Tổng Bí thư: 'Khoán tăng trưởng' cho các địa phương đi kèm phân cấp, phân quyền

(PLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới quản lý kinh tế, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị...

Sáng 8-1, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ ông rất ấn tượng và xúc động trước những kết quả đầy thuyết phục đạt được trong năm 2024.

“Chúng ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong hoàn cảnh đầy sóng to, gió lớn, thậm chí có thời điểm là ‘bão tố’ ở cả bình diện quốc gia, khu vực và quốc tế”- Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: VGP

Còn quá nhiều quyền lực tập trung ở cấp Trung ương, bộ ngành

Khái quát những kết quả nổi bật trên tất cả lĩnh vực, Tổng Bí thư nhấn mạnh kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt trên 7%, cao nhất khu vực và thế giới trong bối cảnh khó khăn toàn cầu. Đặc biệt, trong năm qua, bộ máy tổ chức cán bộ được tinh gọn theo hướng hiệu lực, hiệu quả, giảm sự chồng chéo và cải thiện năng lực quản lý. Đây là cơ sở để nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực, và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Bí thư đánh giá công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là điểm sáng khi hàng loạt vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được phát hiện, xử lý nghiêm minh, khẳng định rõ tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

“Việc xử lý nghiêm các sai phạm đã thiết lập lại kỷ cương phép nước, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần làm trong sạch bộ máy trong hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp, tạo hiệu ứng răn đe, giáo dục sâu rộng, thúc đẩy ý thức trách nhiệm và liêm chính trong toàn hệ thống” - theo Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tổng Bí thư cho biết Chính phủ đã trình Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo đúng định hướng của Trung ương và tinh thần Nghị quyết 18, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền địa phương chủ động hơn trong việc giải quyết công việc, đồng thời nâng cao trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan hành chính. Việc sắp xếp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý công việc và cải thiện sự phục vụ của Nhà nước đối với người dân…

Dù đạt nhiều kết quả, Tổng Bí thư chỉ rõ còn tồn tại một số hạn chế và bất cập nghiêm trọng, cùng với những thách thức lớn đang tiếp tục đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cấp, các ngành trong việc xây dựng và thực hiện các giải pháp hiệu quả.

Trong đó, việc phân cấp, phân quyền, theo Tổng Bí thư, còn quá nhiều quyền lực tập trung ở cấp Trung ương, bộ ngành. Nhiều cơ quan hành chính chưa thực hiện đúng trách nhiệm, làm chậm tiến độ các dự án quan trọng. Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản đôi khi bị xâm hại do sự yếu kém hoặc lạm quyền trong thực thi công vụ.

“Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, phân tích một cách thấu đáo, khách quan và toàn diện tình hình, nguyên nhân, rút ra những bài học quý giá từ thực tiễn để đưa ra các giải pháp sáng tạo, hiệu quả và kịp thời” - Tổng Bí thư lưu ý.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VGP

Doanh nghiệp được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm

Lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, Tổng Bí thư nói cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về quản lý kinh tế. Ông nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là tinh gọn tổ chức bộ máy của Hệ thống chính trị theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả."

“Điều này không chỉ là cắt giảm mà còn đòi hỏi cải cách sâu rộng quản trị Nhà nước, minh bạch hóa và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hành chính, kinh tế, tài chính - ngân sách, và quản lý tài nguyên” - Tổng Bí thư nói và lưu ý cần tăng cường tính chủ động, sáng tạo, tự lực và trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu.

Đặc biệt, ông yêu cầu bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, đổi mới phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo không gian mới và động lực phát triển.

Tổng Bí thư lưu ý hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo minh bạch, đồng bộ, công bằng và nhanh chóng khắc phục những chồng chéo, bất cập trong hệ thống hiện hành, tạo nền tảng pháp lý ổn định, dễ tuân thủ.

“Tinh thần là một vấn đề, một nội dung chỉ quy định tại một luật; doanh nghiệp được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư cho rằng cần ưu tiên xây dựng hành lang pháp lý cho những mô hình kinh tế mới và thực thi hiệu lực, hiệu quả pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ để khuyến khích sự sáng tạo trong xã hội.

