Tổng Bí thư Tô Lâm: Chúng ta có đủ thế và lực bước vào kỷ nguyên mới

(PLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: Cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế.

Hôm qua (8-1), Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến điểm cầu các địa phương trên cả nước.

Một trong những vấn đề được các đại biểu cũng như lãnh đạo quan tâm, đề cập là mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt trên 8%, thậm chí 10% nếu thuận lợi, còn các địa phương đầu tàu như Hà Nội, TP.HCM… phấn đấu cao hơn mức chung của cả nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP

Nhiều thành quả nổi bật trong “sóng to, gió lớn”

Mở đầu phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ năm 2024 chúng ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong hoàn cảnh đầy “sóng to, gió lớn”, thậm chí có thời điểm là “bão tố” ở cả bình diện quốc gia, khu vực và quốc tế.

Khái quát những kết quả nổi bật, Tổng Bí thư nhấn mạnh kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt trên 7%, cao nhất khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong năm qua, bộ máy tổ chức cán bộ được tinh gọn theo hướng hiệu lực, hiệu quả, giảm sự chồng chéo và cải thiện năng lực quản lý. Đây là cơ sở để nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm. Đầu tiên là cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế. Thực tế tổng kết 40 năm đổi mới đã chỉ ra rằng cần phải đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng, toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế để chúng ta vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng “tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”.

Những kết quả nổi bật

Năm 2024, tăng trưởng GDP đạt hơn 7%, quy mô kinh tế đạt khoảng 470 tỉ USD; lạm phát được kiểm soát dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận kỷ lục với khoảng 800 tỉ USD, thặng dư thương mại ước tính đạt khoảng 2 tỉ USD, thu ngân sách đạt 2 triệu tỉ đồng.

Số vốn đầu tư nước ngoài thu hút khoảng 40 tỉ USD, trong đó vốn FDI thực hiện khoảng 25 tỉ USD, là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với 17 FTA.

“Điều này không chỉ là cắt giảm mà còn đòi hỏi cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, minh bạch hóa và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hành chính, kinh tế, tài chính - ngân sách và quản lý tài nguyên” - Tổng Bí thư nói và lưu ý cần tăng cường tính chủ động, sáng tạo, tự lực và trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu.

Đặc biệt, Tổng Bí thư yêu cầu bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, đổi mới phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra và chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo không gian mới và động lực phát triển.

Với yêu cầu sửa đổi pháp luật và cơ chế quản lý để trao quyền tự quyết, chủ động nhiều hơn cho các cấp chính quyền, Tổng Bí thư lưu ý việc này cần đi đôi với cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, đảm bảo không để xảy ra lạm dụng quyền hạn vì lợi ích cá nhân. “Tư duy đổi mới cần khơi dậy tính năng động, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ quản lý các cấp” - theo Tổng Bí thư.

Ngoài ra, Tổng Bí thư lưu ý hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo minh bạch, đồng bộ, công bằng và nhanh chóng khắc phục những chồng chéo, bất cập trong hệ thống hiện hành, tạo nền tảng pháp lý ổn định, dễ tuân thủ.

“Tinh thần là một vấn đề, một nội dung chỉ quy định tại một luật; doanh nghiệp được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” - Tổng Bí thư nói và nhấn mạnh khả năng đạt tăng trưởng hai con số trong tương lai phụ thuộc nhiều vào quá trình đổi mới phát triển kinh tế của chúng ta.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VGP

Thực hiện chính sách “khoán tăng trưởng” cho các địa phương

Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đẩy mạnh đột phá về thể chế, đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế “xin-cho” và tư duy bao cấp. Đặc biệt, ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí như quy hoạch “treo”, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài.

Ngoài ra, Tổng Bí thư chỉ đạo thực hiện chính sách “khoán tăng trưởng” cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương đi kèm với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm tạo sự năng động, sáng tạo để các địa phương tự tìm cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm đạt mức tăng trưởng hai con số, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cả nước.

Một định hướng khác, Tổng Bí thư lưu ý tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, trọng điểm và quan trọng quốc gia, đặc biệt là các dự án về hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt cao tốc, cảng biển, sân bay, năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc, trên 1.000 km đường bộ ven biển và khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng...

Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần mạnh mẽ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, tiêu cực, đồng thời tăng cường thu hồi tài sản thất thoát, minh bạch hóa hoạt động công vụ và kiểm soát tài sản của cán bộ, đảng viên.

Nhấn mạnh thực tế càng trong khó khăn, chúng ta càng thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng và vươn lên mạnh mẽ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định rằng đến nay chúng ta đã có đủ thế và lực, đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP

Các cơ quan đã giảm khoảng 30% đầu mối bên trong

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thời gian tới cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% hoặc cao hơn, Chính phủ sẽ rà soát, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng cho các bộ, ngành, địa phương.

Xây dựng các kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tạo đột phá thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới, tiên tiến như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chip bán dẫn, năng lượng sạch...

Xây dựng các chính sách tạo đột phá huy động các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân (phấn đấu khu vực này đóng góp khoảng 65%-70% GDP).

Cùng với đó, triển khai hiệu quả tổng kết Nghị quyết 18; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy “tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. “Đến giờ này, trung bình các cơ quan của Chính phủ giảm khoảng 30% đầu mối bên trong, có nơi giảm tới 50%” - Thủ tướng thông tin.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây cũng là động lực mới, như “khoán 10” trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, “đột phá của đột phá”, “chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh” để giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh…

Cùng với đó, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng kéo dài trong các lĩnh vực ở các địa phương, đặc biệt là các dự án bất động sản, các dự án liên quan đến đất đai, tài sản công, các dự án điện năng lượng tái tạo, các dự án tại Hà Nội, TP.HCM…

Kỷ cương trách nhiệm, tăng tốc bứt phá

Báo cáo tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết chủ đề của năm 2025 là “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”. Do đó, Chính phủ, Thủ tướng tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nghị quyết, kết luận của Đảng và Quốc hội, tập trung vào ba đột phá chiến lược, sáu nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể để hướng đến các mục tiêu, chỉ tiêu.

Trong đó, cần phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn 8%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân khoảng 4,5%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8%-1% và 71 chỉ tiêu khác.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình đã nêu lên tám nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá năm 2025. Trong đó cần lưu ý việc hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế…

******

Ý KIẾN

Bộ trưởng Bộ Tài chính NGUYỄN VĂN THẮNG:

Tận dụng dư địa nợ công để huy động vốn

Năm 2025, cơ quan quản lý sẽ tận dụng tối đa dư địa nợ công để đẩy mạnh huy động vốn trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất hợp lý và vay nợ nước ngoài với chi phí thấp, ít ràng buộc. Việc này nhằm bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia, các dự án kết nối liên vùng, liên quốc gia.

Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ hiệu quả của từng dự án để tránh gánh nặng trả nợ sau này, chỉ những dự án được tính toán có hiệu quả rõ rệt mới sử dụng nguồn vốn đi vay. Phát triển đồng bộ, mạnh mẽ thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường trái phiếu và cổ phiếu để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp chân chính, có tài chính lành mạnh bổ sung nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững…

-----

Chủ tịch UBND TP.HCM PHAN VĂN MÃI:

Giải quyết tồn đọng, giải phóng nguồn lực

TP.HCM xác định năm 2025 là năm tăng tốc để về đích và phấn đấu hoàn thành đạt và vượt tất cả chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, chuẩn bị kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước vào nhiệm kỳ mới cũng với mục tiêu tăng trưởng hai con số.

Để triển khai mục tiêu này, trong năm 2025, TP triển khai 22 chỉ tiêu với chín nhóm nhiệm vụ, giải pháp; đồng thời kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng ba nội dung.

Kiến nghị thứ nhất là hỗ trợ TP giải quyết các tồn đọng, góp phần giải phóng các nguồn lực cho nền kinh tế cũng như đưa hàng chục ngàn tỉ đồng đi vào nền kinh tế của năm 2025.

Liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, TP.HCM mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có định hướng, khung pháp lý để hệ thống cơ quan hành chính nhà nước quản lý những vấn đề chính, cơ bản, những việc có thể chuyển giao cho nền kinh tế, cho xã hội thì cần khung pháp lý để phát huy lực lượng của nền kinh tế, của xã hội.

Đồng thời cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phát huy liên kết vùng, phát huy nguồn lực hai vùng là Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, từ đó đóng góp trên 50% GDP của cả nước, giúp đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.

-----

Bí thư Thành ủy TP Huế LÊ TRƯỜNG LƯU:

Tăng hạn mức sử dụng đất xây dựng khu công nghiệp

Mong Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành trung ương phối hợp với TP Huế trong quá trình tổng kết Nghị quyết 54, Nghị quyết 83 của Chính phủ và báo cáo Bộ Chính trị.

Đồng thời phối hợp hướng dẫn rà soát nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, có tính đột phá để tiếp tục tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phù hợp với tính chất mô hình tổ chức chính quyền của TP Huế.

Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ tăng hạn mức sử dụng đất xây dựng khu công nghiệp để sớm chuẩn bị đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng. Tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các dự án đầu tư bất động sản, dự án ngoài ngân sách để giải phóng nguồn lực và chống lãng phí.

-----

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận TRẦN QUỐC NAM:

Hoàn thiện pháp luật về xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Năm 2025, tỉnh đề ra mục tiêu tăng trưởng đạt 13%-14%. Với việc được Trung ương tiếp tục khởi động lại xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Ninh Thuận mong Chính phủ, các bộ, ngành sớm xác định lộ trình xây dựng và hoàn thiện các hệ thống pháp luật, các quy hoạch có liên quan để tỉnh có cơ sở pháp lý triển khai các công việc tiếp theo.

Cùng với đó, chúng tôi cũng đang quyết tâm tập trung xây dựng chính sách ưu tiên quốc gia và trong quý I-2025 sẽ hoàn thành. Do vậy, Ninh Thuận mong các lãnh đạo Trung ương quan tâm để sớm thông qua cơ chế, chính sách này…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới