Thông tin từ báo chí cho thấy tính từ đầu tháng 4-2016, cá nuôi lồng bè của người dân gần Khu kinh tế Vũng Áng, thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, bắt đầu chết. Hiện tượng bất thường này sau đó lan ra cá, tôm nuôi bằng nguồn nước biển, cá tự nhiên suốt dọc trên 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế).
Như báo chí phản ánh, tại nhiều xã ven biển, người dân vớt được cả tấn cá chết trôi dạt vào bờ chỉ trong vòng một ngày nhưng nguyên nhân thì chưa được rõ. Các nguyên nhân liên quan vấn đề dịch bệnh, động đất hay tràn dầu đều đã bị loại bỏ.
Tất cả nghi vấn hiện đổ dồn về Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh khi có đường ống xả thải chôn dưới đáy biển.
Infographic về cá chết khắp nơi. (Nguồn: VnExpress)
Tập đoàn Formosa (Formosa Plastics Group - FPG) là một tổ hợp công nghiệp đa ngành hàng đầu của Đài Loan (hóa dầu, chất dẻo, công nghệ sinh học, điện tử, quang sợi, ô tô…). Được thành lập từ năm 1954, tập đoàn này gặt hái được vô số thành tựu nhưng song song đó đã dính nhiều tai tiếng liên quan đến vấn đề môi trường tại chính Đài Loan cũng như các nước khác.
Bê bối rác thải tại Campuchia
Tháng 12-1998, Formosa đã đưa 3.000 tấn rác thải độc hại đến Sihanoukville, Campuchia. Sau khi con tàu Chang-Shun cập cảng tại đây, số chất thải khổng lồ trên tiếp tục được chuyển đến một bãi rác ở ngoại ô Sihanoukville. Cách bãi rác này chỉ 1 km là khu dân cư với gần 3.000 người sinh sống.
Đến giữa tháng 12-1998, giới chức môi trường tại Campuchia đã bắt đầu nghi ngờ bãi rác chứa một số chất độc hại nghiêm trọng từ một lô hàng của Đài Loan khi nhiều người dân lấy nhựa ở bãi rác này về sử dụng và chỉ trong vài ngày có biểu hiện sốt cao cũng như tiêu chảy. Một công nhân làm việc dọn dẹp hầm tàu Chang-Shun thậm chí phải nhập viện và chết ngay trong ngày.
Các mẫu chất thải sau đó được đem xét nghiệm tại Đài Loan, Singapore và Nhật Bản. Kết quả điều tra cho thấy tất cả số chất đều vượt quá mức an toàn về hàm lượng thủy ngân vô cơ (ít hơn 0,2 ppm).
Formosa thừa nhận loại chất trên là sản phẩm thải từ quá trình sản xuất clo từ muối để sử dụng trong việc sản xuất poly-vinyl chloride (PVC), quá trình có sự tham gia của thủy ngân. Là một trong những nhà sản xuất nhựa PVC lớn nhất thế giới, FPG do đó phải xử lý một lượng lớn rác thải nhiễm loại chất độc hại này.
Sau khi điều tra, chính phủ Campuchia phát hiện một công ty của Campuchia đã ký hợp đồng nhập khẩu số rác thải trên với Formosa và cũng tố cáo Formosa đã hối lộ số tiền tổng cộng 3 triệu USD cho giới chức địa phương, trong đó có khoảng 30 vị quan chức đã bị chính phủ kỷ luật. Cuối cùng, FPG buộc phải xin lỗi, bồi thường và vận chuyển số rác thải này trở về Đài Loan.
Formosa đã gây ra nhiều vụ bê bối môi trường tại nhiều nước.
Sau khi thu lại số chất thải độc hại trên, FPG lên kế hoạch đưa sang bãi xử lý ở TP Westmorland, bang California, Mỹ. Tuy nhiên, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) của Mỹ đã rút lại quyết định cho FPG nhập chất thải vào Mỹ sau khi biết được mối nguy hiểm từ lô rác khổng lồ này.
Tấn công môi trường tại Mỹ
Năm 2004, một nhà máy của Công ty Formosa tại Illinois, Mỹ nổ đã làm chết sáu công nhân và nhiều người khác bị thương. Các chất độc hại sau vụ nổ đã làm nguồn nước, đất, không khí trong khu vực ô nhiễm và buộc toàn thể người dân quanh vùng phải di tản.
Trong một vụ bê bối vào tháng 9-2009 của Formosa, Bộ Tư pháp và Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) của Mỹ đã buộc các nhà máy tại bang Texas và Louisiana của Công ty Formosa bỏ ra hơn 10 triệu USD để xử lý các vi phạm về thải chất độc ra không khí và nguồn nước tại hai nhà máy hóa dầu của công ty này.
Công ty Formosa ngoài ra cũng đã đồng ý nộp khoản tiền phạt dân sự 2,8 triệu USD để giải quyết các vi phạm theo Luật khí sạch (CAA), Luật nước sạch (CWA), Luật bảo tồn và phục hồi tài nguyên (RCRA) và Luật quy hoạch khẩn cấp và quyền được thông tin công cộng (EPCRA) của Mỹ.
Theo thỏa thuận tại Tòa án Quận miền Nam Texas, cả hai cơ sở ở Texas và Louisiana của Công ty Formosa sẽ phải thực hiện Chương trình phát hiện và sửa chữa rò rỉ toàn diện theo CAA cùng Chương trình phát hiện và loại bỏ rò rỉ vinyl chloride.
Doanh nghiệp “Hành tinh đen” tại Đức
Cũng trong năm 2009, tổ chức bảo vệ môi trường Ethecon của Đức đã trao mác: “Hành tinh đen” - một “giải thưởng” dùng để bêu tên doanh nghiệp gây ảnh hưởng môi trường lớn nhất trong năm - cho Tập đoàn nhựa Formosa vì “thành tích” đóng góp vào việc phá hủy môi trường thế giới.
Ethecon cho biết họ gắn “Hành tinh đen” cho Formosa là bởi tập đoàn này “chịu trách nhiệm rất lớn cho việc làm hành tinh đen thêm với những hoạt động hủy hoại đối với trái đất”.
“Tập đoàn nhựa Formosa hành động chỉ vì lợi ích riêng, không chỉ đe dọa đến hòa bình, nhân quyền mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái và loài người nói chung”.
Theo Ethecon, những người nhận giải bao gồm các thành viên trong gia đình họ Wang - nhà sáng lập Tập đoàn Formosa, Chủ tịch Tập đoàn Lee Chih-tsuen và toàn bộ ban lãnh đạo tập đoàn. Ethecon cho biết tổ chức này cũng đã tập hợp một tư liệu rất đầy đủ về quá trình “phá hoại môi trường” của Formosa.