Với yêu cầu sửa đổi pháp luật và cơ chế quản lý để trao quyền tự quyết, chủ động nhiều hơn cho các cấp chính quyền, Tổng Bí thư lưu ý việc này cần đi đôi với cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, đảm bảo không để xảy ra lạm dụng quyền hạn vì lợi ích cá nhân. “Khả năng đạt tăng trưởng hai con số trong tương lai phụ thuộc nhiều vào quá trình đổi mới phát triển kinh tế của chúng ta”- Tổng Bí thư nói.

Các đại biểu tại hội nghị sáng 8-1. Ảnh: VGP

Sẽ có hàng trăm nghìn lao động rời khỏi khu vực Nhà nước

Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đẩy mạnh đột phá về thể chế, đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế “xin - cho” và tư duy bao cấp.

Đặc biệt, Tổng Bí thư quán triệt ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài.

Ngoài ra, Tổng Bí thư chỉ đạo thực hiện chính sách “khoán tăng trưởng” cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương đi kèm với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm tạo sự năng động, sáng tạo để các địa phương tự tìm cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm đạt mức tăng trưởng hai con số, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cả nước.

Một định hướng khác, Tổng Bí thư lưu ý tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, trọng điểm và quan trọng quốc gia, đặc biệt, các dự án về hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt cao tốc, cảng biển, sân bay, năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc, trên 1.000 km đường bộ ven biển và khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Liên quan đến vấn đề xã hội, Tổng Bí thư cho rằng cần ban hành và thực thi lộ trình giải pháp giảm ô nhiễm không khí tại các TP lớn như Hà Nội và TP.HCM, đưa chỉ số chất lượng không khí về mức không có hại cho sức khỏe.

Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần mạnh mẽ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, tiêu cực, đồng thời tăng cường thu hồi tài sản thất thoát, minh bạch hóa hoạt động công vụ và kiểm soát tài sản của cán bộ, đảng viên.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đưa ra câu hỏi mở về việc chuẩn bị “tổ” cho các “đại bàng”. “Điều này rất đúng, rất nên làm nhưng tại sao chúng ta ít đề cập tới kế hoạch chuẩn bị những cánh rừng, cánh đồng cho các đàn ong lấy hoa làm mật? Tại sao chúng ta chưa đưa ra các chỉ tiêu tạo ra việc làm mới cho từng giai đoạn, cho từng lĩnh vực?”

Ông dự báo giai đoạn tới sẽ có hàng trăm nghìn lao động rời khỏi khu vực Nhà nước do tác động của tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. “Vậy Chính phủ có chính sách gì để khu vực ngoài nhà nước có thể tiếp nhận một phần trong số đó”- Tổng Bí thư nêu vấn đề.

Nhấn mạnh thực tế càng trong khó khăn, chúng ta càng thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng và vươn lên mạnh mẽ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định rằng đến nay, chúng ta đã có đủ thế và lực, đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Gỡ vướng cho các dự án tồn đọng kéo dài

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025.

Theo đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% hoặc cao hơn, Chính phủ sẽ rà soát, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng cho các bộ, ngành, địa phương.

Xây dựng các kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tạo đột phá thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới, tiên tiến như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chíp bán dẫn, năng lượng sạch...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận. Ảnh: VGP

Cùng với đó, triển khai hiệu quả tổng kết Nghị quyết số 18; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

“Những việc làm được thì làm ngay theo chỉ đạo, những vấn đề còn vướng mắc thì tiếp tục lắng nghe các ý kiến xác đáng, báo cáo cấp có thẩm quyền để tiếp tục hoàn thành” – Thủ tướng nói và cho biết đến giờ này, trung bình các cơ quan của Chính phủ giảm khoảng 30% đầu mối bên trọng, có nơi giảm tới 50%.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây cũng là động lực mới, như "khoán 10" trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ông cũng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, "đột phá của đột phá", "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh" để giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí logistics...

Cùng với đó, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng kéo dài trong các lĩnh vực ở các địa phương, đặc biệt là các dự án bất động sản, các dự án liên quan đất đai, tài sản công, các dự án điện năng lượng tái tạo, các dự án tại Hà Nội, TPHCM…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới