Tổng lực gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt

Tổng lực gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt

(PLO)- Dự kiến tháng 10 tới, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu sẽ sang kiểm tra, xem xét gỡ cảnh báo thẻ vàng cho hải sản Việt Nam.

Nhiều giải pháp cấp bách từ cơ quan quản lý, các chuyên gia đã được nêu ra tại tọa đàm “Chung tay gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt”. Tọa đàm do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức ngày 10-6 tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền.

Một điểm đáng chú ý, sau sáu năm thực thi khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để gỡ thẻ vàng, đặc biệt là nửa đầu năm 2023, sau khi Thủ tướng ban hành kế hoạch hành động gỡ thẻ vàng IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định), công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bức tranh sáng

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT, cho biết số lượng hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU bị trả về giảm đáng kể, từ đầu năm đến nay chỉ có 1-2 lô hàng nhưng lý do là vì các lỗi kỹ thuật.

Theo ông Hùng, Việt Nam đã đi đúng hướng, thực hiện tốt bốn nhóm khuyến nghị mà EC đưa ra, gồm khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật.

Cảm ơn các đơn vị đồng hành với chương trình!

Ban tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành: Ngân hàng Agribank, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng VietinBank, Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng Vietcombank, Công ty Charm Group, Công ty GigaMall, Công ty Đa Phước, Công ty Thực phẩm Bình Tây, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Acecook Vietnam, Tập đoàn Sun Group, Công ty Dược phẩm TV.Pharm, Công ty Thương mại Tài Tiến, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia Genco1, Công ty Bê tông 620 Châu Thới, Công ty cổ phần HimLam, Công ty GonSa, Công ty Địa ốc Phú Long, Tập đoàn Masterise, SEN Group…

Ban tổ chức chương trình

Đối với việc thực hiện nhóm khuyến nghị thứ nhất, Việt Nam gần như đã hoàn thiện khung pháp lý đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU như ban hành Luật Thủy sản năm 2017, Chính phủ ban hành hai nghị định và Bộ NN&PTNT ban hành tám thông tư...

Với nhóm khuyến nghị thứ hai, ông Hùng cho hay Việt Nam đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đạt 97,6%. Hệ thống giám sát tàu cá triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương và tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát.

Về nhóm khuyến nghị thứ ba, đã thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước được kiểm soát theo chuỗi, xác nhận tại 53 cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến. Việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng được Hiệp định PSMA tại 14 cảng biển chỉ định cho tàu nước ngoài cập cảng.

Đáng chú ý, ở nhóm khuyến nghị thứ tư về thực thi pháp luật, theo ông Hùng, đến nay đã ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bài học “lạt mềm, buộc chặt” từ Bà Rịa-Vũng Tàu

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã cơ bản ngăn chặn được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, không có vụ việc nào xảy ra. Bên cạnh đó, số lượng tàu của tỉnh được đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đạt trên 97%. Tỉ lệ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt trên 96%. Tình trạng tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình trên biển quá 6 giờ, trên 10 ngày đã giảm trên 60%...

Đánh giá cao chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đánh giá cao chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”, cũng như tọa đàm “Chung tao gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt” mà báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với tỉnh nhà tổ chức, đặc biệt là trong bối cảnh tỉnh và ngành hải sản đang chuẩn bị để làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ tư, dự kiến vào tháng 10 tới đây.

Theo ông Vinh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, có tiềm năng lớn phát triển kinh tế biển, đặc biệt là ngành khai thác hải sản. Do đó, rất cần sự quan tâm, chung tay của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển và của toàn xã hội để ngư dân yên tâm bám biển, chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác hải sản trên biển.

“Tôi mong muốn thông qua tọa đàm “Chung tay gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt” và chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ giúp nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành quy định pháp luật về khai thác hải sản của ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung, cùng chung tay gỡ thẻ vàng đối với ngành hải sản Việt Nam trong thời gian sớm nhất” - ông Vinh chia sẻ.

Ông Vinh cũng cho hay địa phương sẽ có chính sách hỗ trợ, chăm lo sinh kế cho ngư dân, cùng với đó là giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con ngư dân trong bối cảnh nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt, khai thác đánh bắt thua lỗ, chi phí tăng cao…

Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết để có được kết quả tích cực trên là nhờ quá trình tuyên truyền, vận động các chủ tàu, thuyền trưởng tuân thủ các quy định về khai thác hải sản. Tỉnh cũng ký kết và triển khai quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh với Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 với các tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định.

“Tỉnh đã lắp đặt thêm một trạm bờ đặt tại Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh (ngoài trạm bờ tại Chi cục Thủy sản) để phối hợp theo dõi, giám sát tàu cá trên 15 m, phối hợp kiểm soát, ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU. Đơn vị cũng lập thêm ba chốt liên ngành trên biển để kiểm tra, kiểm soát các đợt cao điểm về chống khai thác IUU trong năm 2023” - ông Văn thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Lê Tòng Văn, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như chưa xử lý dứt điểm được các tàu cá mất kết nối trên 10 ngày trên biển vì thiếu cơ sở pháp lý. Nguồn lực tham gia kiểm tra, kiểm soát nghề cá còn hạn chế… Để tháo gỡ những hạn chế, ông Văn đề nghị cần giám sát đặc biệt, ngăn ngừa vi phạm đối với các trường hợp tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài.

Ngoài ra, cần lập danh sách, quản lý chặt chẽ, tổ chức kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ trước cộng đồng. Buộc chủ tàu cá vi phạm phải chi trả kinh phí để đưa ngư dân vi phạm về nước; tàu cá vi phạm không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó Tư lệnh kiêm tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3.

Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó Tư lệnh kiêm tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3.

Tổng lực chống khai thác IUU trong năm 2023

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết Bộ NN&PTNT đã có kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU đến tháng 10-2023, để chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra EC lần thứ tư xem xét gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam.

Cụ thể, bộ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng chủ trì tập trung cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại vùng biển giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định, các khu vực tập trung nhiều tàu cá… nơi tiềm ẩn nguy cơ các tàu không đủ điều kiện lẩn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Đồng thời, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến...

“Thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn không để tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến, nếu để xảy ra trường hợp không đủ điều kiện vẫn được xác nhận xuất, nhập bến thì chỉ huy đơn vị đó phải chịu trách nhiệm” - ông Hùng nói và yêu cầu các tỉnh, TP ven biển phải nghiêm cấm các chủ nậu, vựa, cơ sở, doanh nghiệp thu, mua sản phẩm khai thác bất hợp pháp, tàu chuyển tải sản phẩm khai thác bất hợp pháp.

“Nếu cố tình móc nối làm ăn phi pháp thì có thể bị điều tra, truy tố hình sự” - ông Hùng nói và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức Đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ kiểm tra thực tế tình hình chống khai thác IUU tại địa phương. Đặc biệt, đoàn kiểm tra các tỉnh trọng điểm có tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài ngay trong tháng 6.

Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó Tư lệnh kiêm tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, cho biết đơn vị này đã chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, vận động, phát hiện ngăn ngừa từ sớm từ xa, không để tàu cá Việt Nam vượt xa vùng biển nước ngoài khai thác trái phép, yêu cầu thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm IUU.

Đơn vị này cũng nắm bắt kịp thời, phát hiện tàu mất tín hiệu kết nối giám sát hành trình, vượt ranh để gọi cho chủ tàu, thuyền trưởng yêu cầu tàu chấp hành nghiêm quy định. “Chúng tôi tăng cường tuần tra, kiểm soát vào ban đêm, xử lý nghiêm việc cố tình vi phạm, chuyển hồ sơ vi phạm đến UBND tỉnh có các tàu cá vi phạm đăng ký để thực hiện xử phạt” - Đại tá Nguyễn Minh Khánh khẳng định.

GS-TS - Đại sứ NGUYỄN HỒNG THAO, thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế - Liên Hợp Quốc:

Cần ký kết hợp tác quốc tế chống khai thác IUU toàn diện

Việt Nam rất tích cực hợp tác với các nước, đặc biệt là phòng, chống khai thác IUU. Cụ thể, chúng ta đã ký bốn điều ước quốc tế, 17 thỏa thuận quốc tế về các lĩnh vực liên quan đến thủy sản và hợp tác hàng hải với các nước trong và ngoài khu vực.

Các thỏa thuận về thiết lập đường dây nóng trong hoạt động khai thác thủy sản cũng được ký kết với nhiều quốc gia, tích cực tham gia vào các sáng kiến khu vực, các diễn đàn đa phương để trao đổi thông tin và kinh nghiệm về phòng, chống khai thác IUU. Chính những điều này đã thể hiện thiện chí và quyết tâm của VN trong việc giảm thiểu và tiến tới loại bỏ IUU…

Tuy nhiên, việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống khai thác IUU vẫn chưa toàn diện. Việt Nam chưa tham gia Tổ chức Quản lý nghề cá khu vực Nam Thái Bình Dương, chưa phê chuẩn Hiệp định thúc đẩy tuân thủ các biện pháp bảo tồn và quản lý quốc tế đối với tàu cá trên biển cả nên còn gặp khó khăn trong hợp tác quốc tế trên lĩnh vực phòng, chống khai thác IUU….

..............................

ThS HOÀNG VIỆT, chuyên gia Luật Biển quốc tế, ĐH Luật TP.HCM:

4 giải pháp bảo vệ ngư dân Việt Nam trên vùng biển chồng lấn

Đầu tiên, Chính phủ Việt Nam cần tích cực đàm phán với các quốc gia có vùng biển chồng lấn để phân định các vùng biển chồng lấn giữa hai bên một cách cụ thể và chi tiết theo quy định của Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc mà cả Việt Nam và các quốc gia trên đều là thành viên đầy đủ.

Thứ hai, cần sửa đổi và ban hành thống nhất các quy định về hoạt động khai thác thủy hải sản hiện nay của Việt Nam theo quy định, tiêu chuẩn của các nước trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung.

Thứ ba, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về quy định khai thác trên biển của pháp luật quốc tế, pháp luật các quốc gia có vùng biển chồng lấn, tiếp giáp với Việt Nam.

Thứ tư, Chính phủ cần tăng cường sự hiện diện các lực lượng chấp pháp cũng như cứu hộ, cứu nạn trên biển của Việt Nam như Cảnh sát biển, Kiểm ngư... tại các vùng biển chồng lấn để có thể kịp thời hỗ trợ ngư dân.

...........................................

Ông NGUYỄN TRÍNH, Giám đốc HTX dịch vụ khai thác thủy sản Quyết Thắng:

Gỡ thẻ vàng mới nâng cao được giá trị của hải sản Việt

Gỡ được thẻ vàng để nâng cao vị thế, tăng giá trị và giá thành của thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu, đây là điều quan trọng nhất đối với ngư dân hiện nay. Để làm được điều này các cơ quan, tổ chức cần tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động thiết thực để nâng cao nhận thức pháp luật của bà con ngư dân khi vươn khơi đánh bắt.

Chẳng hạn như gần đây, cán bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức ăn sáng, uống cà phê với ngư dân để tuyên truyền các kiến thức liên quan đến vấn đề này, đây là những hoạt động rất có ý nghĩa.

...........................................

Ngư dân VÕ VĂN Ê, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Hướng dẫn để ngư dân hiểu, đánh bắt đúng luật là rất cần thiết

Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm pháp lý về tháo gỡ thẻ vàng, báo còn tặng cho bà con ngư dân cuốn cẩm nang “Những điều cần biết khi đánh bắt hải sản” với nhiều kiến thức bổ ích, hướng dẫn để bà con tuân thủ pháp luật, điều này rất cần thiết và có ý nghĩa.

Bởi khi ngư dân chúng tôi hiểu luật, biết rõ đánh bắt ở ngư trường nào là hợp pháp thì bà con sẽ hướng dẫn đội tàu đánh bắt cho đúng, khi đó ngư dân sẽ không vi phạm vùng biển nước ngoài nữa.

............................

Ngư dân TẠ THẾ SƠN, ngụ xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Mong chính quyền hỗ trợ để ngư dân vươn khơi, bám biển

Hiện nay, khó khăn mà ngư dân gặp phải là máy móc nhanh chóng hư hỏng, có những máy móc sản xuất từ năm 1994, khi sửa chữa lại thì rất khó đăng kiểm.

Ngoài ra, còn những khó khăn như nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, chi phí cao và có nguy cơ thua lỗ… Tôi có hai đôi tàu nhưng mới đây đã phải bán một đội tàu. Nếu bán trước năm 2020 thì được giá khoảng 2-3 tỉ đồng nhưng giờ bán chỉ được 30-40 triệu đồng.

Tôi mong chính quyền, cơ quan nhà nước có chính sách trợ cấp hỗ trợ ngư dân, làm sao đảm bảo ngư dân có thu nhập ổn định. Tôi cũng kiến nghị chính quyền kiểm tra chỉ đạo nạo vét cửa biển của xã Phước Tỉnh để tàu cá ra vào thuận tiện.

...............................

Trao 200 phần quà cho bà con ngư dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Dành tặng 30 suất học bổng cho các em học sinh giỏi, là con em của ngư dân có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 10-6, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã đến với bà con ngư dân ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực (Chủ tịch danh dự của chương trình); ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cùng ban tổ chức đã đến thăm và tặng quà cho ba gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền.

