Kể từ năm 2015, Tổng lãnh sự Pháp và Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm tôn vinh các giáo viên dạy tiếng Pháp.
Các giáo viên tiếng Pháp chụp ảnh cùng tổng lãnh sự, lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM.
Với tất cả lòng kính trọng, ông tổng lãnh sự đã cảm ơn toàn thể các giáo viên tiếng Pháp có mặt tại buổi lễ về sự cống hiến của các thầy cô cho tiếng Pháp, đồng thời nhân danh nước Pháp gửi đến các thầy cô lời cảm ơn chân thành.
Năm nay, buổi gặp gỡ thân mật vào tối 19-11 được đánh dấu bởi sự ra mắt của trang mạng xã hội chuyên dành cho các giáo viên tiếng Pháp, IFprofs. Trang mạng này được Viện Pháp tại Paris xây dựng và đã thu hút được 4.500 thành viên (gồm giáo viên tiếng Pháp, giáo viên dạy các môn học phi ngôn ngữ bằng tiếng Pháp, điều phối viên sư phạm…) của 29 quốc gia trên thế giới, trong đó có 186 người Việt Nam. Thông qua trang mạng này, các giáo viên có thể tiếp cận và trao đổi nguồn tài liệu sư phạm, phương pháp dạy học cũng như các thông tin về phương pháp giảng dạy mới.
Các thầy cô xem biểu diễn âm nhạc truyền thống trong khuôn viên dinh lãnh sự quán Pháp.
Để trang mạng được đông đảo giáo viên tiếng Pháp biết đến, cuộc thi Khám phá IFprofs! đã được tổ chức từ ngày 24-10 đến 13-11. Cô Nguyễn Thị Định, giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, đã giành chiến thắng với giải thưởng là chuyến đi hoàn thiện ngôn ngữ tại một trung tâm dạy tiếng tại Pháp do Viện Pháp tại Việt Nam tài trợ.
Việc thành lập các Chi hội Giáo viên tiếng Pháp (FIEF) vào năm 2016 trực thuộc Liên hiệp Hữu nghị Việt-Pháp tại TP.HCM và Cần Thơ cũng được ông tổng lãnh sự chào đón và chúc mừng. Sự thành lập các chi hội này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giao lưu giữa các giáo viên về kinh nghiệm, thực hành, các vấn đề, dự án…
Sự kiện quan trọng này cũng được dựa trên nhu cầu đẩy mạnh sự hiện diện của tiếng Pháp thông qua các giáo viên tiếng Pháp. Trong xu hướng đó, Viện Pháp tại Việt Nam phát triển các Không gian Pháp (Espace France), đặt tại các địa phương. Văn phòng này có nhiệm vụ hỗ trợ hợp tác, là nơi gặp gỡ giao lưu với văn hóa và ngôn ngữ Pháp, làm việc với Sở GD&ĐT các tỉnh, thành nhằm cung cấp cho các trường học các trợ lý ngôn ngữ người Pháp.
Cũng vào tối 19-11, khoảng 30 giáo viên đã được trao bằng chứng nhận Giám khảo-chấm bài thi của các kỳ thi DELF-DALF. Để được như vậy, các giáo viên phải theo học các khóa thực tập trao quyền do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức. Các văn bằng DELF-DALF của Bộ GD&ĐT Pháp, được công nhận trên toàn thế giới, xác nhận các kỹ năng ngôn ngữ tiếng Pháp và thu hút khoảng 4.500 thí sinh tham gia thi mỗi năm tại Việt Nam.