi bộ máy, trong đó có các cơ quan phòng, chống tham nhũng, những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.

Với các vụ việc cụ thể, BCĐ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện kết luận thanh tra dự án mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc; tiến hành thanh tra chuyên đề về quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Bình Phước và dự án Nhà máy đạm Ninh Bình.

BCĐ sẽ tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 28 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 23 vụ án, xét xử sơ thẩm 25 vụ án, xét xử phúc thẩm bốn vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 28 vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo, nhất là hoàn thành xét xử sơ thẩm tám vụ án trọng điểm trong năm 2019 theo đúng kế hoạch của BCĐ.

Công tác cuối năm cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương, định hướng lớn về phòng, chống tham nhũng để phục vụ xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội XIII…

Tổng bí thư kết luận rất súc tích

Một số thành viên BCĐ và người tham dự cuộc họp cho biết: Cuộc họp kéo dài từ 8 giờ 30 đến 11 giờ, Trưởng ban Nguyễn Phú Trọng chủ trì từ đầu đến cuối. Nghỉ giữa buổi 15 phút, ông đi lại, trò chuyện rất vui vẻ với mọi người.

Về phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị của Tổng bí thư, một thành viên BCĐ nhận xét là “rất truyền cảm hứng”.

“Bác kết luận súc tích, đúng và trúng. Đấy là cách nói của người có kinh nghiệm, từng trải và có phương pháp làm việc khoa học, mạch lạc. Tinh thần, quan điểm của kết luận là nhất quán với các phiên họp trước, kiên trì, kiên quyết phòng, chống tham nhũng. Phương pháp là sai đâu sửa đấy nhưng tập trung vào vụ việc, lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp. Tìm khâu, điểm vướng nhất để gỡ. Cơ chế thì có BCĐ Trung ương, có bộ phận thường trực, tập trung vào mà chỉ đạo, tháo gỡ. Vướng luật thì sửa luật. Không vì một vài điều luật mà trì hoãn” - nguồn tin cho biết.

Cũng theo các nguồn tin tham dự những kỳ họp của BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì báo cáo cuộc họp trình bày ngắn gọn, thẳng vào vấn đề, rất thực chất.

“Hoạt động của BCĐ Trung ương giờ gắn nhiều với công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp. Vậy nên chỉ đạo của trưởng ban cũng gắn vào đó, nhất là công tác nhân sự. Tinh thần là chọn nhân sự phải thận trọng, chặt chẽ. Nếu nhân sự có dấu hiệu tham nhũng là rút ngay khỏi danh sách xem xét” - nguồn tin cho biết

Xử lý nhiều vụ án lớn

Bốn vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử gồm: Vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Vinashin; vụ sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc… tại Phú Thọ và một số địa phương; vụ lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái… tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DAB) và vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn… tại Đà Nẵng và một số tỉnh/TP.

Trong số mở rộng điều tra có mảng đưa, nhận hối lộ liên quan đến dự án MobiFone mua cổ phần AVG; các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”), Công ty Gang thép Thái Nguyên... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới