Sáng 9-11, phát biểu tại tổ về dự án Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh dự luật trước hết phải xác định vai trò rất quan trọng của giáo dục đào tạo, trong đó người thầy là chủ thể trung tâm, đồng thời phải giải quyết mối quan hệ tương quan giữa thầy và trò.
Tổng Bí thư lấy ví dụ, chính sách rất quan trọng của Nhà nước ta là phổ cập giáo dục, các cháu đến tuổi đi học là phải được đến trường, tiến từ phổ cập tiểu học đến phổ cập trung học. “Nếu tiến hơn nữa thì Nhà nước phải bỏ học phí, nuôi ăn các cháu ở tuổi đi học. Tiến bộ là phải ở mức độ như vậy” – Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư để thực hiện được yêu cầu đó không thể để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp được vì “có thầy là phải có trò”.
Tổng Bí thư cho hay, điều kiện đất nước hiện nay đã tương đối thuận lợi để thực hiện mục tiêu này vì căn cứ vào dữ liệu dân cư hiện nay có thể biết được một năm có bao nhiêu trẻ em đến độ tuổi đi học. Từ dữ liệu đó, cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động chuẩn bị giáo viên, trường lớp để cho các cháu đi học.
“Cái gì thiếu thì phải giải quyết. Mà đã có trò, có thầy thì phải có trường. Không thể quy hoạch, quản lý thế nào mà không có trường được. Đây là vấn đề rất thời sự”, Tổng Bí thư nói và nhấn mạnh cần giải quyết được mối tương quan giữa thầy và trò.
Cũng theo Tổng Bí thư, dự luật cần phải xác định vị trí, vai trò của người thầy trong nghiên cứu khoa học; vai trò của người thầy trong hội nhập với giáo dục quốc tế và các chính sách liên quan…
“Đất nước hội nhập, giáo dục đào tạo hội nhập thế nào, giáo viên hội nhập thế nào? Như vừa rồi, chúng ta tuyên bố phổ cập tiếng Anh trong giáo dục. Vậy thầy phải có trình độ tiếng Anh thế nào? Thầy ở đây có quy định là người nước ngoài không? Người nước ngoài vào giảng dạy có chấp hành Luật Nhà giáo của Việt Nam không?” – Tổng Bí thư nêu và cho rằng cần phải có chính sách cụ thể về vấn đề này.
Tổng Bí thư cũng cho rằng không nên quy định cứng về tuổi hưu của nhà giáo vì như vậy sẽ mâu thuẫn với chính sách học tập suốt đời.
“Càng giáo sư lớn tuổi lại càng có uy tín và kinh nghiệm. Nếu Luật nói đến tuổi nghỉ hưu không còn nhà giáo nữa, không được đi dạy nữa thì chúng ta sẽ không tận dụng được nguồn lực này trong công tác giáo dục, giảng dạy” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cũng cho rằng dự luật cần có quy định về thầy giáo trong môi trường đặc biệt như: giáo viên ở trại giam, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, miền núi… Từ đó, có chính sách cụ thể để hỗ trợ, tạo điều kiện một cách tốt nhất cho thầy cô giáo công tác.