Ông Trương Hòa Bình, Chủ tịch danh dự của chương trình (thứ hai từ trái qua); Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ và ông Mai Ngọc Phước (bìa phải), Trưởng Ban chỉ đạo chương trình, đến thăm, tặng quà gia đình ông Châu Minh Hoàng ở ấp Tân Phước, bị tai nạn lao động khi đi biển. Ảnh: MẠNH THẮNG

Ông Trương Hòa Bình, Chủ tịch danh dự của chương trình (thứ hai từ trái qua); Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ và ông Mai Ngọc Phước (bìa phải), Trưởng Ban chỉ đạo chương trình, đến thăm, tặng quà gia đình ông Châu Minh Hoàng ở ấp Tân Phước, bị tai nạn lao động khi đi biển. Ảnh: MẠNH THẮNG

Đó là các gia đình các ông Nguyễn Văn Dận (ấp Phước Thái), Nguyễn Văn Hởi (ấp Phước Thiện) và Châu Minh Hoàng (ấp Tân Phước). Đây đều là những chủ tàu chấp hành tốt quy định của pháp luật, có ý chí bám biển, vươn lên, làm giàu từ biển.

Vui mừng khi được các cấp lãnh đạo đến thăm, các gia đình cho biết họ đã gắn bó với nghề biển mấy chục năm qua, đây là sinh kế của cả gia đình. Tuy nhiên, hiện nay vì giá dầu tăng cao, hải sản không còn nhiều nên việc ra khơi trở nên khó khăn hơn, liên tục thua lỗ. Do đó, nhiều gia đình đành neo đậu tàu thuyền, chờ ngày quay lại biển.

Chia sẻ với khó khăn của các gia đình, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đề nghị chính quyền địa phương tìm hiểu các hộ ngư dân đang gặp khó khăn để có chương trình hỗ trợ phù hợp; đồng thời, hỗ trợ cho con em các gia đình ngư dân gặp khó khăn để các em được vững bước đến trường.

“Bà con ngư dân không nên xâm phạm vùng biển nước ngoài, đảm bảo an toàn, tích cực bám biển giúp kinh tế - xã hội phát biển, góp phần giữ vững biển, đảo, quê hương. Ngư dân bám được biển mới giữ được biển, đảo, đây là điều rất thiêng liêng” - ông Trương Hòa Bình nói.

Dịp này, ban tổ chức chương trình đã tặng quà cho 200 ngư dân của tỉnh. Bộ quà tặng gồm một bộ ắcquy + đèn Led và túi thuốc chống nước cùng các loại thuốc cần thiết trị giá 4 triệu đồng; một áo phao và cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản” do báo Pháp Luật TP.HCM chủ biên với rất nhiều kiến thức về pháp lý cần thiết dành cho bà con ngư dân. Ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng thường trực, Chủ tịch danh dự của chương trình, cũng dành tặng dầu gió cho bà con ngư dân.

Cũng trong dịp này, ban tổ chức chương trình cũng trao tặng học bổng trị giá 2 triệu đồng cho 30 học sinh là con của ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích học tập tốt. NHÓM PV

*****

Ngày mai, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với tỉnh Ninh Thuận

Sau khi đến với huyện Cần Giờ, TP.HCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ đến với bà con ngư dân tỉnh Ninh Thuận với nhiều hoạt động thiết thực ý nghĩa trong hai ngày 13 và 14-6.

Vào ngày 13-6, chương trình sẽ phối hợp với Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Ngọc Minh tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 1.000 ngư dân ở xã Cà Ná và Phước Diêm.

Ngày 14-6, chương trình sẽ tổ chức đoàn thăm hỏi, động viên những gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, tinh thần vươn lên và tuân thủ tốt việc đánh bắt hải sản trên biển.

Tối cùng ngày, chương trình sẽ phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức trao tặng 200 bộ quà tặng cho ngư dân địa phương, tặng 30 suất học bổng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình có sự tham dự của ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ (Chủ tịch danh dự của chương trình); ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cơ quan thực thi pháp luật trên biển.

Cùng đó là sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh, các huyện ủy, UBND các huyện và đông đảo bà con ngư dân. Hoa hậu Trái đất Nguyễn Phương Khánh, đại sứ chương trình, cũng sẽ đồng hành với các hoạt động “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” tại Ninh Thuận.

Ban tổ chức mong muốn chương trình sẽ góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của bà con ngư dân khi tham gia đánh bắt trên biển, góp phần cùng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương, cấp bách tháo gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam.

Chương trình cũng mong là cầu nối để cộng đồng xã hội cùng chung tay hỗ trợ bà con ngư dân an tâm bám biển, khẳng định, gìn giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. HUỲNH HẢI

Đọc thêm