Tổng kết Luật Thủ đô: Đất nhà máy, cơ quan di dời biến thành cao ốc

(PLO)- Một trong những bất cập sau chín năm thực hiện Luật Thủ đô là tiến độ di dời trụ sở các cơ quan, nhà máy, trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô còn chậm, quỹ đất sau di dời biến thành nhà cao tầng…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 21-11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đồng chủ trì hội nghị tổng kết thi hành Luật Thủ đô (được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2012, có hiệu lực từ ngày 1-7-2013).

Luật giúp Hà Nội huy động được nhiều nguồn lực

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thi hành Luật Thủ đô trong chín năm qua để xác định những tác động tích cực của cơ chế đặc thù về xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô, đồng thời nhận diện những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc. Từ đó kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành Luật và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật cho phù hợp với tình hình mới.

Dự án chung cư 423 Minh Khai (trước đây là trụ sở của Công ty Cổ phần dệt Minh Khai) vừa được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bổ sung vào “diện theo dõi”. Ảnh: TP

Dự án chung cư 423 Minh Khai (trước đây là trụ sở của Công ty Cổ phần dệt Minh Khai) vừa được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bổ sung vào “diện theo dõi”. Ảnh: TP

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, một số cơ chế đặc thù quy định trong Luật đã góp phần giúp Hà Nội huy động được nguồn lực to lớn, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, tăng nguồn thu tài chính - ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…

Tuy nhiên, cạnh đó vẫn còn một số những bất cập, hạn chế trong vấn đề thực hiện quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị. Đặc biệt, là việc chậm di dời trụ sở các bộ ngành, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội thành Hà Nội theo Quyết định 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Quang cảnh hội nghị tổng kết thi hành Luật Thủ đô sáng ngày 21-11. Ảnh: TP

Quang cảnh hội nghị tổng kết thi hành Luật Thủ đô sáng ngày 21-11. Ảnh: TP

Quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho thành phố để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Thủ đô. Thay vào đó, quỹ đất sau khi di dời trụ sở các nhà máy, cơ quan lại được chuyển đổi để làm các dự án nhà ở thương mại, chung cư, gây áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng khu vực nội đô…

Đề xuất chín chính sách sửa luật

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô, thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức tổng kết thi hành Luật Thủ đô và phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật.

Theo đó, Hà Nội đề xuất chín chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó tập trung phân quyền, phân cấp mạnh mẽ hơn ở nhiều lĩnh vực, đồng thời đề xuất các chính sách “đặc thù, vượt trội, phù hợp” để phát triển trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: TP

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: TP

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền các cấp và nhân dân TP về vị trí, vai trò của Thủ đô, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô. Việc thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù quy định trong Luật đã góp phần giúp thành phố đạt được một số thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực…

“Đề nghị, UBND TP Hà Nội, các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu về xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới theo mục tiêu mà Nghị quyết 15-NQ/TW đã đề ra” - Bộ trưởng Tư pháp nói, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với 9 chính sách lớn mà Hà Nội đề xuất trong việc sửa Luật Thủ đô.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định sẽ nghiêm túc, tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, cơ quan để hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Đồng thời mong muốn các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục có sự quan tâm, giúp đỡ để Hà Nội nhanh chóng phát triển, trở thành động lực phát triển của Vùng Thủ đô.

Chín chính sách được Hà Nội đề xuất trong sửa Luật Thủ đô:

1. Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

2. Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô.

3. Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô.

4. Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô.

5. Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

6. Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô.

7. Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo;

8. Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững.

9. Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm